Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng

13:36 | 19/05/2017

9,976 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Xây dựng Đảng là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng”.

Bác còn thẳng thắn chỉ rõ rằng: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (Hồ Chí Minh toàn tập - tập 5 NXB Chính trị Quốc gia 2011, trang 301).

Trong lịch sử hoạt động cách mạng của Đảng ta, chưa bao giờ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng lại được đặt ra cấp bách và triển khai rộng khắp như hiện nay. Nguyên nhân là những năm gần đây xuất hiện tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Sự phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên không còn thường trực, thường xuyên trong bản thân mỗi người. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên khá phổ biến. Đây là vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Phải chăng, bộ phận đảng viên này đã lãng quên tư tưởng Hồ Chí Minh và điều lệ Đảng? Vì vậy, nhân sinh nhật Bác năm nay, chúng ta cùng nhau ôn lại những điều Bác đã dạy về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

tu tuong ho chi minh ve xay dung chinh don dang

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn gắn với quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Bác dạy: “Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, giữ các chức vụ đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện. Đảng phải thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng” (sđd).

Trên bình diện phát triển cá nhân, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh phải trở thành nhu cầu tự hoàn thiện, nhu cầu tự làm trong sạch nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong điều kiện Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng phải tiến hành thường xuyên hơn. Người phân tích: Quyền lực có tính chất hai mặt. Một mặt, quyền lực có sức mạnh to lớn để cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới nếu biết sử dụng đúng. Mặt khác, quyền lực cũng có sức phá hoại ghê gớm nếu người nắm quyền lực bị thoái hóa, biến chất, biến quyền lực của nhân dân thành đặc quyền của cá nhân...

Trong 12 điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng, Người nhấn mạnh, Đảng là một tổ chức cách mạng chứ không phải tổ chức để “làm quan phát tài”. Không như vậy, Đảng sẽ xa dân, tự đánh mất sức mạnh tự bảo vệ. Sức mạnh ấy từ dân mà ra, do dân gây dựng, phát triển.

Người cho rằng: Xây dựng Đảng về đạo đức là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng. Cán bộ, đảng viên không phải là thần thánh. Họ là con người, ai cũng có hai mặt tốt - xấu, thiện - ác thường xuyên đấu tranh với nhau. Trong điều kiện môi trường tốt, nếu cán bộ, đảng viên nỗ lực tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện thì mặt tốt, mặt thiện sẽ nổi lên, đẩy lùi mặt ác, mặt xấu và ngược lại.

Bác nêu ra tiêu chuẩn của người cán bộ tốt là người phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó, đạo đức là gốc. “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.

Cá nhân đảng viên, cán bộ cũng là con người, cũng có cái tốt, xấu, thiện, ác trong lòng. Con người ta không phải là thánh thần, ai cũng có khuyết điểm cả. Vì vậy, tự phê bình và phê bình giống như việc rửa mặt hằng ngày, làm cho phần tốt trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân, phần xấu mất dần đi. Cán bộ, đảng viên có khuyết điểm giống như người có bệnh. Vì vậy phải uống thuốc. Tự phê bình là thuốc đắng nhưng giã tật. Ngược lại nếu không tự phê bình thì như người có bệnh mà không uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên chân chính của Đảng đang phải đấu tranh trên cả hai lĩnh vực: Chống tham nhũng và chống suy thoái. Tính cấp bách và sự khắc nghiệt đòi hỏi công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải tiến hành cùng lúc hai nhiệm vụ sống còn ấy. Nói đi đôi với làm, suy nghĩ và hành động thiết thực, trách nhiệm trước Đảng, trước dân là một phẩm chất không thể thiếu của cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), khi đề cập những biểu hiện thoái hóa về tư tưởng chính trị, đã thẳng thắn chỉ ra: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về hưu”. Đây thật sự là điều nguy hiểm.

Vì vậy, học tập, làm theo tư tưởng đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là giải pháp cấp thiết hiện nay để mỗi cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.

Bùi Đức

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc