Tội phạm có tổ chức – Nỗi bất an của xã hội (phần 3)

13:00 | 16/02/2019

2,585 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vụ án băng nhóm của Khánh "trắng" vẫn là một cái mốc quan trọng đánh giá sự tiến hóa nguy hiểm của tội phạm có tổ chức ở Việt Nam, từ chỗ hoạt động theo kiểu các ổ nhóm nhỏ lẻ bắt đầu liên kết với nhau thành những băng nhóm tội phạm quy mô lớn, có tổ chức chặt chẽ với các hoạt động bảo kê, móc nối theo kiểu xã hội đen, đâm thuê chém mướn và đòi nợ thuê.

- Giai đoạn 4: Lũng đoạn (mafia)

Có rất ít các băng nhóm tội phạm có thể vượt qua giai đoạn 3 để trở thành một băng nhóm tội phạm hùng mạnh (hay còn gọi là mafia). Các đối tượng cầm đầu tiếp tục củng cố và mở rộng các mối quan hệ với những người có quyền lực ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, lập pháp; thâm nhập vào cơ quan chính quyền của địa phương và trung ương. Do đó, chúng dễ dàng giành được những hợp đồng kinh tế lớn, các dự án bất động sản, khai thác tài nguyên...

Lợi nhuận thu được từ các hoạt động này được chia sẻ cho những người vị trí trong bộ máy nhà nước đã trợ giúp chúng. Ngược lại, những người này có trách nhiệm giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho chúng hoạt động, bảo đảm sự an toàn theo quy định của pháp luật. Vì vậy, nếu chẳng may bị đổ bể thì họ sẽ giúp đỡ để gỡ tội cho chúng hoặc giảm nhẹ tội cho các thành viên.

Với phương thức tồn tại và hoạt động như thế, tổ chức tội phạm tiếp tục lớn mạnh một cách vững chắc, rất khó bị phá vỡ. Qua 4 giai đoạn phát triển đã cho thấy, các băng nhóm tội phạm không đủ ranh ma, bản lĩnh sẽ từng bước bị loại dần ra khỏi vòng xoáy của thế giới tội phạm để nhường chỗ cho những băng nhóm cứng cáp nhất và đủ sự khôn khéo.

Theo thời gian băng nhóm tội phạm nào tồn tại được sẽ trở nên hùng mạnh hơn, hoàn thiện hơn về mặt tổ chức và phương thức hoạt động. Điều đó cho thấy để triệt phá được một tổ chức tội phạm như vậy là một thách thức không nhỏ với các cơ quan pháp luật. Điển hình cho tội phạm loại này là băng nhóm của Trương Văn Cam:

Quá trình hình thành và phát triển tổ chức tội phạm theo kiểu "xã hội đen" do Trương Văn Cam (SN 1947) cầm đầu đã được phanh phui và phơi bày trước ánh sáng. Trương Văn Cam là một trùm tội phạm có tổ chức khét tiếng ở Việt Nam. Năm Cam là bị cáo chính trong Vụ án Năm Cam và đồng bọn(chuyên án Z5.01) nổi tiếng Việt Nam. Năm Cam là đối tượng hình sự đặc biệt nguy hiểm liên tục gây ra nhiều tội ác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành trong nước trong một thời gian dài với nhiều hành vi dã man, tàn bạo; thủ đoạn trắng trợn, thâm độc gây nên phẫn nộ lớn trong dư luận dân cư.

toi pham co to chuc noi bat an cua xa hoi phan 3

Năm Cam – trùm xã hội đen khét tiếng ở Việt Nam (ngoài cùng bên trái)

Ngày 25-2-2003, tại Thành phố Hồ Chí Minh, phiên tòa xét xử Vụ án Năm Cam và đồng phạm khai mạc. Chuyên án Z5.01 là vụ án về tội phạm có tổ chức đặc biệt, có tính đặc thù, đây là một vụ án lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa phương. vụ án đã có quyết định triệu tập có mặt tại phiên tòa: 39 bị hại; 3 phiên dịch cùng 155 bị can với 24 tội danh khác nhau phải ra trước vành móng ngựa cùng với 238 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đó, 107 bị can đang tạm giam; 48 bị can tại ngoại. Trong số 155 bị can có 21 người nguyên là cán bộ công chức nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật (13 cán bộ công an, ba cán bộ Viện kiểm sát và 5 cán bộ cơ quan hành chính); 17 đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (đã khai trừ khỏi Đảng: 10, đình chỉ sinh hoạt Đảng: 6).

Thời gian xét xử vụ án từ ngày 25 tháng 2 năm 2003 đến ngày 5 tháng 6 năm 2003, phiên tòa kéo dài 57 ngày không kể thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ, từ 8 giờ 00 đến 17 giờ 00 hằng ngày. Tháng 10 năm 2003, Năm Cam bị tòa tuyên án, đến 3-6 -2004 Năm Cam bị thi hành án tử hình.

Bên cạnh việc xét xử vụ Năm Cam, tòa còn xét xử 11 vụ án có liên quan khác, bao gồm: Vụ án giết hại Dung Hà và vụ tạt axit Lê Ngọc Lâm; Vụ đánh bạc tại quận 5, quận 3, quận 8; Vụ đưa và nhận hối lộ tại quận 8; Vụ đánh bạc của Trương Hiền Bảo; Các vụ đánh bạc khác; Vụ đưa và nhận hối lộ các năm 1995–2001; Vụ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chừc vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vụ giết người của Châu Phát Lai Em và Châu Phát Lai Út Người liên quan: 6 bị cáo, 4 luật sư, 22 bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan; Vụ cưỡng đoạt tài sản; Các vụ cho vay lãi nặng; Vụ giết Phan Lê Sơn, Hồ Quốc Hưng.

Nếu như hoạt động dạng ‘xã hội đen” ở phía Bắc điển hình là băng Khánh “trắng” thì ở phía Nam là băng đảng của Năm Cam. Hai băng đảng này làm lũng loạn xã hội lúc bấy giờ bị lực lượng chức năng triệt phá. Giai đoạn về sau này còn có rất nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức khác như: băng Hải Phòng, Nam Định, Nghệ an…tuy không là những băng lớn như Khánh “trắng”, Năm Cam, nhưng chúng hoạt động rất manh động và chém người không ghê tay gây bất an cho xã hội. Để phòng tránh tội phạm có tổ chức chúng ta phải làm tốt công tác phòng ngừa.

(còn tiếp)

Thiên Phú