Trống Đọi Tam - Âm vang "tiếng sấm" làng nghề

15:15 | 28/01/2014

2,427 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã từ lâu, tiếng trống luôn gắn liền với nhiều hoạt động trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người dân ở thành thị cũng như nông thôn: tiếng trống trường, trống trong lễ hội, sự kiện lớn của đất nước… Tiếng trống đã trở nên quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức của người dân khắp mọi miền đất nước.

Người dân của làng từ lâu đã biết làm ra những chiếc trống phục vụ trong các dịp lễ hội.

Làng Ðọi Tam, xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có nghề làm trống từ rất lâu đời. Truyền thuyết kể rằng năm 986, khi vua Lê Đại Hành về làng cày ruộng tịch điền khuyến nông, hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản làm một cái trống để đón vua. Khi lễ tịch điền diễn ra, hai ông cùng dân làng ra cổ vũ và đánh trống vang rền một góc trời.

Cảm kích trước tấm lòng của Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản nên sau này nhà vua đã cho phép hai ông lên kinh thành lập phố làm nghề. Cũng từ đây, dân làng đã tôn hai ông là “Trạng Sấm”. Qua nhiều thế kỷ tồn tại, phố nghề này tuy không còn nhưng vẫn mang tên Hàng Trống ở khu phố cổ Hà Nội.

Để làm được một chiếc trống phải trải qua nhiều công đoạn và vật liệu chủ yếu là gỗ mít, da trâu, tre cùng bí quyết riêng của làng nghề.

Chính từ bí quyết được truyền lại nên trống ở Đọi Tam đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước, bởi độ căng của da bề mặt, của độ bền và âm của tiếng trống mỗi khi vang lên. Mỗi loại trống đòi hỏi cách căng mặt trống khác nhau tạo ra âm thanh vang, trầm, bổng mang đậm dấu ấn trống Đọi Tam.

Một số hình ảnh về làng trống Đọi Tam:

Căng mặt trống là một trong những khâu đòi hỏi độ chính xác cao để đảm bảo tiếng vang của trống

Nguyên liệu làm trống Đọi Tam chủ yếu là gỗ mít và da trâu. Đi từ đầu làng có thể bắt gặp những đoạn gỗ to xếp trên đường.

Với những chiếc trống có đường kính 1,5 m đến 2 m, người thợ làng Đọi Tam chỉ mất 3 ngày để hoàn thành với 4 nhân công làm liên tục. Theo họ, khó nhất vẫn là công đoạn ghép tang, các công đoạn còn lại như dán mặt trống, sơn trống không đòi hỏi nhiều kỹ thuật.

Công đoạn pha gỗ để làm “dăm” trống khá quan trọng, đòi hỏi độ chính xác cao để khi ghép tang không bị lệch.

Ông Hùng, một người thợ lâu năm ở Đọi Tam tự hào cho biết, sự khác biệt lớn nhất giữa trống Đọi Tam và trống các làng khác là âm thanh phát ra từ trống. Tiếng trống được làm từ Đọi Tam phát ra âm thanh trầm, bổng rõ ràng. "Không phải tự nhiên mà trống Đọi Tam được lựa chọn ở nhiều lễ hội, sự kiện quan trọng của đất nước".

Thông thường làm những chiếc trống sấm và to, người thợ làng Đọi Tam phải lấy gỗ mít và da trâu từ Tây Nguyên. Những chiếc trống sấm được chủ yếu làm theo đơn đặt hàng, với thời gian mất cả năm. Đợt đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Đọi Tam đã sản xuất hàng chục chiếc trống sấm phục vụ lễ hội

Bưng mặt trống

Trẻ con ở làng Đọi Tam cũng đã biết giúp đỡ gia đình làm trống

Cận Tết Giáp Ngọ, nhiều hộ gia đình còn chuyển sang làm bình rượu. Đây cũng là nguồn thu không nhỏ của các hộ gia đình làng trống Đọi Tam

Hai mẫu mã chính được sản xuất là bình rượu có chân và bình rượu có ngựa kéo. Chị Nga cho biết, vài năm trở lại đây người dân có thêm nghề làm bình rượu trong những dịp xuân về. Giá mỗi sản phẩm dao động 130.000 đồng đến 500.000 đồng, tùy chủng loại.

 

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc