Ước vọng trên dòng Lam Giang

06:50 | 11/02/2018

780 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sống cảnh lênh đênh, thu nhập ngày càng bấp bênh và không ít hiểm nguy rình rập, hơn lúc nào hết người dân làng chài Hà Long nói riêng và cư dân vạn đò sông Lam nói chung mong ước một ngôi nhà vững chãi. Niềm mong ước ấy đã có từ rất lâu, nhưng xem ra ngày một xa vời đối với cư dân sông nước...

Phận đời trên chiếc thuyền con

Một ngày cuối năm, khắp các làng quê, khối phố đang xốn xang, rạo rực đón xuân mới, chúng tôi ghé thăm làng chài Hà Long, thuộc xã Thanh Hà (huyện Thanh Chương, Nghệ An). Dòng sông Lam như chìm đắm trong màn sương hư ảo, những con thuyền nhỏ gối vào bãi để tìm hơi ấm của lòng đất. Men theo lối mòn chênh vênh và trơn trượt, bước xuống triền sông, nơi hơn 10 con thuyền đang im lìm giữa dòng nước lạnh giá. Khác hẳn với cảnh rộn ràng, náo nức trên bờ, không khí của xóm chài vẫn còn rất đỗi lặng lẽ...

uoc vong tren dong lam giang
Ô nhiễm nguồn nước, cá tôm ngày càng hiếm khiến việc mưu sinh của cư dân vạn chài bị ảnh hưởng

Một mình trên con thuyền nhỏ, bà Trần Thị Hồng ngồi ho sù sụ, tay vơ củi cho vào bếp để ngọn lửa dâng cao, đủ sưởi ấm tấm thân già nua trong ngày đông buốt lạnh. “Tôi đã trải qua gần 80 mùa đông lênh đênh trên con nước sông Lam, không nhớ bao lần phải chịu cảnh đói rét. Bây giờ, sức đã kiệt, chớm rét đã đổ bệnh, giấc mơ lên bờ có lẽ đành gửi lại cho đời con, đời cháu” - bà Hồng tâm sự. Bà là người trọn kiếp với con thuyền và sông nước, được mẹ sinh ra trên con thuyền nhỏ, những năm tháng tuổi thơ không mấy khi rời khỏi con thuyền. Rồi lấy chồng cũng theo nghề chài lưới, sinh 6 người con (3 trai, 3 gái) trên thuyền, nay chồng đã mất, các con đã có gia đình riêng, một mình bà sống trong con thuyền nhỏ.

Ở độ tuổi này, bà không còn đủ sức chèo thuyền thả lưới, chi tiêu hằng ngày chỉ biết nhìn vào khoản trợ cấp người cao tuổi với mức gần 300 nghìn đồng/tháng. Lúc đau ốm, số tiền ấy dành cho việc thuốc thang, còn ăn uống hằng ngày phải trông chờ vào những người con của bà. Có lẽ, phải đến khi nhắm mắt xuôi tay, người phụ nữ ấy mới có cơ may gửi tấm thân về cùng đất, mới thỏa nguyện được niềm khao khát của cuộc đời. Những người con của bà Hồng, chỉ có một người may mắn được theo chồng lên bờ, thoát được kiếp sống lênh đênh và cảnh sống tạm bợ trên sông nước. Còn lại, 5 người vẫn phải quanh quẩn trên những con thuyền, lặng lẽ xuôi ngược mưu sinh trên dòng Lam vơi đầy sóng nước.

uoc vong tren dong lam giang
Hơn 10 hộ xóm vạn chài Hà Long (xã Thanh Hà, Thanh Chương) nép mình bên hữu ngạn sông Lam
Phần lớn các làng chài nằm dọc đôi bờ sông Lam bao đời cư dân sinh sống bằng nghề sông nước, cuộc đời gắn với con thuyền nhỏ và công việc chài lưới sớm khuya, niềm vui, nỗi buồn và những lo toan cuộc sống cũng bắt nguồn từ đó.

Trần Văn Lai (SN 1984) là con trai út của bà Hồng, nuôi hy vọng và quyết tâm thoát khỏi kiếp vạn đò, anh từng ra Hà Nội tìm việc mong có được khoản tiền mua đất dựng nhà. Nhưng không bằng cấp chuyên môn, anh chỉ có thể làm những công việc có mức thu nhập thấp, may chăng đủ trang trải nhu cầu của bản thân ở nơi phồn hoa đô hội. Và rồi, người con trai làng chài xứ Nghệ gặp Nguyễn Thị Tuyết (SN 1994) - người con gái xứ Đoài (Hà Tây cũ), cùng chung cảnh nghèo nên hai người có mối đồng cảm, sẵn sàng sẻ chia những vất vả, nhọc nhằn. Tình yêu đến, họ quyết định vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống để xây dựng mái ấm gia đình. Tuyết theo Lai về làm dâu xóm chài Hà Long mà không cần sính lễ, bởi gia đình Lai quá nghèo, tiền xe ra Hà Nội thăm hỏi thông gia cũng không lo đủ. Số tiền ít ỏi dành dụm được chỉ đủ sắm con thuyền nhỏ để mưu sinh và đây cũng là “mái ấm” của đôi vợ chồng trẻ. Mái ấm ấy giờ đã có thêm 2 đứa trẻ, bé Trần Minh Cường (7 tuổi) và bé gái vừa tròn 8 tháng.

Sau những ngày sống trong men say hạnh phúc, cô gái xứ Đoài bắt đầu thấm thía những nỗi vất vả, gian nan của kiếp vạn đò. Mọi sinh hoạt gia đình đều diễn ra trên con thuyền chật hẹp. Trời yên, nước lặng còn đỡ, khổ sở nhất là khi mưa gió, bão bùng... Tuyết không thể nào quên mùa lũ đầu tiên khi mới về làm vợ Lai, đêm ấy mưa như trút, nước từ thượng nguồn ào ạt đổ về, con thuyền chao đảo như muốn lật úp, sợ dây thừng neo vào chiếc cọc tre như muốn đứt tung. “Lúc ấy, tôi hoảng loạn thực sự, hết nghĩ khôn rồi nghĩ dại, rồi úp mặt mà khóc. Rất may chồng đi thả lưới về kịp, cõng tôi lên bờ, rồi quay xuống sông neo lại thuyền và sơ tán đồ đạc. Từ đó, mỗi khi mưa lũ, tôi không dám ở trên thuyền, phải lên bờ xin tá túc nhà họ hàng bên chồng” - Tuyết chia sẻ.

uoc vong tren dong lam giang
Bà Trần Thị Hồng (gần 80 tuổi) sống một mình trong chiếc thuyền nhỏ

Thành cư dân vạn chài nhưng Nguyễn Thị Tuyết không thể theo chồng chèo thuyền, thả lưới sáng đêm, chỉ có thể phụ giúp bằng cách đem cá, tôm đến bán ở các khu chợ. Vì thế, công việc mưu sinh gần như một mình Trần Văn Lai gánh vác, hằng đêm anh chèo thuyền ngược lên tận Nam Đàn để thả lưới, khi trời vừa sáng mới về đến Hà Long. Công việc cực nhọc, phải thức trắng đêm nhưng thu nhập chỉ ở mức 50-70 nghìn đồng/ngày, không đủ để trang trải nhu cầu cuộc sống, nhất là với hai đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Khi chúng tôi đến, cậu bé Trần Minh Cường đang ngồi học bài, chiếc bàn học đặt chông chênh phía mũi thuyền, con thuyền lắc, cậu học trò lớp 1 cố giữ chặt bút để nét chữ đỡ bị xiên...

Ước mơ con trẻ

Trở về sau một đêm tất bật với công việc chài lưới, vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung (SN 1974) tỏ ra mệt mỏi và buồn bã, không chỉ vì mất ngủ mà chủ yếu do số cá chài được quá ít, bán chưa được 50 nghìn đồng. Trong khi, nhà có tới 4 miệng ăn, chưa kể các khoản chi phí khác ngoài việc ăn uống như tiền thuốc, tiền điện, tiền dầu, sắm sửa áo quần... Người chồng bộc bạch: “Mấy năm nay, không hiểu vì lý do gì mà cá tôm khan hiếm dần, hai vợ chồng thả lưới thâu đêm cũng không kiếm nổi 100 nghìn đồng. Vẫn biết là khó khăn, cực nhọc, nguồn thu bấp bênh nhưng không có cách nào hơn, cuộc sống đành phó mặc cho sông nước”. Chị Trần Thị Nữ (SN 1973, vợ anh Trung) cho biết thêm, chồng chị hiện đang mắc chứng bệnh thiếu ôxy lên não, có thể bị ngất xỉu bất cứ lúc nào. Vì thế, hằng đêm chị phải theo chồng xuôi ngược mưu sinh, vừa hỗ trợ anh trong việc quăng chài, thả lưới, vừa ở bên chồng để ngộ nhỡ chẳng may chứng bệnh xảy đến bất ngờ... Tết Nguyên đán đang đến gần, dù sao vợ chồng cũng phải cố gắng kiếm thêm ít tiền để sắm sửa mâm cỗ cúng tổ tiên và lo bữa cơm đoàn tụ, để con cái đỡ tủi thân.

uoc vong tren dong lam giang
Mọi sinh hoạt của cư dân xóm chài đều diễn ra trên con thuyền chật hẹp
Cậu bé Nguyễn Văn Huy chia sẻ: “Đời ông bà, bố mẹ lênh đênh sông nước, nay cháu muốn được học lên để thoát khỏi cuộc sống vất vả, bếp bênh ở xóm vạn đò này. Cháu biết phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng không có cách nào khác là vượt lên và học thật tốt”.

Vợ chồng anh Trung có 2 con trai là Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Văn Huy, dù việc kiếm sống vất vả, lại mang bệnh tật nhưng anh chị vẫn tạo mọi điều kiện cho các con được đến trường. Theo lời anh Trung, chỉ có cách là theo học để mở rộng tầm nhìn may chăng mới thoát được kiếp sống vạn đò đầy khổ ải. Hiện Quang đang học lớp 10, Huy học lớp 8, cả hai đều chăm chỉ học tập, riêng Huy năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi và tiên tiến. Những tờ giấy chứng nhận và giấy khen của huy gác đầy trên mái thuyền, dòng chữ đã bị nhòe vì nước mưa thấm xuống và khói bếp bốc lên. Hành trình đến lớp của anh em Quang - Huy thực sự rất đỗi gian nan, luôn phải nhịn bữa sáng, không mấy khi có đủ sách vở và áo quần, các khoản đóng góp luôn phải vay mượn... Cậu bé Nguyễn Văn Huy chia sẻ: “Đời ông bà, bố mẹ lênh đênh sông nước, nay cháu muốn được học lên để thoát khỏi cuộc sống vất vả, bấp bênh ở xóm vạn đò này. Cháu biết phía trước còn rất nhiều khó khăn, nhưng không có cách nào khác là vượt lên và học thật tốt”.

Chúng tôi rời triền sông hun hút gió, cư dân xóm vạn đò Hà Long tiễn chân lên bờ và không quên gửi gắm ước nguyện tha thiết và cháy bỏng của mình: “Chỉ mong có được mảnh vườn nhỏ để dựng ngôi nhà đơn sơ làm nơi che mưa, tránh nắng, cho mùa lũ bớt khổ, mùa đông bớt lạnh và thoát được cảnh sống nổi nênh, vô định giữa sông nước mênh mông”.

Khắc khoải dòng Lam

Ở Nghệ An, phần lớn các làng chài nằm dọc đôi bờ sông Lam, bao đời cư dân sinh sống bằng nghề sông nước, cuộc đời gắn với con thuyền nhỏ và công việc chài lưới sớm khuya, niềm vui, nỗi buồn và những lo toan cũng bắt nguồn từ đó.

uoc vong tren dong lam giang
Cậu bé Trần Minh Cường ngồi học bài bên chiếc bàn học đặt chông chênh phía mũi thuyền

Những năm gần đây, điều kiện thời tiết và khí hậu có nhiều biến động, cùng với sự xuất hiện hàng loạt đập thủy điện ở vùng thượng nguồn khiến các dòng sông cũng có sự biến đổi lớn. Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước gia tăng, lưu lượng nước biến động thất thường là nguyên do chính dẫn đến nguồn cá tôm ngày càng ít đi, thậm chí là đang dần cạn kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các làng chài. Trước tình hình đó, những hộ nhanh nhạy và có điều kiện tìm cách lên bờ và chuyển nghề khác để sinh sống hoặc đầu tư sắm thuyền công suất lớn và máy móc làm nghề khai thác cát, sạn trên sông. Số còn lại, do điều kiện kinh tế và sức khỏe không đảm bảo đành bám trụ lại với sông nước, với nghề chài lưới cha truyền con nối từ bao đời.

Bên cạnh Hà Long, chúng tôi có dịp ghé thăm các làng chài ở Hưng Long (Hưng Nguyên), Nam Tân (Nam Đàn), Võ Liệt (Thanh Chương), Đặng Sơn (Đô Lương) và Tam Sơn (Anh Sơn). Tất cả có cùng điểm chung là cảnh sống quẩn quanh trong sự nghèo khó và thất học. Cuộc mưu sinh dường như ngày một vất vả, nhọc nhằn, bởi con cá, con tôm ngày càng khan hiếm.

Không chỉ bấp bênh trong việc mưu sinh, tìm miếng cơm, manh áo, cư dân của các làng chài còn gặp phải những bất trắc mà không phải ai cũng dễ thấu hiểu. Sống trên sông nước đáng sợ nhất là mùa mưa lũ, đêm không dám ngủ vì sợ nước lũ đột ngột dâng cao sẽ cuốn phăng tất cả. Những hôm bản tin dự báo có mưa lớn, các hồ thủy điện xả lũ, cả nhà thay nhau “canh” lũ. Không ai có thể ngủ trong cảnh mưa gió, nằm xuống là thấp thỏm lo âu, đành thức trắng chờ đến ngày mai.

uoc vong tren dong lam giang
Niềm mong ước lớn nhất của cư dân xóm chài Hà Long là có mảnh vườn nhỏ để dựng ngôi nhà làm chỗ che mưa, tránh nắng

Ông Lê Văn Nga cũng ở Tam Sơn vẫn còn lưu giữ ký ức hãi hùng hơn 2 năm về trước, trong đêm mưa lũ. Nước lũ dâng nhanh phá tung chiếc thuyền cả gia đình đang trú ấn, những mảnh ván thưng cũng bung ra, toàn bộ đồ đạc bị cuốn trôi, chỉ có thể “bỏ của chạy lấy người”. Hôm sau, các thành viên trong gia đình ông Nga cùng người dân vạn chài gom nhặt những mảnh ván dạt vào bờ, dựng thành một túp lều nhỏ bên triền sông làm chốn che mưa, tránh nắng, tiếp tục bám lấy mặt sông và con nước tìm kế sinh nhai. Có thể nói dòng đời vẫn trôi đi như dòng sông, có những nghề ngày càng thêm thịnh vượng, có nghề lại đang gặp khó khăn và lụi dần, khiến cho bao người rơi vào cảnh lay lắt. Thuộc vào nhóm đang gặp khó khăn, nghề chài lưới trên sông luôn là một thử thách lớn đối với cư dân vạn chài...

Một mùa Xuân mới lại về, mang theo bao niềm vui và ước vọng. Trước thềm năm mới, mỗi người chúng ta đều đang ấp ủ những ước mơ, dự định về cuộc sống và tương lai. Chúng tôi chắc chắn một điều, tất cả cư dân các làng chài trên sông Lam đang có chung một niềm ước vọng, đó là một mảnh vườn nhỏ để dựng nhà tránh nắng, che mưa, để cuộc mưu sinh đỡ phần hiểm nguy và vất vả...

Anh Nguyễn Văn Trung - cư dân xóm vạn đò Hà Long, xã Thanh Hà (Thanh Chương, Nghệ An) cho biết: “Hầu hết các gia đình làng chài đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo nên dịp đón tết Nguyên đán cổ truyền được nhận quà và gạo hỗ trợ của Nhà nước. Còn các nhà hảo tâm thường tập trung đến các bản làng vùng sâu, vùng xa, ít quan tâm đến cư dân vạn đò trên sông”.

Trần Công Kiên