Trung tâm nghiên cứu BIDV: 2018-2019, Việt Nam khó gặp khủng hoảng kinh tế

12:36 | 25/09/2018

487 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhóm nghiên cứu của BIDV cho rằng khó lặp lại khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm bởi các dấu hiệu "chưa rõ nét".

Lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế lặp lại theo chu kỳ 10 năm (sau cuộc khủng hoảng 2007-2009) được giới chuyên gia đề cập vài tháng nay. Tại một hội thảo giữa tháng 5, ông Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế trung ương thậm chí nêu ra 10 dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng địa ốc và nhận định, Việt Nam đã có 8 trên 10 dấu hiệu dẫn tới một cuộc khủng hoảng. Tại các hội thảo, diễn đàn sau này cũng như trong cuộc họp của Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng với lãnh đạo Chính phủ, lo ngại này cũng được nêu ra mổ xẻ.

Mới đây, Trung tâm nghiên cứu BIDV vừa ra một báo cáo khẳng định, Việt Nam khó có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2018 - 2019 theo chu kỳ 10 năm của đợt khủng hoảng trước.

6 dấu hiệu có thể khiến một nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, bao gồm (1) Tín dụng mở rộng quá mức; (2) Hệ thống tài chính khó khăn hoặc mất khả năng cung ứng nguồn lực; (3) Xảy ra bất ổn lớn trên bảng cân đối của các chủ thể chính trong nền kinh tế; (4) Các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá biến động mạnh, khó kiểm soát; (5) Một số thị trường có ảnh hưởng, lan tỏa lớn như thị trường bất động sản, chứng khoán bước vào giai đoạn căng thẳng hoặc suy thoái; (6) Niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế suy giảm mạnh.

"Các dấu hiệu khủng hoảng trên đã biểu hiện khá rõ nét ở dạng này hay dạng khác trong mỗi chu kỳ 10 năm 1988-1989, 1998-1999, 2008-2009", nhóm nghiên cứu của BIDV nhận xét. Tuy nhiên, khi xét đến chu kỳ 10 năm tiếp theo - giai đoạn 2018-2019, họ cho rằng chúng được biểu hiện không rõ nét.

Trung tâm nghiên cứu BIDV: 2018-2019, Việt Nam khó gặp khủng hoảng kinh tế
Công nhân thực hiện hàn cột tại một công trường xây dựng. Ảnh: Reuters

Sự khác biệt trong hai dấu hiệu đầu tiên là tăng trưởng tín dụng. Theo các chuyên gia, tín dụng đã tăng trưởng hợp lý hơn, chất lượng được cải thiện và hệ thống tài chính - ngân hàng được củng cố. Giai đoạn 2011-2017, tăng trưởng tín dụng (bình quân 13,9% một năm) và tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP (bình quân 32,3% một năm) thấp hơn hầu hết các giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, hiệu quả của đồng vốn trong giai đoạn này cao hơn trước nhờ một phần là đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ.

Giá trị nợ xấu trong giai đoạn này cũng giảm mạnh. Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu BIDV, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ cơ cấu lại trên tổng dư nợ đã giảm từ mức 17,2% năm 2012 về mức khoảng 7,4% cuối năm 2017 và 6,7% vào cuối tháng 6/2018.

Sự khác biệt tiếp theo là ở dấu hiệu thứ ba khi các yếu tố vĩ mô có sự cải thiện. Thu ngân sách tăng trưởng tương đối khả quan với bình quân 11% mỗi năm giai đoạn 2011-2017, trong khi chi ngân sách đã có cải thiện. Tỷ trọng chi thường xuyên trên tổng chi ngân sách giảm từ mức cao 65-66% giai đoạn 2013-2014 xuống còn khoảng 62-63% năm 2016-2017, tỷ lệ bội chi cũng đang có xu hướng giảm.

Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư trở lại từ năm 2012, cán cân thanh toán tổng thể duy trì trạng thái thặng dư trong 6 năm qua, cùng với những chuyển biến tích cực trong cán cân tín dụng khi dư nợ cho vay tập trung nhiều hơn vào các lĩnh vực ưu tiên, có triển vọng tích cực.

8 giải pháp của Trung tâm nghiên cứu BIDV trước thách thức của nền kinh tế:

- Theo dõi sát so và đánh giá tác động đối với rủi ro bên ngoài. - Chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô.

- Thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. các ngành và nền kinh tế.

- Tiếp tục đẩy mạnh và quyết liệt hơn các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế.

- Chủ động tiếp cận và áp dụng thành quả của cuộc CMCN 4.0.

- Nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế bền vững.

- Tăng cường khả năng kháng cự với các cú sốc bên ngoài của nền kinh tế và hệ thống tài chính-tiền tệ.

- Đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường kinh doanh.

Lạm phát sau giai đoạn tăng cao và biến động mạnh trước năm 2013 đã được kiểm soát ở mức thấp. Tỷ giá được điều hành linh hoạt và sát thị trường hơn khi giữ mức điều chỉnh không quá 3% mỗi năm trong 5 năm gần đây. Dự trữ ngoại hối hiện cũng gia tăng mạnh so với trước, tương đương khoảng 14 tuần hay 3,5 tháng so với mức 1,55 tháng nhập khẩu năm 2011.

Các thị trường quan trọng như chứng khoán và bất động sản, theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu BIDV, đã có bước chuyển biến tích cực và được kiểm soát ở mức độ phù hợp. Các quyết sách về môi trường đầu tư – kinh doanh cũng từng bước được cải thiện, niềm tin của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế tăng lên.

"Trên cơ sở phân tích các dấu hiệu khủng hoảng qua các thời kỳ bất ổn của kinh tế Việt Nam và sự khác biệt của giai đoạn hiện nay, có thể khẳng định khả năng xảy ra khủng hoảng mang tính chu kỳ 10 năm trong giai đoạn 2018-2019 tại Việt Nam là khó xảy ra", nhóm nghiên cứu kết luận.

Tuy nhiên, dù đưa ra nhiều nhận định tích cực, nhóm nghiên cứu cũng nhắc đến những tồn tại của nền kinh tế và thách thức từ tình hình thế giới.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang; Các ngân hàng trung ương lớn thắt chặt chính sách tiền tệ; Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại và rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu còn diễn biến khó lường là những diễn biến có thể ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam hiện tại.

Trong khi đó, nội tại của nền kinh tế hiện vẫn còn nhiều khó khăn, áp lực lạm phát, tỷ giá, năng suất lao động thấp, khu vực doanh nghiệp phát triển chậm... Năng suất lao động của Việt Nam bình quân giai đoạn 1991-2017 chỉ cao hơn Bangladesh và Campuchia, thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Đến cuối năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam (tính theo PPP 2011) thấp hơn từ 6,9 đến 14 lần so với Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, thấp hơn Thái Lan, Indonesia và Malaysia từ 2,6 đến 5,4 lần.

Rủi ro còn tiềm ẩn với một số cán cân vĩ mô trong khi khả năng kháng cự với các cú sốc bên ngoài của nền kinh tế còn mỏng. Nợ công, nợ nước ngoài còn ở mức cao; dự trữ ngoại hối tuy tăng mạnh song còn khá mỏng nếu so với các nước trong khu vực; tỷ lệ tín dụng so với GDP đang ở mức cao và vượt xa khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nhưng yếu tố này, được đánh giá, có thể cản trở sự tăng trưởng cao và bền vững trong tương lai.

Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu đề xuất 8 giải pháp. Trong đó, hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và theo dõi sát sao, đánh giá tác động của các diễn biến từ tình hình quốc tế để có các biện pháp ứng phó phù hợp.

Theo VnExpress.net

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu "đắt đỏ" năm 2008
Không còn tiền nuôi, dân Venezuela thả chó hoang đầy đường
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế Việt Nam khó xảy ra khủng hoảng chu kỳ 10 năm