Tổng Bí thư chia sẻ việc đồng thời làm Chủ tịch nước giữa nhiệm kỳ

13:04 | 24/03/2021

284 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Báo cáo Quốc hội về nhiệm kỳ công tác Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập, tháng 10/2018, ông nhận thêm trọng trách người đứng đầu Nhà nước khi vị trí này đã phải bỏ trống hơn 1 tháng.

Sáng 24/3/2021, tại phiên khai mạc kỳ họp 11 - kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng báo cáo Quốc hội về nhiệm kỳ công tác của Chủ tịch nước (2016 - 2021).

Tổng Bí thư chia sẻ việc đồng thời làm Chủ tịch nước giữa nhiệm kỳ - 1
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng báo cáo tổng kết nhiệm kỳ trên cương vị Chủ tịch nước tại Quốc hội sáng 24/3/2021 (ảnh: Tiến Tuấn).

Chủ tịch nước đề cập, nhiệm kỳ 2016 - 2021 là nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước. Ngày 21/9/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phải tạm giữ Quyền Chủ tịch nước từ ngày 23/9/2018 - 23/10/2018.

Ngày 23/10/2018, tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận định, trên cương vị được cả Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, Chủ tịch nước đã cố gắng thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đồng thời đảm bảo những công tác mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vào thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và nghị quyết của Quốc hội.

"Kể chi tiết ra thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn là Chủ tịch UB Quốc phòng và an ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang, là Trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và đồng thời là đại biểu Quốc hội nên phải kiêm nhiệm nhiều việc. Vấn đề này cũng có ảnh hưởng tới công tác của Chủ tịch nước" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ.

Trước Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ, dù sức khỏe không được tốt, ông cũng đã cố gắng để công việc Chủ tịch nước không bị gián đoạn. Cụ thể, nhiều thời điểm, Chủ tịch nước đã ủy quyền cho Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hoặc phân chia, giao việc cho các cơ quan cùng hỗ trợ, thực hiện nhiệm vụ.

"Thời gian qua, kể cả lúc công việc dồn dập, khó khăn, như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khi thiên tai, bão lũ dồn dập ập xuống các tỉnh miền Trung, chúng tôi cũng vẫn cố gắng thu xếp để đảm bảo thực hiện trọng trách" - người lãnh đạo đứng đầu Đảng, Nhà nước chia sẻ.

Ông kể, "căng" nhất là thời điểm chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, khi "không biết bao nhiêu công việc" phải giải quyết cùng lúc, về xây dựng văn kiện, về công tác nhân sự, về cách thức tổ chức, làm việc của Đại hội…

"Nhưng rất may, các công việc sau chót đều thuận lợi, suôn sẻ. Không biết đây có phải là nhận định chủ quan không nhưng nhiều anh em cùng phản ánh với tôi, nêu nhận định, đánh giá như vậy" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khái quát.

Miễn nhiệm Chủ tịch nước ngày 2/4

Tổng Bí thư chia sẻ việc đồng thời làm Chủ tịch nước giữa nhiệm kỳ - 2
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội bầu giữ chức vụ người đứng đầu Nhà nước hồi tháng 10/2018 (ảnh: Tiến Tuấn).

Báo cáo những kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ người đứng đầu Nhà nước về đối nội và đối ngoại, Chủ tịch nước nhấn mạnh về cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chỉ đạo hoạt động cải cách tư pháp, làm tâm điểm đoàn kết dân tộc…

Trong lĩnh vực đối ngoại, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay, trên cương vị là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch nước đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước ta đi thăm 19 quốc gia trên thế giới; đón tiếp, hội đàm với 26 đoàn nguyên thủ quốc gia thăm Việt Nam; dự 3 hội nghị quốc tế và chủ trì 11 hội nghị quốc tế lớn tổ chức tại Việt Nam (APEC 2017).

Phó Chủ tịch nước đã thăm chính thức 10 quốc gia; đón tiếp, hội đàm với các đoàn phó nguyên thủ quốc gia; dự 8 hội nghị quốc tế quan trọng được tổ chức ở nước ngoài.

Phần đánh giá khái quát về nhiệm kỳ công tác, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá, mặc dù nhiệm kỳ có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước và đặc biệt, từ cuối năm 2018, với trọng trách Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, trong mọi thời điểm, Chủ tịch nước đều nỗ lực thực hiện đầy đủ và có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân.

Bên cạnh đó, trong công tác và sinh hoạt luôn phấn đấu thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm, toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, khẳng định vị thế của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thừa nhận, vẫn còn một số hạn chế như việc chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cải cách tư pháp còn chậm.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Chủ tịch nước quyết định ký kết các điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước về ODA mang tính hình thức vì không quản lý trực tiếp, ít nắm được cụ thể tình hình quản lý, sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA.

Theo chương trình kỳ họp 11 đã được thông qua tại phiên họp trù bị sáng nay, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chiều ngày 2/4/2021.

Sáng 5/4, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước mới. Tân Chủ tịch nước thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức ngay sau đó. Người được giới thiệu để bầu tân Chủ tịch nước dự kiến là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc