Tuyên bố chung mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ

19:00 | 14/09/2023

243 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết quá trình đàm phán để Việt Nam và Mỹ ra Tuyên bố chung diễn ra sôi nổi và kịch tính. Việc nâng cấp quan hệ đã mở ra kỷ nguyên hợp tác mới giữa hai bên.
Tuyên bố chung mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra trong hai ngày 10-11/9 đã đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ song phương, khi hai nước ra tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Chiều 14/9, chia sẻ với báo chí về việc Việt Nam và Mỹ quyết định nâng cấp lên mức quan hệ mới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết quá trình đàm phán, trao đổi về Tuyên bố chung diễn ra sôi nổi và có phần kịch tính.

Nâng cấp quan hệ không chỉ có lợi cho Việt Nam và Mỹ

Ông có thể cho biết về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra trong ngày 10-11/9 vừa qua?

- Tôi cho rằng chuyến thăm diễn ra được đã là một thành công. Để thực hiện được chuyến thăm Việt Nam, phía Mỹ đã có những nỗ lực vượt bậc, có thể nói là chưa có tiền lệ, thay đổi cả chương trình hoạt động đối ngoại của Tổng thống Biden và Phó Tổng thống.

Cụ thể, Tổng thống giao cho Phó Tổng thống Kamala Harris dự Hội nghị cấp cao Đông Nam Á thay và bản thân Tổng thống cũng phải cắt ngắn hoạt động tại Hội nghị G20 ở Ấn Độ để thực hiện chuyến thăm Việt Nam.

Tuyên bố chung mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc trả lời về việc Việt Nam - Mỹ ra tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện (Ảnh: Mạnh Quân).

Về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, dấu ấn là hai bên đã ra tuyên bố chung. Đây là một văn kiện rất quan trọng, một cột mốc đánh dấu việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Trong văn kiện cũng đề cập 10 trụ cột hợp tác bao trùm tất cả lĩnh vực quan hệ Việt Nam và Mỹ. Điều đó cho thấy sự hợp tác giữa hai nước không chỉ được mở rộng, mà còn phát triển về chiều sâu và thực chất hơn.

Ngoài ra, tuyên bố chung đã khẳng định được những nguyên tắc rất quan trọng trong quan hệ hai nước. Đó là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Một điểm nữa, thời gian thăm ngắn và Tổng thống Biden phải cố gắng kịp về Mỹ dự ngày Quốc lễ của Mỹ (ngày 11/9), nhưng ông đã có các cuộc gặp với tất cả 4 đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đến tòa nhà Quốc hội hội kiến Chủ tịch Quốc hội và cùng chứng kiến lễ trao kỷ vật chiến tranh của các cựu binh. Điều đó thể hiện sự tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, tôn trọng các nhà lãnh đạo của Việt Nam. Việc này không chỉ có trong văn bản của Tuyên bố chung, mà còn cả trên thực tế.

Về an ninh và lễ tân, lễ đón cấp Nhà nước do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã diễn ra tại Phủ Chủ tịch trong điều kiện tiết trời thu Hà Nội rất đẹp. Các khâu về an ninh, an toàn được đảm bảo tuyệt đối cho đoàn Tổng thống Biden.

Tuyên bố chung mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ - 2
Tổng thống Mỹ Joe Biden bước xuống chuyên cơ Không lực Một (Air Force One) chiều 10/9, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam ngay sau khi dự Hội nghị G20 ở Ấn Độ (Ảnh: Hải Long).

Trong chuyến thăm này, Việt Nam - Mỹ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đây được đánh giá là một mốc lịch sử trong quan hệ hai nước. Vậy việc xác lập nâng cấp quan hệ sẽ mang lại lợi ích thế nào cho cả hai nước, thưa ông?

- Việc xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ mang lại những lợi ích lâu dài và trước mắt cho cả hai phía. Nói một cách khái quát nhất, Việt Nam có cơ hội và điều kiện thuận lợi để đưa quan hệ với Mỹ đi vào chiều sâu, hiệu quả thực chất hơn.

Việc này cũng phục vụ thiết thực cho mục tiêu phát triển, duy trì môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và nâng cao vị thế, uy tín đất nước đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.

Đối với phía Mỹ, đây cũng là điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ với Việt Nam, một đối tác ngày càng quan trọng khu vực và thông qua đó là tăng cường quan hệ với ASEAN. Các nước Đông Nam Á cũng tận dụng những cơ hội mới để phát huy vai trò và vị thế của Mỹ ở khu vực.

Còn đối với phía Mỹ, đây cũng là điều kiện rất thuận lợi để tăng cường quan hệ với Việt Nam - một đối tác ngày càng quan trọng khu vực và thông qua đó tăng cường quan hệ với ASEAN, với các nước Đông Nam Á, tận dụng những cơ hội mới để phát huy vai trò và vị thế của Mỹ ở khu vực.

Khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện sẽ củng cố sự đồng thuận giữa hai Đảng ở Mỹ trong quan hệ giữa Việt Nam. Theo đó, chính sách của Mỹ với Việt Nam sẽ trở lên ổn định, bền vững.

Bên cạnh đó, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện không chỉ có lợi cho Việt Nam và Mỹ, cho nhân dân hai nước mà còn hướng tới phục vụ cho hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực. Như vậy sẽ có lợi cho tất cả các quốc gia.

Hiện thực hóa tuyên bố chung

Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về quá trình hai bên tiến đến Tuyên bố chung Việt Nam - Mỹ?

- Tuyên bố chung là một văn kiện rất quan trọng vì đánh dấu việc mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hai nước, như Tổng thống Joe Biden đã chia sẻ với tôi khi chia tay sân bay là việc này đã mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác hai nước.

Chính vì vậy, quá trình đàm phán, trao đổi về Tuyên bố chung diễn ra rất sôi nổi, hào hứng và có phần kịch tính. Vì đó chính là quá trình mà hai bên rà soát lại 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện, khẳng định lại những nguyên tắc trong quan hệ như tôi vừa nêu ở trên và quan trọng hơn là định ra những phương hướng lớn hợp tác trong 10 năm tới và lâu hơn nữa.

Tuyên bố chung mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ - 3
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc hội đàm ngay sau lễ đón chính thức, chiều 10/9 (Ảnh: Hữu Khoa).

Nhìn lại quá trình đàm phán và đi đến thống nhất được Tuyên bố chung ấy, điều mà toát lên ở đây là thiện chí của hai bên, cả phía ta và Mỹ đều thể hiện một tinh thần rất cầu thị, lắng nghe, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, cố gắng làm sao để phát huy được tối đa những lĩnh vực mà hai bên có cùng lợi ích, cũng có chung một ý chí là hướng tới để làm sao phục vụ cho hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững của khu vực và thế giới.

Thời gian tới, các nội dung trong Tuyên bố chung sẽ được hiện thực hóa thế nào? Lĩnh vực nào sẽ được ưu tiên thực hiện, thưa ông?

- Tuyên bố chung có 8 trang, ngôn ngữ rất gọn gàng, chặt chẽ. Nhưng tôi nghĩ rằng văn kiện này hết sức có ý nghĩa và quan trọng cho hợp tác hai nước trong thời gian tới. Hai bên gửi gắm trong đó rất nhiều những mong muốn, những kỳ vọng và cả những cảm xúc, như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper mới chia sẻ gần đây.

Chúng tôi nghĩ rằng từ tuyên bố chung này, sắp tới, làm sao chúng ta có thể huy động được các nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, của mỗi bên, từ các cơ quan chính quyền, Quốc hội, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương và người dân. Cùng với đó, cần tận dụng được những cơ chế khuôn khổ sẵn có và những cơ chế khuôn khổ sẽ được thiết lập để triển khai những thỏa thuận này.

Mỗi năm, cần phải đề ra những mục tiêu cụ thể để triển khai và phải có định kỳ đánh giá, kiểm điểm lại việc thực hiện sao cho hiệu quả nhất.

Tuyên bố chung mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ - 4
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đổi mới sáng tạo và đầu tư, ngày 11/9 (Ảnh: Mạnh Quân).

Cùng với đó, nếu nhìn vào chương trình hoạt động của Tổng thống Joe Biden và các nội dung trong Tuyên bố chung, chúng ta có thể thấy một số ưu tiên.

Thứ nhất, việc trao đổi đoàn cấp cao, chuyến thăm lẫn nhau, các cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị khu vực và quốc tế, phát huy tối đa quan hệ trên các kênh Đảng, Nhà nước, Nghị viện đến giao lưu nhân dân, giữa các địa phương. Tôi nghĩ đây là điều kiện rất quan trọng để tạo ra một môi trường chính trị thuận lợi, tạo động lực cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nói chung.

Thứ hai, kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục chiếm ưu tiên cao, trong đó đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là khâu đột phá và hợp tác về phát triển hạ tầng cơ sở đào tạo, nguồn nhân lực là những lĩnh vực ưu tiên cao.

Ngoài ra, còn nhiều lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục được coi trọng như: hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, đào tạo, giáo dục, giao lưu nhân dân, hợp tác để xử lý những vấn đề có tính toàn cầu như tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ, qua đó tạo không gian, dư địa phát triển không chỉ trong quan hệ Việt Nam - Mỹ mà còn giúp cho quan hệ đối ngoại chung của Việt Nam cân đối, vững chắc hơn trong tương quan với các đối tác chủ chốt khác. Xin Thứ trưởng cho biết, chuyến thăm này đã thể hiện điểm sáng trong đối ngoại Việt Nam năm 2023 ra sao?

- Tôi cho rằng việc nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ đã mang một ý nghĩa vượt ra khỏi khuôn khổ song phương.

Thứ nhất, đây là một cột mốc rất quan trọng trong tổng thể triển khai đối ngoại của Việt Nam, đó là lần đầu tiên chúng ta có được quan hệ cấp độ Đối tác Chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc: Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp.

Điều đó tạo cho chúng ta khuôn khổ để phát triển quan hệ ổn định và lâu dài với những nước có vai trò rất quan trọng trên thế giới, cũng như tạo ra một thế trận đối ngoại vững chắc trong thời gian tới.

Thứ hai, trong năm 2023 và những năm gần đây cùng với việc phát triển quan hệ với Mỹ, chúng ta đã triển khai rất đồng đều tăng cường quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, cụ thể là với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cuba, Nga, Ấn Độ…

Những bước triển khai rất bài bản, có lớp lang đã tạo ra được một thế trận đối ngoại giúp chúng ta rộng mở hơn, linh hoạt hơn và có dư địa để phát triển quan hệ với tất cả đối tác. Tôi nghĩ đây là một bước đánh dấu sự trưởng thành của đối ngoại Việt Nam.

Điểm cuối cùng, trong triển khai đối ngoại và đặc biệt là nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện với Mỹ đã khẳng định mạnh mẽ tính đúng đắn và là kết quả rất quan trọng, nổi bật của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị của Đảng và Nhà nước ta và chính sách quốc phòng "4 không".

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Dân trí

Mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

Đúng như kỳ vọng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong hai ngày 10 và 11/9 đã mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ với việc lãnh đạo hai nước tuyên bố thiết lập “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững” và nhiều thoả thuận hợp tác có tính đột phá, xứng tầm với việc nâng cấp quan hệ đã được công bố.