TP HCM tạo "luồng xanh" đường thủy, dùng tàu cao tốc chở nhu yếu phẩm
![]() |
Tàu cao tốc hoạt động trên sông Sài Gòn (ảnh: TTO) |
Theo đó, Sở GTVT TP HCM đang phối hợp với Cục Đường thủy nội địa và Cục Đăng kiểm để thống nhất phương án chở hàng hóa nhu yếu phẩm vào TP HCM bằng các loại tàu du lịch cao tốc trên sông.
Đồng thời, Sở GTVT TP HCM sẽ tạo “luồng xanh” đường thủy, tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi của miền Nam, để tăng năng lực vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Nam và TP HCM, đảm bảo vận chuyển hàng hóa nhanh chóng, thông suốt, hạn chế tiếp xúc. Tàu du lịch đang không hoạt động do ảnh hưởng dịch sẽ được tận dụng để chở các loại thực phẩm, rau củ quả.
Nhất trí với đề xuất của TP HCM, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Cục Đường thủy nội địa và Cục Đăng kiểm phối hợp, lập phương án và khẩn trương cấp phép hoạt động. Hàng hóa được chở bằng tàu cao tốc đang tạm dừng phục vụ khách du lịch sẽ được lưu thông nhanh chóng, thông suốt, hạn chế tiếp xúc.
Đối với vận tải đường bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho biết đến nay tất cả các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đều đã lập chốt kiểm soát dịch Covid-19. Riêng các quốc lộ có 72 chốt được lập tại các vị trí giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố.
Vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh đến TP HCM cơ bản thông suốt trong ngày 16/7. Chỉ tại chốt kiểm soát quốc lộ 14 ùn tắc cục bộ theo hướng từ Đắk Nông về Bình Phước do lái xe không có giấy xét nghiệm, xe phải quay đầu.
Theo Sở Giao thông vận tải TP HCM, đến 15h ngày 16/7, cơ quan này đã cấp thẻ nhận diện phương tiện cho 3.167 xe vận tải. Lũy kế đến thời điểm báo cáo đã cấp được cho 32.700 xe cho 55 đơn vị vận chuyển hàng hóa đi, đến TP HCM. Một số ít địa phương đã chủ động cấp giấy thông hành cho doanh nghiệp và xe chở hàng có nhu cầu. Tuy nhiên do chưa có phần mềm nên số lượng cấp còn hạn chế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết Tổng cục đang phối hợp với đơn vị công nghệ nghiên cứu, xây dựng và tổ chức vận hành phần mềm đăng ký hoạt động trên "luồng xanh" cho xe chở hàng tải hàng hóa trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Dự kiến ngày 19/7 sẽ triển khai áp dụng phần mềm tại 63 Sở Giao thông vận tải và các doanh nghiệp vận tải để thực hiện đăng ký, cấp trực tuyến thẻ nhận diện phương tiện chở hàng, hành khách hoạt động trên các "luồng xanh".
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự chủ động lên phương án tổ chức "luồng xanh" nên khi áp dụng giãn cách xã hội đã gây khó khăn, bị động trong việc điều tiết, tổ chức vận chuyển hàng hóa.
Để hạn chế gián đoạn lưu thông, thiếu hàng hóa, thực phẩm thiết yếu, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại các tỉnh đã thực hiện Chỉ thị 16 và có thể mở rộng trong thời gian tới, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các địa phương phải chủ động lên phương án tổ chức "luồng xanh" hàng hóa của tỉnh, rà soát lại tất cả chốt trên luồng xanh; xem xét chỉ tổ chức các chốt trên tuyến đường nội tỉnh thay vì ở quốc lộ.
Bộ trưởng GTVT cũng đề nghị địa phương xem xét cho các phương tiện đã được cấp QR code (thẻ luồng xanh dán trên kính xe) được lưu thông mà không cần kiểm tra bắt buộc, có thể kiểm tra ngẫu nhiên. Khi lực lượng kiểm tra phát hiện lái xe không có giấy xét nghiệm hoặc giấy xét nghiệm hết hiệu lực thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
T.H
-
Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Thiết lập cơ chế hỗ trợ và giám sát rõ ràng
-
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, tránh chồng chéo trong lập quy hoạch
-
Tạo hành lang pháp lý, cơ chế ưu đãi thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số
-
[VIDEO] Tăng cường hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga
-
Đại biểu Quốc hội đề nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng