Vẫn chỉ là mong đợi!

06:50 | 22/11/2013

1,108 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại kỳ họp Quốc hội này thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đăng đàn đầu tiên. Tuy nhiên, các vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri đặt ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát vẫn chưa thể trả lời thỏa đáng.

Bùi Đức (NLM số 276)

4 vị bộ trưởng trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội này thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đăng đàn đầu tiên. Vốn được xác định là mặt trận hàng đầu nên nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn luôn đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, khó giải quyết. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận được 20 phiếu chất vấn của 17 đại biểu Quốc hội, với 21 câu hỏi, tập trung chủ yếu vào tái cơ cấu ngành; tình hình quản lý vật tư nông nghiệp; nâng cao thu nhập và đời sống nông dân; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng, đây là những vấn đề không mới, nhưng luôn nóng và rõ ràng là chúng ta chưa giải quyết tốt. Cũng chính vì vậy mà các vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri đặt ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát vẫn chưa thể trả lời thỏa đáng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát

Nhìn nhận từ thực tế thì nông nghiệp và nông thôn có vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế cả nước ổn định phát triển, tiếp thêm sức để thực hiện nhiệm vụ chống suy thoái kinh tế nên đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) đã chỉ ra những vấn đề cần được quan tâm: Tăng trưởng của ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục suy giảm và suy giảm nặng, ước tính cả năm chỉ đạt khoảng 2,81%. Đây là mức rất thấp so với tăng trưởng của nông nghiệp những giai đoạn trước và cũng rất thấp so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đề ra.

“Cái khó bó cái khôn”, một thập niên trước đây, nông nghiệp được ưu tiên đầu tư thích đáng nên tạo ra những chuyển biến rõ rệt, đạt được những thành tựu rất khả quan. Tuy nhiên, mấy năm nay, nằm trong tình trạng chung của nền kinh tế suy thoái, đầu tư cho nông nghiệp cũng giảm mạnh, từ 18% GDP xuống còn 7%. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến cho công tác quản lý, điều hành và sản xuất nông nghiệp gặp nhiều bế tắc.

Cử tri đang bày tỏ sự quan ngại về tình hình sản xuất, buôn bán và sử dụng vật tư nông nghiệp (VTNN) khi tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng xuất hiện tràn lan, gây thiệt hại cho nông dân. Điển hình là thời gian qua đã xảy ra vụ chôn lấp thuốc trừ sâu của Công ty CP Nicotex Thanh Thái; chất kích thích sinh trưởng bày bán vô tư... Bộ NN&PTNT có giải pháp gì để giải quyết rốt ráo? Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) thẳng thắn nói: “Tình trạng lộn xộn đó là do Bộ NN&PTNT chậm hoặc chưa ban hành quy chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm phân bón cũng như thức ăn thủy sản. Bộ trưởng có thể hứa bao giờ sẽ quản lý được chất lượng VTNN?”.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Từ 2-3 năm nay, Bộ đã xác định nhiệm vụ quản lý chất lượng VTNN là số một, đích thân Bộ trưởng hoặc ủy quyền cho các Thứ trưởng hằng tháng chủ trì họp giao ban về tình hình quản lý VTNN, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chúng tôi nhận thấy công tác này đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, mong đợi của cử tri. Lấy ví dụ về cây lúa, Bộ NN&PTNT đã đặt hàng với các viện nghiên cứu chọn, tạo ra một số lượng ít giống nhưng phải đạt những tiêu chí: Có giá trị thương phẩm trên 500USD/tấn thay vì chỉ 400USD như hiện nay; không phải trồng 3 năm đã xuống cấp, phải trồng từ 10 năm trở lên mới được công nhận... Nhưng trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) về việc khi nào người nông dân hết cảnh “được mùa mất giá”, Bộ trưởng Cao Đức Phát không đưa ra được mốc thời gian cụ thể mà chỉ nói chung chung “đó là điều chúng ta mong đợi”.

Cũng xuất phát từ vốn đầu tư cho nông nghiệp mà tình trạng xuống cấp của hàng loạt hệ thống hồ đập thủy lợi trên cả nước đang có nguy cơ đe dọa sự ổn định của nông nghiệp. Cả nước hiện có khoảng 6.800 hồ, trong đó có tới 1.200 có vấn đề và cần phải được tu bổ, sửa chữa. Năm nay, trong số hơn 300 hồ hư hỏng, Chính phủ đã chi 500 tỉ đồng hỗ trợ các địa phương nhưng mới sửa được 90 hồ. Bộ NN&PTNT đang sửa nghị định quản lý an toàn hồ đập nhưng mặt khác cũng đề nghị Quốc hội quan tâm dành kinh phí để sửa chữa. Qua 2 trận mưa bão vừa qua, nguy cơ mất an toàn từ hồ đập càng rõ.

Nghe Bộ trưởng báo cáo, Chủ tịch Quốc hội tỏ ra lo ngại và nêu ý kiến: “Về 1.200 cái đập thì Bộ trưởng phải xem thêm, phải khẳng định là liệu 1.200 đập có vỡ không? Chúng ta phải bảo đảm là chúng ta chưa đủ tiền để hiện đại thì cũng phải bảo đảm là không vỡ chứ? Nếu vỡ thì gay đấy. Nếu chưa có tiền thì phải báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội để tính”. Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ngay ra kiến nghị: “Năm nay chúng tôi cần 3.000 tỉ đồng để sửa chữa hơn 200 hồ thủy lợi”.

Đúng là khó thật! 300 hồ hư hỏng mà năm nay mới có 500 tỉ đồng để tu bổ. Còn 210 hồ nữa, cần đến 3.000 tỉ đồng thì dù Chính phủ và Quốc hội có tính đến, chắc phải mất thời gian dài, chưa thể khẳng định chắc chắn mốc thời gian là mấy năm. Nhưng thiên tai bão lụt thì không thể chờ đợi và ngăn chặn. Lại còn bao nhiêu lĩnh vực khác của ngành nông nghiệp cũng đều cần đến hàng nghìn tỉ đồng. Do đó, việc khôi phục tăng trưởng cho nông nghiệp vẫn còn chịu cảnh dậm chân tại chỗ!

B.Đ