Tổng thống Ukraine đến thăm Mỹ có ý nghĩa gì?

08:03 | 23/12/2022

765 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vào hôm 21/12, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gặp nhau tại Washington. Cuộc gặp này biểu hiện cho một đỉnh cao trong mối quan hệ giữa Ukraine và đồng minh quan trọng nhất của họ, cũng như làm nổi bật một mối quan hệ đã được củng cố nhờ cuộc chiến Nga – Ukraine. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai nước không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ.
Tổng thống Ukraine đến thăm Mỹ có ý nghĩa gì?
Tổng thống Mỹ Joe Biden chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng, ở Washington, DC vào ngày 21 tháng 12 năm 2022

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Volodymyr Zelenskiy rời đất Ukraine kể từ khi nổ ra cuộc chiến tranh vào tháng 2/2022. Theo đó, chuyến thăm sẽ bao gồm một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng, một chuyến thăm đến Quốc hội Mỹ và một lời hứa của Mỹ về việc cung cấp thêm vũ khí cho Kyiv. Như vậy, chuyến đi này là một hành động nhấn mạnh niềm tin giữa hai nước.

Tuy nhiên, đây là một mối quan hệ không tránh có chút phần bất bênh, dù rằng Mỹ đã tích cực hỗ trợ về mặt ngoại giao và quân sự cho Ukraine, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự trên đất Ukraine.

Ông Richard Gowan - giám đốc về Liên Hợp Quốc của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) cho biết: “Trong thời chiến, xung đột là điều không thể tránh khỏi, ngay cả giữa những đồng minh thân thiết. Mỹ và Anh đã có những bất đồng lớn về cách tham chiến trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng vài mối xích mích hàng ngày có thể che khuất được việc Mỹ đã giúp Ukraine nhiều đến độ nào”.

Thật vậy, căng thẳng giữa những nhà lãnh đạo đã bị bộc lộ vào một số thời điểm quan trọng trong năm 2022.

Căng thẳng mới nhất xuất hiện vào tháng 11/2022, khi Tổng thống Joe Biden đã bác bỏ bình luận của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy về những tên lửa rơi xuống Ba Lan. Theo đó, Tổng thống Ukraine từng nói rằng tên lửa không xuất phát từ Ukraine, nhưng ông Joe Biden thẳng thừng phản bác với những phóng viên: “Đó không phải là bằng chứng”.

Và vào tháng 1/2022, Mỹ đã cảnh báo đến Ukraine rằng Moscow đang huy động hàng chục nghìn quân để mở chiến sự. Thế nhưng, ông Volodymyr Zelenskiy lại cáo buộc Washington và cánh phương tiện truyền thông đã có hành động gây hoảng loạn, nhằm góp phần đè nặng thêm nền kinh tế của nước họ trong những ngày “không hề có xe tăng trên đường phố”.

Một tháng sau, Nga đưa quân vào Ukraine. Kể từ đó, những cường quốc phương Tây đã tăng cường cung cấp vũ khí và viện trợ cho Ukraine, tiếp nhận hàng triệu người tị nạn và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga. Nhưng ông Volodymyr Zelenskiy thì muốn nhiều hơn nữa, bao gồm cả việc kêu gọi NATO thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine. Tuy nhiên, vào tháng 3/2022, NATO đã từ chối yêu cầu này.

Vào thời điểm đó, ông Volodymyr Zelenskiy đã nhận xét: “NATO đã có một hội nghị thượng đỉnh, nhưng là một hội nghị thượng đỉnh yếu kém, một hội nghị thượng đỉnh rối bời, một hội nghị thượng đỉnh không hề đặt cuộc chiến giành tự do của châu Âu lên làm hàng đầu”.

Nhưng rồi vào tháng 6/2022, Tổng thống Ukraine lại ca ngợi hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Madrid – một sự kiện mở đường cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Nhưng ông cũng yêu cầu NATO hỗ trợ quân sự nhiều hơn và thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với Nga. Ông nói: “Chúng tôi cần sự đảm bảo an ninh, và NATO phải tìm cho Ukraine một chỗ đứng trong vùng an ninh chung”.

Tư cách thành viên NATO của Ukraine vốn là một vấn đề lâu dài và đầy tranh cãi. Ông Volodymyr Zelenskiy đã thúc ép liên minh quân sự này kết nạp đất nước của mình vào nhóm. Chưa kể, vào năm 2008, khi ông Joe Biden từng là Phó Tổng thống dưới thời ông Barack Obama, NATO đã có lời hứa với Ukraine rằng, sớm muộn gì quốc gia này cũng sẽ có cơ hội gia nhập.

Tuy nhiên, liên minh vẫn chưa có động thái nào về việc phê duyệt cho Ukraine. Vào tháng 11, NATO đã khẳng định vẫn giữ lời hứa của năm 2008, nhưng một lần nữa, họ không đưa điều kiện hoặc thời gian biểu cụ thể.

“Vui lòng cho thêm vũ khí!”

Mỹ đã viện trợ cho Ukraine 19,3 tỷ USD về mặt quân sự trong cuộc chiến Nga - Ukraine. Vào hôm 21/12, Tổng thống Joe Biden công bố một khoản viện trợ quân sự mới có trị giá gần 2 tỷ USD, bao gồm cả dàn tên lửa Patriot - một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Mỹ và là hệ thống trang bị thường bị thiếu hụt nhất bởi sự tranh giành từ phía rất nhiều đồng minh trên khắp thế giới.

Ông Volodymyr Zelenskiy muốn nhiều hơn nữa, nhưng ông cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với những gì Ukraine đã nhận được từ Washington.

Ông Mykhailo Podolyak - Cố vấn chính trị của Tổng thống Ukraine cho biết, việc ông Volodymyr Zelenskiy thực hiện chuyến thăm tới Mỹ đã tạo cho Ukraine một cơ hội để giải thích tình hình thực tế ở đất nước này, những loại vũ khí mà Kiev cần để chống lại Nga - cụ thể là xe bọc thép, hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất và tên lửa tầm xa, cũng như lý do họ cần chúng.

Ngoài ra, ông Daniel Fried - cựu đại sứ Mỹ tại Ba Lan kiêm thành viên Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, chuyến thăm này cũng nhấn mạnh niềm tin của ông Joe Biden và ông Volodymyr Zelenskiy - rằng Mỹ vẫn là nhà lãnh đạo của thế giới tự do.

Thật vậy, ông Daniel Fried đã phát biểu: “Tổng thống Ukraine không đến Berlin, Brussels, London hay Paris. Dĩ nhiên ông ấy đang tìm kiếm nhiều viện trợ hơn, dĩ nhiên ông ấy đang tìm kiếm nhiều vũ khí hơn và dĩ nhiên, đôi khi ông ấy cũng vô tình chọc giận Joe Biden vì đã tìm kiếm quá nhiều. Song ông Volodymyr Zelenskiy biết rằng, nước Mỹ tạo ra được sự khác biệt”.

Một năm nhìn lại và bài học tự chủ  an ninh năng lượngMột năm nhìn lại và bài học tự chủ an ninh năng lượng
"Vũ khí bí mật" của Ukraine ở Kherson
Những vụ tấn công bí ẩn nhằm vào hệ thống cầu đường chiến lược của NgaNhững vụ tấn công bí ẩn nhằm vào hệ thống cầu đường chiến lược của Nga

Ngọc Duyên

AFP