Trung Quốc gài “Con ngựa thành Troy” vào châu Âu

10:48 | 23/10/2015

3,034 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Trung Quốc đầu tư một nhà máy hạt nhân tại Anh đang bị giới chức tình báo đánh giá là một hiểm họa đối với an ninh châu Âu.
tin nhap 20151023104427
Trung tâm khai thác điện hạt nhân Hinkley Point ở Anh do Trung Quốc đầu tư

Báo chí nước Anh nói riêng và phương Tây nói chung đã rất nặng lời với cách thức mà Chính phủ Anh đã tiếp đón vị khách đến từ Bắc Kinh.

Trong một bài xã luận hôm 17/10 trên tờ Guardian (Anh), chiến lược gia Steve Hilton, hiện là giáo sư và doanh nhân tại Mỹ, phân tích lợi hại và viết thẳng rằng việc nước Anh “khấu đầu” trước Trung Quốc là sai lầm về đạo đức và phi lý về kinh tế chỉ vì hai quốc gia chuyển dịch theo hai hướng trái ngược.

Chuyển qua báo Pháp, tờ Les Echos viết: ngày xưa phương Tây nhào vào xâu xé lãnh thổ Trung Quốc, nay lại phải trải thảm đỏ để đón vị khách Trung Hoa, một tấc thảm cũng không được thiếu. Tờ báo Pháp còn mỉa mai nhắc lại, khi Thủ tướng Trung Quốc đến thăm London năm ngoái, Bắc Kinh đã phàn nàn thảm đỏ trải từ chân máy bay đến sảnh dành cho VIP tại sân bay bị ngắn mất vài mét!

Để cho chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình từ ngày 20/10 được chỉn chu, thảm đỏ được trải khắp nơi ở London và Manchester, hai thành phố mà Chủ tịch Tập và phu nhân sẽ đến thăm.

Một điều nữa có thể sẽ làm cho ông Obama phải ghen tỵ, đó là London sẽ dành Chủ tịch Trung Quốc và phu nhân mọi sự đón tiếp tráng lệ nhất như trong cổ tích: ngủ tại cung điện của Nữ hoàng Anh – cung điện Buckingham và di chuyển bằng xe ngựa kéo.

Vì sao nước Anh lại cần Trung Quốc đến vậy? Đó đơn giản là vị khách đến từ Bắc Kinh đang mang đến cho xứ sương mù các hợp đồng làm ăn kinh tế trị giá 30 tỷ bảng Anh.

Hai lĩnh vực đứng đầu danh sách là nguyên tử và giao thông. Tuy nhiên, giới chức tình báo Anh đã lên tiếng cảnh báo chính quyền Cameron nên cẩn thận khi hợp tác với Trung Quốc. Trong chuyến thăm Anh lần này, ông Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết một thỏa thuận đặc biệt quan trọng giữa công ty điện lực quốc gia Pháp (EDF) với Tập đoàn năng lượng hạt nhân Trung Quốc CGN và Tập đoàn khai thác hạt nhân quốc gia CNNC. Theo đó, EDF sẽ đầu tư 2/3 dự án (tức khoảng 33 tỉ euro) và 1/3 còn lại sẽ do phía đối tác Trung Quốc đảm nhận trong dự án Hinkley Point tại Anh. Thỏa thuận chung ký kết với Anh còn dự trù hai trung tâm hạt nhân khác đời EPR sẽ do phía Trung Quốc đồng tài trợ và một trung tâm hạt nhân “Hỏa long”, trung tâm hạt nhân thế hệ thứ 3 sẽ hoàn toàn do Trung Quốc đảm nhận.

Trung tâm khai thác điện hạt nhân Hinkley Point là một dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Anh. Dự án này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng năm 2025. Với dự án này, đối tác Trung Quốc của công ty EDF có thể chen chân vào lĩnh vực hạt nhân tại châu Âu. Nhưng theo báo Le Monde (Pháp), hạt nhân Trung Quốc đang làm dấy lên nhiều nỗi lo lắng tại Vương quốc Anh. Theo tờ báo, ngành tình báo Anh cảnh báo dự án này là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Giới chuyên gia nghi ngờ tài trợ của Trung Quốc trong các dự án trung tâm khai thác điện hạt nhân mới tại Vương quốc Anh là một "con ngựa thành Troy" của Bắc Kinh trong ngành công nghiệp chiến lược này.

Jeffrey Henderson (giáo sư đại học Bristol) còn cho thỏa thuận này là một sự “điên rồ nguy hiểm” khi nhắc rằng CNNC cũng tham gia vào phức hợp quân sự - công nghiệp Trung Quốc. Về điểm này, Trung tâm nghiên cứu Quốc tế (CERI) thuộc đại học Khoa học Chính trị Sciences Po của Pháp cũng có cùng quan điểm. CERI khẳng định CNNC nằm trong số 10 tập đoàn công nghiệp quốc phòng, chỗ dựa vững chắc của quân đội Trung Quốc.

Một số quan chức tình báo Anh còn vẽ ra một kịch bản đen tối cho là Trung Quốc rất có thể sẽ cài đặt những “cổng bí mật” trong hệ thống tin học, cho phép họ kiểm soát được trung tâm hạt nhân. Trong trường hợp có xung đột ngoại giao, Trung Quốc có thể sẽ cúp một phần nguồn điện tại Anh. Paul Dorfman, chuyên gia Viện Năng lượng, trường University College tại London lưu ý: “Chưa có một quốc gia nào tại châu Âu ký kết một thỏa thuận như thế. Mỹ cũng chưa từng nghĩ sẽ giao vào tay Trung Quốc một cơ sở hạt tầng chiến lược như vậy. Việc Vương quốc Anh sẵn sàng làm điều này quả thật là lạ đời”.

Một mối lo khác cũng được người dân và giới chuyên gia lo lắng đó là tính đáng tin cậy của các kỹ sư Trung Quốc. Họ công nhận một điều là “các kỹ sư và công nhân Trung Quốc làm việc rất hiệu quả và nhanh chóng. Do bởi một phần là ban lãnh đạo có thể huy động nhân sự rất dễ dàng và thúc đẩy tiến độ công trình. Nhưng họ có thể làm được như vậy là do công tác quản lý an toàn ít nghiêm ngặt hơn”.

Tờ Le Monde thuật lại một nguồn tin cho hay có rất nhiều lỗi kỹ thuật tại Trung tâm khai thác hạt nhân tại vịnh Đại Á Loan, gần Hồng Kông do CGN và EDF xây dựng và được đưa vào sử dụng năm 1994. Theo lời kể, một nhà thầu đã quên hơn phân nửa kết cấu sắt thép dùng để gia cố một sàn bêtông. Ngoài ra tờ báo Pháp còn lo âu cho ngành công nghệ hạt nhân của Pháp. Đối tác giữa EDF và CGN-CNNC còn là mối họa do có liên quan đến việc chuyển giao công nghệ. Và như vậy, các lò phản ứng hạt nhân của Pháp chẳng còn gì là bí mật đối với Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là khi bắt tay với Trung Quốc đổi lấy lời hứa được gia nhập vào thị trường của họ, liệu các tập đoàn năng lượng Pháp có đang thả mồi bắt bóng hay không để rồi sau đó bị thua trong cuộc chiến thương mại.

Th.Long

(Theo AFP. AP, Reuters)