Trả lại hình ảnh cho người đồng tính!

19:48 | 30/12/2013

2,692 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều nhân vật đồng tính đã được dựng lên với những hình ảnh dị dạng nhằm mục đích mua vui cho khán giả trong các phim hài. Nhà làm phim bỏ mặc yếu tố thực tại về những bi kịch và góc nhìn nhân văn về con người họ!

Một điều đáng tiếc đã xảy ra với “Tèo em”, bộ phim hài của Charlie Nguyễn đang giữ kỷ lục doanh thu phòng vé khi bị cộng đồng người đồng tính lên án. Cụ thể là vì trong phim có đoạn đối thoại với nhau giữa hai nhân vật là: Nếu chó pêđê sẽ đi kiểu gì, sủa ra sao? Chó ô-môi sẽ đi ra sao, sủa như thế nào? Chính những lời thoại phản cảm này khiến người đồng tính cảm thấy bị sỉ nhục. Ngoài ra trong phim, yếu tố “đồng tính” và “chuyển giới” đã được sử dụng khá nhiều để câu khách. Đặc biệt là từ “pêđê” được sử dụng nhiều lần, trong khi từ này có ý miệt thị người đồng tính!

Diễn viên Thái Hòa và đạo diễn Charlie Nguyễn cũng đã đăng đàn xin lỗi những người đồng tính về sai sót đáng tiếc đó.

"Tèo em" làm giới đồng tính bức xúc

Có thể nói đây chỉ là sự vô ý, cẩu thả của êkip thực hiện bộ phim này chứ không phải là điều cố ý. Tuy nhiên điều đáng nói là sự vô ý của “Tèo em” không phải là cá biệt mà cảm nhận lệch lạc về người đồng tính như đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều nhà làm phim Việt. Bằng chứng là trước đây, nhiều nhân vật đồng tính đã được dựng lên với những hình ảnh dị dạng nhằm mục đích mua vui cho khán giả. Nhà làm phim bỏ mặc yếu tố thực tại về những bi kịch và góc nhìn nhân văn của những con người sống bên lề xã hội này.

Hình ảnh méo mó về người đồng tính đầu tiên trên phim ảnh có thể kể đến là nhân vật má mì mắt xanh mỏ đỏ trong “Gái nhảy” của đạo diễn Lê Hoàng gần 10 năm trước. Và nhân vật má mì mà mọi người cho là đồng tính ấy được bắt chết cho đến tận bây giờ.

Năm 2011, nhân vật Phạm Hương Hội trong “Để mai tính” của Charlie Nguyễn cũng là nhân vật “để lại nhiều ấn tượng nhất”. “Để mai tính” từng được cho là phim đồng tính thắng lớn của thời điểm 3 năm trước, song nhân vật Phạm Hương Hội vẫn là một sự tương phản, nghĩa là có đem đến tiếng cười nhưng sẽ chua chát khi nghĩ rằng đó là hình ảnh đại diện cho giới gay.

Sau “Gái nhảy”, đạo diễn Lê Hoàng cho ra “Trai nhảy” cũng nói về đồng tính. “Trai nhảy” được dư luận khen ngợi là có cách nhìn thoáng, mang nhiều cảm thông và có cái nhìn nhân văn hơn với người đồng tính. Song, thật bất ngờ khi vị đạo diễn này lại cho rằng “đồng tính là bệnh”, có lẽ cũng chính vì quan niệm như thế cho nên đạo diễn Lê Hoàng cũng như những đạo diễn làm phim hài có người đồng tính khác chưa bao giờ muốn xây dựng một hình ảnh nhân vật đồng tính đúng thực tế!

Điều gì khiến những nhân vật đồng tính đầy phiến diện lại là tuyến nhân vật không thể thiếu trong các bộ phim, nhất là phim hài gần đây? Đơn giản bởi vì đó là những nhân vật có thể chọc cười hoàn hảo nhất, hơn nữa đó là những nhân vật thể hiện sự thức thời, hợp mốt nhất trong một bộ phim hiện nay.

Phạm Hương Hội trong "Để mai tính" 

Không thể phủ nhận là bên cạnh những hình ảnh đồng tính méo mó thì vẫn có những tác phẩm điện ảnh đã xây dựng hình ảnh nhân vật người đồng tính với góc nhìn đầy nhân bản. Đó là “Những nụ hôn rực rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã khéo léo lồng ghép câu chuyện của hai thanh niên đồng tính hoạt bát và yêu đời, họ có cơ hội tâm sự bày tỏ những suy nghĩ và tình cảm của mình ở cuối phim.

Hay phim “Cảm hứng hoàn hảo” cũng có nội dung nói về người đồng tính, với góc nhìn nhân văn. Nội dung phim kể về cuộc đời của nhận vật mồ côi cha mẹ từ bé, lớn lên trong sự nâng niu, chiều chuộng hết mực của ba người chị. Lạc lõng trong thế giới phụ nữ, nhân vật này khó tránh khỏi những ảnh hưởng giới tính. Thương em, ba người chị đã tìm mọi cách để giúp em trai xua đuổi “tâm ma” trong lý trí, kể cả hy sinh thuần phong mỹ tục giữa chị em ruột hay cầu cạnh sự hỗ trợ từ một cô gái điếm. Song, ý đồ thì hay nhưng êkip làm phim không chuyển tải được ý đồ đó cũng như cách thể hiện là khá tệ.

Và những tác phẩm về hình ảnh đúng đắn nhất của người đồng tính còn quá ít so với một rừng những bộ phim nhan nhản hình ảnh người đồng tính méo mó.

Đã có nhiều lời phản ứng của giới đồng tính sau các phim “chỉ điểm” giới tính của mình nhưng xây dựng hình ảnh nhân vật một cách phiến diện, phảm cảm. Và việc êkip của “Tèo em” chính thức lên tiếng nhận lỗi và xin lỗi người đồng tính về sự vô ý của mình được xem là chưa có tiền lệ. Và từ đây cho thấy, người đồng tính cần mạnh dạn lên tiếng hơn nữa với những nhà làm phim khi họ cố tình đưa những hình ảnh đồng tính méo mó, lệch lạc vào phim để câu khách.

Còn phía các nhà làm phim, thay vì cố xây dựng một con người đồng tính đầy màu sắc phiến diện để chọc cười thì nên tư duy làm thế nào để xây dựng hình ảnh con người họ một cách toàn diện, sâu sắc và nhân văn. Sẽ chẳng có gì có thể gọi là nghệ thuật khi một tác phẩm lại đi bêu xấu hình ảnh người khác!

Lê Vân