Tổng thống Philippines nêu phán quyết Biển Đông, ông Tập Cận Bình thẳng thừng bác bỏ

09:27 | 30/08/2019

3,258 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nêu phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, song nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ.
Tổng thống Philippines nêu phán quyết Biển Đông, ông Tập Cận Bình thẳng thừng bác bỏ
Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp Tổng thống Duterte tại Bắc Kinh ngày 29/8 (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Philippines)

“Tổng thống Duterte đã kiên định trong việc đề cập với Chủ tịch Tập Cận Bình những quan ngại liên quan tới tuyên bố chủ quyền của Philippines tại Biển Đông, bao gồm phán quyết của tòa trọng tài thường trực ở Hague. Ông (Duterte) nói rằng phán quyết của tòa là phán quyết cuối cùng, mang tính ràng buộc và không kháng cáo”, hãng tin ABS-CBN dẫn lời ông Salvador Panelo, người phát ngôn của tổng thống Philippines, ngày 29/8 cho biết.

“Đáp lại, Chủ tịch Tập một lần nữa khẳng định lập trường của chính phủ ông ấy về việc không công nhận phán quyết của tòa và cũng không thay đổi lập trường của Trung Quốc”, ông Panelo cho biết thêm.

Phán quyết của tòa trọng tài thường trực được công bố hồi năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng không công nhận phán quyết này.

“Cả Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình đều nhất trí rằng, mặc dù lập trường khác biệt giữa hai nước vẫn tồn tại, song không nên để cho sự khác biệt đó làm chệch hướng hay suy giảm tình hữu nghị giữa hai nước. Cả hai nhà lãnh đạo cùng có chung quan điểm rằng vấn đề mâu thuẫn (tại Biển Đông) không phải là tất cả trong quan hệ song phương Trung Quốc - Philippines”, người phát ngôn tổng thống Philippines cho biết.

Tổng thống Duterte đang có chuyến thăm kéo dài 5 ngày tới Trung Quốc. Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp tại Bắc Kinh và trao đổi về nhiều vấn đề trong quan hệ song phương, bao gồm vấn đề Biển Đông.

Mặc dù không công nhận phán quyết Biển Đông, song ông Tập Cận Bình đồng ý xây dựng một bộ quy tắc ứng xử để giải quyết xung đột tại vùng biển này. Ông Tập cho rằng bộ quy tắc ứng xử là cách hiệu quả để giải quyết vấn đề Biển Đông, đồng thời kêu gọi Trung Quốc - Philippines bỏ qua bất đồng và sự can thiệp từ bên ngoài để tập trung vào việc hợp tác cũng như thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Duterte cũng đề cập tới khả năng hợp tác giữa hai nước trong dự án khai thác dầu khí chung tại Biển Đông. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc cần có những bước tiến xa hơn trong hoạt động khai thác chung tài nguyên dầu khí tại vùng biển này.

Theo ChinaDaily, hai nước hôm qua thông báo thành lập một ủy ban điều phối chung liên chính phủ và một nhóm làm việc liên doanh nghiệp để cùng triển khai dự án khai thác dầu khí chung trên Biển Đông. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, Tổng thống Duterte ủng hộ việc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông thông qua hợp tác, thay vì đối đầu.

Theo người phát ngôn Panelo, Trung Quốc đã nhận trách nhiệm trong vụ đâm chìm tàu cá Philippines tại Biển Đông khiến 22 ngư dân Philippines gặp nạn. Về phần mình, Tổng thống Duterte “trân trọng sự sẵn lòng của Trung Quốc trong việc bồi thường” cho các ngư dân Philippines.

Nhân chuyến thăm của Tổng thống Duterte, Trung Quốc và Philippines cũng ký 6 thỏa thuận trong các lĩnh vực gồm hải quan, giáo dục, khoa học công nghệ, kinh tế và phát triển xã hội. Ông Tập Cận Bình kêu gọi hai nước đẩy mạnh sự phối hợp giữa Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc và Chương trình Xây dựng của Philippines để thực hiện các dự án về cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, viễn thông và năng lượng.

Đây là chuyến thăm thứ 5 của Tổng thống Duterte tới Trung Quốc kể từ khi ông nhận nhiệm sở hồi năm 2016. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines và cũng là nước nhập khẩu hàng đầu các hàng hóa của Philippines.

Theo Dân trí

Nhiều nước lo ngại tình hình Biển Đông
Tàu Trung Quốc đang cản phá hoạt động chấp pháp của Cảnh sát biển Việt Nam
Quan chức Philippines: Trung Quốc tạo lịch sử giả của thiên niên kỷ về Biển Đông
“Trung Quốc muốn được tôn trọng thì phải biết tôn trọng nước khác”
Ý đồ của Trung Quốc khi đưa tàu khảo sát quay lại vùng biển Việt Nam
Bài 3: Đổi trắng thay đen và những bước đi nguy hiểm
Bài 2: Án ngữ “trái tim” Đông Nam Á, chiếm nguồn dầu khí Biển Đông
Bài 1: Biến không tranh chấp thành tranh chấp và mưu đồ “chẹn họng” Việt Nam