Trung Quốc giữ cách tiếp cận thận trọng đối với dầu Nga

09:43 | 16/12/2022

2,550 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với lệnh cấm chính thức nhập khẩu dầu Nga của EU vào 5/12, Nga buộc phải tìm kiếm các thị trường mới thay thế EU với khối lượng 700.000 thùng/ngày vào tháng 11 và 1,1 triệu thùng/ngày vào tháng 12.
Trung Quốc giữ cách tiếp cận thận trọng đối với dầu Nga
Tàu dầu tại cảng Kozmono của Nga. Ảnh: Tư liệu.

Cùng với Ấn Độ, Trung Quốc là một trong những nhà thay thế chính thị trường truyền thống châu Âu.

Ấn Độ đã tăng mua dầu Nga từ mức không đáng kể năm ngoái lên tới 900.000 thùng/ngày trong thời gian gần đây. Tháng 11 khối lượng là 1 triệu thùng/ngày và chỉ trong 11 ngày đầu tháng 12 con số này là 1,3 triệu thùng. Ấn Độ có khả năng mua tới 1,5 triệu thùng/ngày.

Trung Quốc có thể sẽ mua thêm 400.000 thùng dầu thô từ Nga mỗi ngày và có thể nhiều hơn nữa. Nhưng nhà buôn Trung Quốc khôn khéo vẫn phải chờ xem giá dầu hàng hóa lắng xuống và các nhà tham gia thị trường hoạt động như thế nào xung quanh giá trần của các nước G7 ấn định và các hạn chế vận chuyển.

Giả sử giá trần và các lệnh cấm được nới lỏng, Trung Quốc cuối cùng vẫn mua thêm 200.000 - 400.000 thùng dầu Nga mỗi ngày, một nguồn tin từ thị trường Trung Quốc cho biết. Một nguồn tin khác cho biết Trung Quốc sẽ còn nhập một lượng lớn hơn đáng kể dầu Nga.

Nhập khẩu chính thức của Trung Quốc đối với dầu Nga trung bình 1,74 triệu thùng/ngày trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, tăng hơn 150.000 thùng so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết là dầu thô Đông Sibery - Thái Bình Dương được vận chuyển qua đường ống và tàu dầu cùng một số dầu Urals. Nhưng những con số chính thức có vẻ để che giấu các con số nhập khẩu thực, theo hãng tin EnergyIntel.

Cũng theo thông tin tình báo của EnergyIntel, Trung Quốc nhập khẩu trung bình 612.000 thùng/ngày từ Malaysia từ tháng 1 đến tháng 10, nhiều hơn 275.000 thùng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 9, Trung Quốc nhập 991.000 thùng/ngày từ Malaysia, vượt xa rất nhiều so với tổng sản lượng hàng ngày trong tháng 9 của nước này là 363.000 thùng.

Nguồn tin chưa được kiểm chứng cho rằng, trong quá khứ Malaysia như một địa chỉ được sử dụng để ngụy trang cho dầu thô của Iran và Venezuela bị cấm vận bằng cách trộn thêm dầu khác vào hay "đóng mác" lại trước khi xuất sang Trung Quốc. Hầu hết các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đều nhập dầu thô Nga, kể từ cuộc chiến Nga - Ukraina nổ ra bao gồm cả các công ty nhà nước (NOCs) Sinopec, PetroChina và CNOOC, Zhenhua và các nhà máy lọc dầu độc lập khác.

Tuy vậy, Trung Quốc giữ cách tiếp cận thận trọng đối với dầu Nga.

Nhu cầu dầu thô của Trung Quốc sẽ tăng lên khi các biện pháp chống Covid-19 được nới lỏng, nhưng cũng có một số yếu tố có thể làm giảm khối lượng mua thêm từ Nga. Đó là hành trình dài vận chuyển từ các cảng biển Đen và biển Baltic, các công ty nhà nước thận trọng trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Một nguồn tin thương mại nhấn mạnh, thật khó khi dự đoán Trung Quốc sẽ mua thêm bao nhiêu dầu Nga, đặc biệt khi phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nước châu Á khác như Ấn Độ đối với dầu Urals được chiết khấu cao.

Dầu Nga, kể cả dầu Espo, chịu sức ép từ các thay đổi giá trần của G7, nhu cầu thấp dầu thô của Trung Quốc và cạnh tranh của dầu Iran và Venezuela bị cấm vận. Chỉ một vài chuyến tàu chở dầu Urals được chất hàng trước khi lệnh cấm vận có hiệu lực đang hướng tới Trung Quốc. Các tàu này xuất phát từ tháng 11 và cuối tháng 12 sẽ cập bến nếu không dừng lại ở Singapore.

Trung Quốc đã thống trị việc mua dầu giao ngay Espo từ Nga trước chiến tranh nổ ra, từ cảng Kozmino ở vùng Viễn Đông Nga. Gần đây họ mua lại dầu Urals từ các cảng truyền thống ở phía Tây Nga. Trong khi các tàu dầu chỉ mất một tuần từ các cảng Viễn Đông tới các cảng Đông Bắc Trung Quốc, thì các tàu chở dầu Urals phải mất tới 2 tháng.

Hồng Thanh