Trí thức trẻ Việt Nam kết nối, chia sẻ góp phần phát triển đất nước

14:32 | 19/12/2021

130 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhằm phát huy vai trò của trí thức trẻ trong bối cảnh chuyển dịch của nền kinh tế toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ về tri thức và công nghệ, ngày 18/12, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học toàn cầu với chủ đề “Vai trò của trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0”.
Trí thức trẻ Việt Nam kết nối, chia sẻ góp phần phát triển đất nước
Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh: Công nghiệp 4.0 hay nói rộng hơn là sự phát triển của công nghệ đã xóa bỏ khoảng cách, giúp cho chúng ta có cơ hội kết nối với nhau. PGS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng mỗi người cần phải thay đổi tư duy - làm việc theo nhóm, thay đổi cách làm - làm việc chia sẻ để giải quyết được những vấn đề lớn hơn, rộng hơn bởi sự kết nối của cộng đồng. Các trí thức trẻ Việt Nam phải dấn bước, cùng góp sức trẻ, sự thông minh, tạo ra sự sáng tạo của tập thể những người có cùng chí hướng.

Hội thảo khoa học toàn cầu là một diễn đàn dành cho các nhà khoa học trẻ là sinh viên và nghiên cứu sinh từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu có cơ hội để trao đổi, trình bày và chia sẻ các công trình nghiên cứu của bản thân. Đây còn là sân chơi để các bạn trẻ thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, trách nhiệm và vai trò của trí thức trẻ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, cung cấp nền tảng tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học giữa sinh viên và nghiên cứu sinh trong và ngoài nước.

Hội thảo đã thu hút gần 1.000 nhà khoa học trẻ từ 10 quốc gia trên thế giới và 38 tỉnh, thành phố của Việt Nam cùng hơn 300 tham luận. Các tham luận thể hiện rõ nét sự phong phú, đa dạng với các góc độ tiếp cận khác nhau trong đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, đều đã được phản biện 2 vòng bởi hội đồng gồm gần 150 chuyên gia là các PGS, TS đầu ngành.

Trí thức trẻ Việt Nam kết nối, chia sẻ góp phần phát triển đất nước
PGS Trương Thu Hương - Phó trưởng khoa Kỹ thuật truyền thông, Trường Điện - Điện tử (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) trình bày tham luận tại hội thảo

Đặc biệt, hội thảo được tích hợp các công cụ tiên tiến để kiểm tra tính liêm chính khoa học của các tham luận. Sau khi hội thảo khép lại, Ban Tổ chức sẽ tiến hành xin cấp mã định danh tài liệu số (DOI) cho các tham luận.

Lần đầu tiên được tổ chức, hội thảo khoa học sinh viên toàn cầu tập trung thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của lực lượng trí thức trẻ vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế theo 3 lĩnh vực: kinh tế, kỹ thuật - công nghệ thông tin và xã hội - nhân văn.

Trí thức trẻ Việt Nam kết nối, chia sẻ góp phần phát triển đất nước
PGS Vũ Đình Tiến, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật Hóa học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) trình bày tham luận về “Nghiên cứu ứng dụng và tính thích ứng trong đại dịch Covid-19”

Tại hội thảo, các đại biểu có chung nhận định về việc đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ những ngành nghề dựa trên nền tảng công nghệ, tiêu biểu là thương mại điện tử. Nhờ cấu trúc dân số trẻ, nhu cầu tiêu thụ cao, cho nên Việt Nam luôn được đánh giá là 1 trong những thị trường có tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, kỷ nguyên 4.0 cùng tác động của đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra rất nhiều thách thức cũng như cơ hội để trí thức trẻ thể hiện vai trò then chốt, chủ đạo. Cụ thể như việc xuất hiện những công nghệ, phong cách làm việc, học tập, định hướng nghề nghiệp mới mẻ, hiệu quả hơn.

Phú Văn

Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến các khu kinh tế - quốc phòngTăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến các khu kinh tế - quốc phòng
Trí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nướcTrí thức trẻ Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước
Nâng cao vai trò của trí thức trẻ Việt Nam trong nền kinh tế sốNâng cao vai trò của trí thức trẻ Việt Nam trong nền kinh tế số