Truy tố “đinh tặc” là hợp lý

06:55 | 14/09/2015

1,060 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với những người thường xuyên tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ (QL), đinh tặc trở thành một mối hiểm họa kinh hoàng. Mới đây, trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã bổ sung tội danh rải đinh để xử lý hành vi này với mức phạt tối đa lên tới 12 năm tù giam. Dư luận đánh giá đây là một động thái tích cực, kiên quyết đối với loại tội phạm này.  

truy to dinh tac la hop ly

Xuất hiện nạn rải đinh trên cầu Vĩnh Tuy

Những ngày gần đây, bên cạnh việc đương đầu với mưa to gió lớn, người đi đường trên cầu Vĩnh Tuy (Long Biên, Hà Nội) còn phải đối phó với nạn “đinh tặc” hoành hành.

Ám ảnh về tai nạn

Nhiều người dân hằng ngày đi qua QL 1A, địa phận ấp Hiệp Thắng, xã Bình Thắng (thị xã Dĩ An, Bình Dương) vẫn không thể quên vụ tai nạn khiến cho anh Trần Văn Th (26 tuổi, quê Phú Thọ) chết ngay tại chỗ do chiếc xe cán phải đinh vào 4/7/2010. Đây cũng là nạn nhân đầu tiên được xác định tử vong do đinh tặc gây nên. Cái chết oan ức của anh Th buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay lập tức. Nhiều đối tượng bị bắt quả tang, bắt giữ và xử lý. Tuy nhiên, “đinh tặc” vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Mới đây nhất, trên cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam là cầu Nhật Tân, người dân cũng phản ánh việc xuất hiện “đinh tặc” trên mặt cầu, với những chiếc đinh vít nằm chủ yếu trên phần đường dành cho người đi xe gắn máy. Thậm chí, chỉ sau ít phút, người ta đã có thể thu lượm được cả vốc đinh sắc nhọn trên mặt cầu. Và đương nhiên, ở cuối chân cầu sẽ có những dịch vụ bơm, vá, thay săm lốp xe với giá cắt cổ.

truy to dinh tac la hop ly

Trên tuyến QL 1A chạy qua địa bàn quận 12, TP HCM xuất hiện tình trạng rải đinh tinh vi hơn. Sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, ngày 10/6/2015, “đinh tặc” Nghiêm Văn Long (41 tuổi, tạm trú quận 12) cùng vợ đã bị bắt quả tang khi đang rải vật sắc nhọn trên tuyến đường này. Đến đầu tháng 8-2015, vợ chồng Long đã bị phạt hành chính lên tới 6 triệu đồng và buộc phải xin lỗi trước dân...

Một trường hợp tai nạn đau lòng khác, nguyên nhân dẫn đến nghi do “đinh tặc” vào tháng 7/2011, tại QL 1A, đoạn từ Quảng Nam ra Đà Nẵng. Theo đó, ngày 3/7, anh Võ Ngọc Th (33 tuổi) điều khiển xe máy chở theo vợ là Nguyễn Thị Thu Th (31 tuổi) cùng con gái Võ Nguyễn Thu Th (3 tuổi) cùng trú tại huyện Phú Ninh, Quảng Nam ra Đà Nẵng chơi thì bất ngờ lốp xe bị thủng khiến hai mẹ con chị văng xuống đường, bị xe tải chạy đến cán chết, bản thân anh Võ Ngọc Th cũng bị thương nặng. Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo buộc các cơ quan chức năng phải có những biện pháp mạnh tay hơn với các “đinh tặc”.

Trước đó, cũng hàng loạt đối tượng đã phải đứng trước vành móng ngựa vì hành vi rải đinh trên các tuyến đường quốc lộ như cuối tháng 8/2010, Viện Kiểm sát Nhân dân thị xã Thủ Dầu Một - Bình Dương cũng đã khởi tố bị can đối với 3 “đinh tặc” là Lê Xuân Chín (24 tuổi, quê Hà Nam), Lê Văn Khôi (20 tuổi, quê Hà Nam) và Phạm Tuấn Anh (19 tuổi, quê Thanh Hóa) với tội danh “cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Theo vụ việc, Chín cho Khôi và Anh học nghề tại tiệm sửa xe của mình ở 98 đại lộ Bình Dương, đổi lại cả hai phải trực tiếp… rải đinh và vá xe. Khi cơ quan tiến hành kiểm tra, đã phát hiện hàng chục mảnh đinh sắc nhọn trong bao thuốc lá của Khôi khi các đối tượng đang trên đường đi rải đinh trên đại lộ Bình Dương. Qua lời khai của chúng, mỗi ruột xe chúng mua với giá 22.000 đồng, khi thay cho khách thì lấy 50-60.000 đồng. 

Tháng 3/2011, người dân quận Thủ Đức cũng đã phát hiện đối tượng Phùng Anh Tuấn cùng các tang vật liên quan tới hành động rải đinh nhằm kiếm lời từ việc vá săm, sửa xe với giá cắt cổ.

truy to dinh tac la hop ly
“Đinh tặc” Nghiêm Văn Long

Tuy nhiên, sau một thời gian tạm giam, do người bị hại chưa cung cấp đủ thông tin chứng minh thiệt hại mà Phùng Anh Tuấn gây ra cho mình, chưa đủ chứng cứ để khởi tố vụ án, đối tượng này đã được trả tự do. Vụ việc phần nào nói lên những bất cập trong việc xử lý các đối tượng “đinh tặc” khi chưa có luật rõ ràng.

Mức án tù 12 năm dành cho trùm “đinh tặc”

Theo Nghị định 34/2010 của Chính phủ thì hành vi rải đinh, vật sắc nhọn trên đường bộ gây nguy hiểm trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông chỉ bị phạt từ 5-7 triệu đồng. Trước đây, việc xử lý “đinh tặc” cũng chỉ có thể áp dụng theo Điều 143 Bộ luật Hình sự (1999) tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản hoặc Điều 203 về tội cản trở giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, việc áp dụng xử phạt rất khó bởi phải xác định được hậu quả và giá trị thiệt hại vật chất cho người bị nạn từ 2 triệu đồng trở lên. Trong khi đó, giá trị của một chiếc xăm lốp, một lần sửa chữa xe thường rất nhỏ. Chỉ xác định được khi có tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, nếu cứ chờ như vậy thì khác nào “mất bò mới lo làm chuồng”.

Trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) mới đây, những nhà làm luật đã có động thái mạnh tay hơn với hành vi này bằng việc bổ sung thêm Điều 270, quy định về hành vi rải đinh, vật sắc nhọn trên đường bộ. Theo đó, người nào cố ý đặt, rải đinh hoặc vật sắc nhọn trên đường bộ thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội từ 2 lần trở lên, trên các tuyến đường cao tốc, trên các đoạn đường đèo, dốc hoặc các đoạn đường nguy hiểm khác, làm chết người hoặc gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác... thì có thể chịu mức hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù, phạt tiền đến 500 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) thì đề xuất trên được ban soạn thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đưa ra trước thực tế xuất hiện rất nhiều hành vi rải đinh trên đường bộ thời gian qua. Việc đề xuất xử nặng là nhằm đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa với một hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn tới tai nạn giao thông nghiêm trọng. Được biết, đề xuất này khi đem ra thảo luận tại Quốc hội đã nhận được rất nhiều ý kiến tán thành.

Trao đổi với Báo Năng Lượng Mới, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an tán thành với việc đưa vấn nạn “đinh tặc” vào xử lý hình sự và cho rằng: “Việc quy định khung hình phạt cao nhất cho “đinh tặc” là 12 năm vẫn còn là nhẹ. Hành vi này có khác gì là giết người đâu, không thể xử lý hành chính được. Cũng không thể so sánh hành vi đánh bạc với hành vi rải đinh trên đường QL. Xét về mặt đạo đức, hành vi đánh bạc cũng chỉ là để thỏa mãn sở thích của một số người, không gây ra tai nạn có thể dẫn đến chết người như việc rải đinh”.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng bày tỏ sự tán thành với dự thảo luật. Tuy nhiên, theo ông Lý, cần phải cụ thể cho từng mức độ phạm tội của các đối tượng để xử đúng người, đúng tội, không thể áp dụng một mức chung chung cho hành vi này.

Cần xử lý “đinh tặc” như tội danh giết người Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Thân Văn Thanh cho rằng: Tình hình hiện tại đặt ra yêu cầu cần bổ sung tội danh mới trong Bộ luật Hình sự để đấu tranh đẩy lùi nạn “đinh tặc” là cần thiết, đúng đắn. Về mức độ xử phạt, các nhà làm luật cân nhắc về tính nguy hiểm của hành vi rải đinh hoặc các vật sắc nhọn “đặt bẫy” người đi đường, so sánh với tính nguy hiểm của các hành vi khác trong Bộ luật Hình sự để đưa ra mức xử lý hình sự cho phù hợp.

 

Quỳnh Nguyên

Năng lượng Mới 456