Tưng bừng lễ hội 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
Lễ hội gò Đống Đa đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Thủ đô, là dịp để ôn lại những sự kiện lịch sử đã diễn ra tại nơi đây. Đêm 4 rạng ngày 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) trận đánh của quân Tây Sơn diễn ra với sự tham gia của nhân dân vùng Khương Thượng, do Đô đốc Long (còn có tên là Đặng Tiến Đông) chỉ huy. Trận này diệt tan đồn Khương Thượng của quân nhà Thanh. Tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử ở núi Ốc (Loa Sơn) gần chùa Bộc bây giờ. Trận đánh đã mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi thừa thắng tiến vào Thăng Long.
Đống Đa xưa bãi chiến trường
Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò
Mùng 5 tết trận thắng to
Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân
Noi gương chiến đấu anh hùng
Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta
Tương truyền, sau chiến thắng, vua Quang Trung cho thu nhặt xác giặc xếp vào 12 cái hố rộng, lấp đất chôn và đắp cao thành gò gọi là "Kình nghê quán" (gò chôn xác "kình nghê" - 2 loài cá dữ ngoài biển). Theo truyền thuyết, 12 gò này nằm rải rác từ làng Thịnh Quang đến làng Nam Đồng, trên các gò cây cối mọc um tùm nên có tên là Đống Đa. Năm 1851, do mở đường mở chợ, đào xẻ nhiều nơi thấy nhiều hài cốt, lại cho thu vào một hố cao lên nối liền với núi Xưa, thành gò thứ 13, tức là gò còn lại hiện nay. Còn 12 gò khác đã bị phạt đi trong thời gian người Pháp mở rộng Hà Nội năm 1890.
Chiến thắng Đống Đa cùng với Chiến thắng Ngọc Hồi - Đầm Mực dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung đã phá tan 20 vạn quân Thanh, giải phóng thành Thăng Long.
Đoàn chèo Hà Nội với màn sử thi đầy cảm xúc tái hiện lại trận chiến thắng hào hùng năm xưa của vua Quang Trung đã mở màn cho lễ hội năm nay.
Màn biểu diễn Lạc Việt võ đạo của các cháu thiếu nhi (do trung tâm UNESCO chuẩn bị) toát lên tinh thần thượng võ của nghĩa quân Tây Sơn.
Hàng ngàn người dân trẩy hội gò Đống Đa kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa của vua Quang Trung
Những người phụ nữ trong trang phục lễ hội đang chuẩn bị biểu diễn màn võ thuật mô phỏng cảnh thao luyện binh sĩ trong trận đánh Ngọc Hồi.
Nhiều người dân chăm chú xem những hiện vật còn lưu giữ tại phòng truyền thống
Làm lễ trước tượng đài vua Quang Trung
Năm nay, thời tiết đẹp nên người đi trẩy hội rất đông. Niềm vui bừng sáng trên gương mặt nam phụ lão ấu. Đến lễ hội này, người dân nước Việt như xích lại gần nhau nhau hơn.
Nhiều cụ già ngồi xe lăn đến lễ hội để được cảm nhận không khí lịch sử hào hùng của dân tộc
Trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước, cha ông chúng ta không tiếc máu xương, xông pha chiến đấu chống lại bao kẻ thù xâm lược để có được non sông gấm vóc hôm nay. Trang sử hào hùng về tinh thần yêu nước của dân tộc Việt, về sự bất khuất của các bậc tiền nhân, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ đã luôn hun đúc và nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước trong mỗi con dân nước Việt.
Lòng yêu nước được dân tộc Việt Nam ta nuôi dưỡng từ thế hệ này sang thế hệ khác, dù có thể biến đổi dạng thức nhưng không bao giờ mất đi.
Chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc trải qua bao khó khăn, bao thử thách nhưng lòng yêu nước mỗi ngày lại được củng cố, được nhân lên và ngày càng hoàn thiện hơn. Các bậc tiền nhân từ danh tướng Trần Bình Trọng "thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc" cho đến Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền rồi Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... là những tấm gương muôn đời về ý chí độc lập, tự cường của dân tộc Việt.
Chắc chắn rằng, lòng tự hào với truyền thống cha ông và ý thức tự tôn dân tộc luôn tồn tại trong mỗi con người Việt Nam, tồn tại một cách vững bền dưới muôn vàn hình thái tình cảm khác nhau.
Tình yêu ấy, lòng ái quốc với chúng ta hôm nay được nuôi dưỡng bằng những cảm nhận từ mảnh đất sinh ra ta, thứ ngôn ngữ mà ta biểu đạt, thiên nhiên mà ta gần gũi, từ câu chuyện kể của mẹ, lời ru của bà đến anh em, bè bạn mà ta gắn bó sẻ chia; từ nỗi niềm nhung nhớ lúc biệt ly, hoan hỉ khi hội ngộ; từ nụ cười trên môi con trẻ đến giọt nước mắt mẹ già; từ lời thơ xao xuyến tâm hồn đến điệu nhạc dân ca tình tứ... Tất cả hòa quyện thành nhận thức, thành rung động mang tên "Đất Nước Tôi" thiêng liêng và cao quý.
Lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa chính là một nét văn hóa tinh thần đặc biệt nuôi dưỡng tình yêu với quê hương đất nước trong tim những người dân nước Việt, khi tổ quốc lâm nguy họ sẽ đứng lên bảo vệ non sông, với đầy đủ dũng khí để xông trận giết giặc, hiên ngang bất khuất trước kẻ thù.
Tiến Dũng
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025