Vấn nạn tân dược giả trên thế giới (Phần 1)

07:00 | 04/02/2019

870 lượt xem
|
(PetroTimes) - Dùng thuốc giả có thể gây nguy hiểm trực tiếp hoặc gián tiếp cho người sử dụng. Đây là vấn đề được các nước đặc biệt quan tâm. Tổ chức Y tế thế giới, Interpol và Hải quan trong những năm qua đã nỗ lực đấu tranh với loại tội phạm này.

Thuốc tân dược giả gồm nhiều loại: những loại giống hệt với thuốc thật về cả hình thức và thành phần chữa bệnh; những loại thuốc kém chất lượng và những loại được đóng gói và dập lại hạn sử dụng. Thành phần hóa học của thuốc giả có thể có tác dụng chậm, không có tác dụng hoặc có độc tố. Đây là loại tội phạm có nguy cơ cao, có thể gia tăng ở bất cứ nơi nào có năng lực quản lý kém. Dùng thuốc giả có thể gây nguy hiểm trực tiếp hoặc gián tiếp cho người sử dụng. Đây là vấn đề được các nước đặc biệt quan tâm. Tổ chức Y tế thế giới, Interpol và Hải quan trong những năm qua đã nỗ lực đấu tranh với loại tội phạm này.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng ngành kinh doanh thuốc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thiết bị y tế ở Trung Quốc tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm, đạt doanh thu khoảng 20 tỷ nhân dân tệ (3 tỷ đôla Mỹ). Trong đó, xuất khẩu chiếm khoảng 40% và tiêu thụ trong thị trường nội địa là 60%. Số liệu này cho thấy số thuốc giả ở Trung Quốc xuất khẩu hàng năm là 1,2 tỷ đôla Mỹ với hơn 9.000 công ty chuyên sản xuất thuốc giả (chưa kể 388 công ty mới được giải thể năm 2007). Riêng với Ấn Độ, ngành xuất khẩu thuốc giả ở nước này đạt khoảng 1,6 tỷ đôla mỗi năm. Khoảng 10% thuốc tân dược đang được lưu hành trên toàn thế giới là thuốc giả.

Tuy nhiên, ở những nước đang và kém phát triển trong khu vực Đông Nam Á và châu Phi thì tỷ lệ này tăng lên mức 30%. Một số lượng không nhỏ thuốc tân dược giả trên thế giới cũng được tiêu thụ ở Bắc Mỹ và châu Âu. Nếu không tính Nhật Bản thì châu Á, châu Phi và Úc chỉ tiêu thụ khoảng 10% tổng số thuốc được bán trên toàn cầu. Thuốc giả chỉ chiếm ít hơn 1% số thuốc lưu hành trên thị trường ở hầu hết các nước phát triển.

van nan tan duoc gia tren the gioi phan 1

Tang vật trong một vụ buôn bán thuốc giả

Năm 2003, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát ngẫu nhiên về thuốc Artesunate (dùng để chữa bệnh sốt rét) ở Lào. Trong 25 viên thuốc mua từ hiệu thuốc thì 22 viên là thuốc giả, trong đó có 4 viên có chứa một hàm lượng quá cao chất Artemisinin - một thành phần giúp tăng cường miễn dịch với bệnh sốt rét. Năm 2008, nhóm nghiên cứu này đã lấy 391 mẫu thuốc Artesunate ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và dọc biên giới Thái Lan-Myanmar, phát hiện 16 chất hologram giả khác nhau (đây là một chất vô hại được sử dụng để đóng gói nhằm ngăn ngừa việc làm hàng giả). Một nửa số mẫu phẩm này được phát hiện là hàng giả dựa trên cách đóng gói và thành phần hóa học trong đó. Các viên thuốc không chứa hoặc chứa rất ít hàm lượng Artesunate cũng như các chất có tác dụng chữa bệnh khác.

Phân tích cũng tìm ra nguồn gốc của các mẫu thuốc là từ phía Bắc Trung Quốc, khu vực có chung biên giới với Việt Nam, Lào và Myanmar. Mới đây nhất, trong một nghiên cứu ngẫu nhiên về các mẫu thuốc từ 581 phòng khám ở Nigeria và Tây Phi, các nhà nghiên cứu cho hay có khoảng 48% thuốc chống nhiễm khuẩn ở các cơ sở này chứa thành phần chữa bệnh có liều lượng quá cao. Một nghiên cứu về thuốc artesunate bán ở Ghana cho thấy trong số 17 mẫu thuốc đang được giao dịch thì chỉ có 6 mẫu đạt tiêu chuẩn quốc tế và chỉ có 3 mẫu đạt tiêu chuẩn của các nước châu Âu.

van nan tan duoc gia tren the gioi phan 1

Thuốc giả được làm gồm đủ các loại (ảnh minh họa)

Thuốc giả từ Trung Quốc thường do các công ty vận tải chuyên biệt vận chuyển. Để qua mắt cơ quan chức năng, hàng hóa trong tàu sẽ bị khai báo sai lệch. Trước khi được chuyển tới nơi tiêu thụ, thuốc giả được vận chuyển qua Hồng Kông bằng nhiều tàu cao tốc, sau đó mới được tập hợp lại rồi cho vào container vận chuyển tiếp. Một số ít thuốc giả cũng được bán qua mạng Internet hoặc gửi qua đường bưu kiện quốc tế.

Các nhân viên thực thi pháp luật ở Đông Nam Á cho biết phần lớn thuốc giả ở nước họ có nguồn gốc từ Phúc Kiến, Quảng Đông và Vân Nam, Trung Quốc. Một số còn được chuyển qua Thâm Quyến và Hồng Kông trước khi được đưa sang khu vực này. Một số được vận chuyển thẳng sang Việt Nam qua cửa khẩu đường bộ ở Nam Ninh (bên phía Trung Quốc) sang cửa khẩu Hữu Nghị ở Đồng Đăng, Lạng Sơn; từ cửa khẩu Côn Minh (tỉnh Vân Nam) sang cửa khẩu Lào Cai; từ Quảng Châu sang cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh và phần lớn là qua đường tiểu ngạch.

Thuốc giả từ Ấn Độ có thể được vận chuyển trực tiếp từ nơi sản xuất tới những công ty xuất khẩu ở Maharashtra, Gujarat và Tamil Nadu, sau đó được tập kết ở Nigeria chuyển đi tiêu thụ tại các nước trong khu vực châu Phi.

Hoạt động của tội phạm sản xuất, buôn bán, vận chuyển tân dược giả tại Việt Nam

Bọn tội phạm còn dùng thủ đoạn ăn cắp công thức của thuốc chính hãng, sau đó đem đi đặt các cơ sở sản xuất hàng giả rồi đóng gói và tung ra thị trường tiêu thụ. Gần đây nhất, vào ngày 8/11/2014, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhóm đối tượng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, thu giữ hơn 3000 hộp thuốc tân dược giả. Đối tượng chính Bùi Văn Hiệp (SN 1985), trú thôn Hưng Nhân, Trực Mỹ, Trực Ninh, Nam Định, Giám đốc công ty cổ phần thương mại và thiết bị y tế Hoa Kỳ vận chuyển 2 thùng carton chứa 150 hộp thuốc Lumbrotine và 80 hộp cốm bổ Zinc-kid điều trị thiếu kẽm ở trẻ còi xương và phụ nữ mang thai, mẹ cho con bú. Qua xác minh toàn bộ số thuốc do Bùi Văn Hiệp vận chuyển trên xe máy là hàng làm giả.

Tiến hành điều tra mở rộng vụ án, đội chống hàng giả đã bắt giữ thêm đối tượng Nguyễn Anh Văn (SN 1982), HKTT tại Thôn 10, xã Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Ninh, Giám đốc công ty TNHH thương mại và đầu tư LV France (trụ sở tại 161, tổ 2, phường Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội). Nguyễn Anh Văn là đối tượng trực tiếp mua mẫu thuốc Lumbrotine và cốm bổ Zinc-kid thật bán trên thị trường và mang đi làm mẫu, đặt hàng sản xuất giả rồi đóng gói, tung ra thị trường để tiêu thụ. Nguyễn Anh Văn khai nhận: Y đã bán ra thị trường hơn 3.000 sản phẩm. Cơ quan công an tiếp tục phát hiện và thu giữ thêm máy dập hàn mép túi và một số bao bì nhãn thuốc bị làm giả.

Tại cơ quan điều tra, đối tượng Văn cho biết, giá thành thuốc Lumbrotine mà các đối tượng mua khoảng 10.000 nghìn/hộp và bán ra thị trường gần 200.000 đồng/hộp. Thực phẩm chức năng Zinc-Kid là 40 nghìn đồng/hộp và bán ra là 70 nghìn đồng/hộp. Như vậy, với 3.000 hộp giả, các đối tượng đã thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

(Còn tiếp)

Hòa Thu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank