Trung Quốc: Hậu vụ tấn công khủng bố tại Tân Cương

17:27 | 03/08/2014

1,374 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 3-8, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, 37 thường dân (35 người Hán và 2 người Duy Ngô Nhĩ) và 59 “kẻ khủng bố” đã chết cùng 13 người khác bị thương trong vụ tấn công bằng dao và rìu tại một đồn cảnh sát và một số cơ quan chính quyền địa phương ở huyện Shache, địa khu Kashgar, khu tự trị Tân Cương hôm 28-7.

Trước đó (1-8), cảnh sát Trung Quốc thông báo, 9 nghi phạm khủng bố đã bị tiêu diệt và một nghi phạm khác bị bắt ở địa khu Hotan, khu tự trị Tân Cương. Cho tới nay, cảnh sát Tân Cương đã bắt giữ 215 “tên khủng bố” có liên quan tới vụ tấn công kể trên. Cảnh sát thu giữ nhiều dao và rìu ở hiện trường vụ án cùng những băng rôn với khẩu hiệu kêu gọi thánh chiến chống chính quyền Trung Quốc.

Bắc Kinh tuyên bố vụ tấn công hôm 28-7 được lên kế hoạch từ trước và có liên quan đến nhóm khủng bố Đông Turkestan.

Cảnh sát Trung Quốc có vũ trang tuần tra ở Urumqi, thủ phủ Tân Cương

Ngày 31-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf đã bày tỏ lo ngại về vụ truy tố ông Iiham Tohti, giáo sư kinh tế, nguyên giảng viên tại Đại học Dân tộc Trung ương, nhà hoạt động nhân quyền Duy Ngô Nhĩ với tội danh ly khai. Cảnh sát cho biết, ông Iiham Tohti có quan hệ với Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, đã miêu tả những người biểu tình Duy Ngô Nhĩ là các anh hùng, đồng thời kích động lòng hận thù của sinh viên đối với chính phủ Trung Quốc. Việc này diễn ra 2 ngày sau vụ tấn công bằng dao và rìu hôm 28-7.

Dự kiến, phiên tòa xét xử ông Iiham Tohti sẽ được tổ chức tại Tòa án Nhân dân ở Urumqi. Ông Alim Seytoff, Chủ tịch của Hiệp hội Duy Ngô Nhĩ ở Mỹ cho rằng, giới hữu trách Trung Quốc có thể sử dụng thời điểm truy tố ông Iiham Tohti để dư luận không chú ý tới các vụ bạo lực mới nhất tại khu tự trị Tân Cương.

Dư luận quan tâm tới cái chết của ông Jume Tahir, 74 tuổi, lãnh đạo của người Hồi giáo ở địa khu Kashgar, khu tự trị Tân Cương bởi người đứng đầu đền thờ Hồi giáo lớn nhất Trung Quốc đã bị giết sau buổi cầu nguyện sáng 30-7 tại đền thờ Id Kah. Cảnh sát Tân Cương vừa bắn chết 2 kẻ tình nghi và bắt giữ 1 nghi phạm khác trong vụ giết hại ông Jume Tahir.

Tân Hoa xã dẫn lời cảnh sát Tân Cương cho biết, những nghi phạm kể trên đã lẩn trốn quanh đền thờ và sử dụng dao với rìu để chống lại lực lượng an ninh và chúng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan. Ông Jume Tahir là người Duy Ngô Nhĩ bản địa, theo đường lối ủng hộ chính sách của chính quyền Bắc Kinh tại Tân Cương nên đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu đền thờ Hồi giáo 600 năm tuổi Id Kah.

Vụ sát hại sát ông Jume Tahir diễn ra chỉ 2 ngày sau vụ tấn công bằng dao và rìu hôm 28-7. Theo tờ Los Angeles Times, người ta đã chôn cất ông Jume Tahir ngay trong tối 30-7 và lễ an táng được cảnh sát cùng quân đội canh gác cẩn mật.

Chiều 29-7, Tân Hoa xã dẫn lời cảnh sát địa phương cho biết, sáng 28-7, một băng nhóm mang theo dao và rìu đã tấn công vào một đồn cảnh sát và các văn phòng chính quyền ở huyện Shache. Sau khi gây án và tháo chạy, chúng còn đâm chém nhiều người dân vô tội gặp trên đường, đồng thời đốt phá xe ôtô vô tình đi ngang qua khu vực khiến hàng chục thường dân Duy Ngô Nhĩ và người Hán chết và bị thương.

Ngay sau khi biết tin, cảnh sát lập tức có mặt tại hiện trường và bắn chết hàng chục thành viên của băng nhóm này nhằm ngăn chặn chúng gây thêm tội ác, cũng như đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Tân Hoa xã cho rằng, các cuộc tấn công ở Tân Cương là nhằm gây mất ổn định khu vực và lan truyền sự sợ hãi, hận thù. Được biết, nhà chức trách Trung Quốc đã tổ chức chiến dịch chống khủng bố tại Tân Cương từ 1 tháng trước, bắt giữ 380 nghi can và triệt phá 32 nhóm khủng bố.

Trung Quốc tăng cường an ninh tại Khu tự trị Tân Cương

Chính phủ Trung Quốc và các nhóm người Duy Ngô Nhĩ lưu vong đưa ra những giải thích khác nhau về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn mới đây ở khu tự trị Tân Cương. Một số tổ chức người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài cáo buộc chính quyền Trung Quốc thi hành chính sách đàn áp văn hóa, kinh tế và chính trị đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nên mới dẫn tới tình trạng bạo loạn hiện nay.

Theo hãng AFP (dẫn thông tin từ một số người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong đưa ra hôm 30-7), gần 100 người chết và bị thương trong vụ tấn công ở khu tự trị Tân Cương, nơi sinh sống của phần lớn cộng đồng người dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc. Nhiều người cho rằng, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo gia tăng giữa người Hán và người Duy Ngô Nhĩ là một trong những nguyên nhân gây ra sự bất mãn trong xã hội và càng trấn áp thì càng dẫn đến sự phản kháng.

Theo giới truyền thông, thượng tuần tháng 7, chính quyền Trung Quốc đã ra lệnh cấm công chức, học sinh và giáo viên ở Tân Cương tham gia tháng lễ ăn chay Ramadan. Theo nhận định của chuyên gia Yakov Berger đến từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Nga, các tổ chức ly khai ở Tân Cương và trên thế giới đòi độc lập cho Đông Turkistan (tên gọi khác của Tân Cương). Lãnh đạo phong trào này là những người đã trốn khỏi Trung Quốc và đang lưu vong ở nước ngoài. Họ sở hữu các phương tiện tuyên truyền hiện đại và có ảnh hưởng lớn đến ý thức cộng đồng./.

Tân Hồng-Tiên Du