Vẫn là chuyện “dụng nhân như dụng mộc”

06:50 | 14/10/2013

1,920 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Yêu cầu học đi đôi với hành mãi mãi vẫn là chân lý của bất cứ nền giáo dục nào. Và hóa ra không phải thủ khoa nào cũng giỏi. Triết lý của tiền nhân “dụng nhân như dụng mộc” vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự!

Bảo Dân (NLM số 262)

Việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo cấp sở trong hệ thống chính trị đã rục rịch tiến hành ở một số địa phương với những tín hiệu có thể ghi nhận là khả quan. Tuy nhiên, với hầu hết các nơi đang còn ở thì tương lai thì Quảng Ninh có thể xem là địa phương tiên phong với những kết quả nhỡn tiền thật sự. Trước đó, vào đầu năm 2013, trong đợt thi tuyển lãnh đạo cấp sở, bà Phạm Thùy Dương trúng tuyển vào chức danh Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long (tương đương Giám đốc sở). Bà Phạm Hồng Lan trúng tuyển chức danh Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông. Trong trường hợp bà Dương trúng tuyển, Quảng Ninh đã có bước đột phá khi bỏ qua “lệ tỉnh”, không bổ nhiệm người cũ và giữ chức vụ phó giám đốc đã lâu.

Đã có kinh nghiệm trong tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, tỉnh Quảng Ninh “thừa thắng xông lên” tổ chức thi tuyển hai phó giám đốc sở mới và lại có kết quả tốt. Cuối tháng 9 vừa qua, Quảng Ninh đã thi tuyển thành công hai chức danh Phó giám đốc Sở Ngoại vụ và Sở Nội vụ.

Các thí sinh tìm hiểu việc nộp hồ sơ thi tuyển công chức

Kết quả thi tuyển, thí sinh Nguyễn Thùy Yên, Phó trưởng phòng Lãnh sự (Sở Ngoại vụ) trúng tuyển chức danh Phó giám đốc Sở Ngoại vụ với số điểm 84,7 điểm. Thí sinh Nguyễn Thị Thơm, Trưởng phòng Tổ chức Biên chế (Sở Nội vụ) trúng tuyển chức danh Phó giám đốc Sở Nội vụ, với số điểm 83,84 điểm.

Được biết, kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo Sở Ngoại vụ và Sở Nội vụ có 11 thí sinh dự thi, trong đó có 6 thí sinh dự thi vào chức danh Phó giám đốc Sở Ngoại vụ và 5 thí sinh dự thi vào chức danh Phó giám đốc Sở Nội vụ. Tới đây, Quảng Ninh sẽ tổ chức thi tuyển 4 phó giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong quý IV. Đáng chú ý là trong số 4 nữ cán bộ lãnh đạo cấp sở trúng tuyển của tỉnh Quảng Ninh có 2 chị được coi là vượt cấp khi từ trưởng phòng lên giám đốc và từ phó trưởng phòng lên phó giám đốc. Nếu không có thi tuyển sẽ không có cơ hội này. Vì việc tìm người chứ không vì người xếp việc là vậy!       

Trong khi công tác thi tuyển giám đốc sở được tiến hành như vậy thì ở nhiều địa phương khác, tình hình vẫn được coi là “nguyễn y vân” bởi đang ở thì tương lai dù đang rất cần cán bộ để bổ sung thay thế số lãnh đạo chuyển công tác, nghỉ hưu…

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở” đã đặt ra rất cụ thể nhưng vẫn đang quán triệt.

Theo dõi thông tin được biết, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số địa phương thực hiện thi tuyển cán bộ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cũng có nơi gấp gáp công bố quý IV này sẽ tổ chức thi tuyển hàng loạt cán bộ với các tiêu chuẩn y như nghị quyết. Có nơi còn đặt ra mục tiêu thi tuyển bí thư và phó bí thư cấp huyện, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trong dịp này, dù nhiệm kỳ cấp ủy đang còn và cán bộ này do Trung ương quản lý, do đại hội bầu, làm sao thi tuyển!? Một số địa phương cũng công bố kế hoạch trong quý IV này sẽ tổ chức thi tuyển hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp sở và tương đương. Có câu “dục tốc bất đạt”, xin các vị cán bộ tổ chức lưu ý, kẻo “họa hổ bất thành”. Tuyển lãnh đạo là vậy, thế còn tuyển công chức thì sao?

Nhân mùa thi tuyển, xin kể chuyện “hậu trải thảm” ở Hà Nội. Theo  kết quả kiểm tra, sát hạch tuyển công chức không thông qua thi trong kỳ tuyển dụng công chức thành phố Hà Nội năm 2013 vừa qua, với 43 thí sinh diện xét tuyển đặc cách chỉ kiểm tra, không thi tuyển. “Học tài thi phận” nên có đến 14 thí sinh “không đạt yêu cầu”. Trong 9 thí sinh không đạt điểm có 5 thủ khoa các trường đại học trong nước và 4 thí sinh có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi của nước ngoài đều học ngành quản trị kinh doanh và đều có số điểm kiểm tra, sát hạch rất thấp (35 điểm; 30 điểm; 34,3 điểm; 36,7 điểm/thang điểm 100).

Xin lưu ý, chuẩn bị cho kỳ kiểm tra, sát hạch trên, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị rất kỹ. Hình thức sát hạch: Thí sinh rút thăm câu hỏi, chuẩn bị câu trả lời bằng một bài viết trong 60 phút; Hội đồng kiểm tra, sát hạch phỏng vấn trực tiếp thí sinh trong thời gian tối đa 15 phút, đánh giá, chấm điểm kết quả phỏng vấn theo thang điểm 100. Vậy việc sát hạch được coi là quy củ, thiết thực để tuyển chọn nhân tài. Kết quả cũng cho thấy, việc đào tạo còn có những khiếm khuyết cần khắc phục. Cử nhân quản trị kinh doanh tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài cũng không làm được bài. Một anh bạn vừa đi nước ngoài về kể rằng, tuyển cán bộ ở đây người ta còn buộc thí sinh phải qua kiểm tra sức khỏe tâm thần để xem các thí sinh có mắc bệnh sùng tín những cái ảo đầy rẫy trong xã hội hiện đại, kỹ trị. Xem ra yêu cầu học đi đôi với hành mãi mãi vẫn là chân lý của bất cứ nền giáo dục nào. Và hóa ra không phải thủ khoa nào cũng giỏi. Triết lý của tiền nhân “dụng nhân như dụng mộc” vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự!

B.D