Vẫn “trọng nam khinh nữ”!?

07:15 | 16/07/2016

1,709 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Trọng nam khinh nữ” là câu chuyện tưởng chừng đã kết thúc khi xã hội phát triển và nhận thức của con người thay đổi theo sự tiến bộ của nhân loại. Thế nhưng, thực tế ở nước ta, vẫn còn ngấm ngầm sự phân biệt giữa nam và nữ, giữa phái mạnh và yếu, dẫu đã có những “nhúc nhích” trong quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Và đây sẽ là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy trong xã hội.

Bị thiêu sống vì không đẻ được con trai

Chị Nguyễn Thị Luyến, 29 tuổi ở xã Hồng Thái, huyện An Dương, TP Hải Phòng chỉ vì không sinh được con trai, chị sinh hai con gái nên bị gia đình nhà chồng, đặc biệt là bố chồng hắt hủi, đối xử cay nghiệt. Thậm chí có lần, bố chồng là ông Trần Đình Hậu còn kề dao vào cổ dọa giết chị nếu không tiếp tục sinh cho ông thằng cháu “nối dõi tông đường”.

van trong nam khinh nu

“Tội” của chị cứ được đay đi đay lại hằng ngày như vậy cho đến tối ngày 17-3-2014, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi ông Hậu, bố chồng chị một mực quy kết con dâu “không biết đẻ”, không biết tính toán sao cho ra “thằng cu” mà chỉ toàn đẻ “vịt giời”. Tức tối, không chịu nổi áp lực của bố đối với gia đình mình, chồng chị Luyến là anh Trần Đình Hiệp đã tưới xăng lên người cả vợ, con và cả bản thân mình để thiêu sống với ý nghĩ “tự giải thoát” khỏi áp lực của bố.

Kết cục là cả gia đình anh chị đều bị bỏng nặng phải cấp cứu ở Bệnh viện Việt-Tiệp, Hải Phòng.

Nguyên nhân không đẻ được con trai dẫn đến bi kịch gia đình không phải là chuyện hiếm trong xã hội, nhất là ở những vùng quê. Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đã khảo sát và tìm hiểu thực tế và không ít những chuyện mà trong tưởng tượng cũng khó hình dung ra được. Một nhân chứng đã cung cấp cho Viện Nghiên cứu phát triển xã hội về người phụ nữ bị phân biệt đối xử như thế này: “Bà ấy ở cạnh nhà tôi đã nạo thai hàng chục lần với cảnh chết đi sống lại. Vậy mà vẫn cứ phải chiều chồng vì bà ấy tâm sự nếu không chồng sẽ bóp cổ, hành hạ cho “lên bờ xuống ruộng”. Có một lần vì không chịu nổi, bà ấy đã chạy sang nhà tôi kêu “Chị ơi, cứu em với”. Già 52 tuổi rồi mà vẫn bị bóp cổ bắt phải đẻ cái thằng “đái đứng” hẳn hoi chứ không phải “đái ngồi”. Thật lạ là ngay bà ấy cũng coi là mình là có tội khi không sinh được con trai. Bà ấy “thừa nhận”: “Chồng em chửi em là đúng rồi vì em không đẻ được con trai, toàn đẻ con gái. Nhà nào người ta chịu được”!?

Phụ nữ chỉ làm việc nhà?

Bất bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn tồn tại nặng nề dù đã có những cải thiện thay đổi vị thế của người phụ nữ trong xã hội như đã tăng cường các cơ hội cho phụ nữ ở hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống, đã tạo điều kiện để phụ nữ có sức khỏe tốt và học vấn cao hơn so với các thập kỷ trước… Thế nhưng, ở những vấn đề mấu chốt có thể cải thiện cuộc sống của người phụ nữ tốt hơn nữa vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trong báo cáo mới nhất của Chính phủ về kết quả thực hiện chương trình Quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015 cũng thừa nhận tiến bộ bình đẳng giới ở Việt Nam còn chậm chạp, đôi khi trì trệ và thậm chí tụt hậu ở một số lĩnh vực.

Từ căn nguyên gốc rễ văn hóa mà trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, có thể nói bình đẳng giới đều bị chi phối một cách cụ thể. Ở lĩnh vực nào, phần lớn phụ nữ đều được xem là thứ yếu trong khi nam giới là trọng yếu. Cụ thể trong giáo dục khoảng gần 71% phụ nữ có trình độ giáo dục thấp hơn đáng kể so với nam giới và có xu hướng tập trung nhiều hơn ở trình độ trung học cơ sở và thấp hơn… Ở vai trò lãnh đạo, phụ nữ ít được đề bạt hoặc tạo cơ hội nâng cao năng lực chuyên môn, nhất là ở khu vực Nhà nước. Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đã thống kê, số phụ nữ được đề bạt lên các vị trí cao chỉ bằng một nửa so với nam giới.

So với mục tiêu của Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 tỷ lệ nữ vẫn còn khoảng cách khá xa vì mục tiêu đặt ra là 35% trở lên là nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, các chuyên gia nhận định, do nhận thức về bình đẳng giới một bộ phận các cán bộ chủ chốt ở các ngành địa phương chưa đầy đủ nên tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn xuất hiện ở một bộ phận cán bộ, Đảng viên. Tiếp nữa là phần đông phụ nữ, trên cương vị của mình còn tự ti, chưa chủ động trong hoạt động chính trị, trong đó mạnh dạn tiếp cận với các nhóm đối tượng trong xã hội để thể hiện chính kiến của mình, thể hiện khả năng, năng lực của mình. Sau đó là nguyên nhân ý thức, trách nhiệm làm mẹ, làm vợ trong gia đình vẫn bị chi phối lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự tham gia của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực…

Xã hội sẽ tụt hậu

Trong khi hậu quả của việc bất bình đẳng giới xét dưới mọi góc độ thì rất lớn như nguyên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan (1997-2006) từng khẳng định: “Bình đẳng giới không chỉ là mục tiêu mà đó là điều kiện tiên quyết để đối phó với những thách thức trong giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững và xây dựng nền quản trị tốt”. Tổng thống Chile Michelle Bachelet chỉ ra rằng: “Báo cáo khoảng cách giới năm 2010 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy những quốc gia có bình đẳng giới tốt hơn thì có nền kinh tế phát triển nhanh hơn với sức cạnh tranh mạnh hơn”. Chủ tịch Liên minh Renault - Nissan Carlos Ghosn nhấn mạnh: “Tuyển chọn và đề bạt những phụ nữ tài năng là việc đúng đắn mà xã hội phải làm và đó là một đòi hỏi từ lợi ích kinh tế”.

Để giải quyết vấn đề bình đẳng giới, theo TS Khuất Thu Hồng phải thay đổi quan niệm truyền thống cứng nhắc về vai trò, giá trị của người phụ nữ bằng các chương trình hành động cụ thể - giáo dục công chúng về vai trò của người phụ nữ không thể gắn chặt với công việc chăm sóc mà đó là thuộc tính của cả nam và nữ. Tư vấn tiền hôn nhân cho nam giới và phụ nữ trẻ các hoạt động nâng cao nhận thức về việc chia sẻ bình đẳng các công việc nhà… Tăng cường việc thực thi các luật liên quan tới bình đẳng giới và phụ nữ, cải thiện các dịch vụ xã cơ bản nhằm giảm gánh nặng việc nhà, xây dựng triển khai một chính sách thúc đẩy sự tiếp cận của phụ nữ tới các cơ hội phát triển sự nghiệp thông qua đào tạo chuyên môn.

TS Khuất Thu Hồng khẳng định, chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp trên kết hợp với truyền thông tích cực thì sự bất bình đẳng giới mới được cải thiện.

Tú Anh

Năng lượng Mới 539