Tình hình Venezuela hiện nay ra sao?

07:05 | 07/03/2018

5,392 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo Tập đoàn Dầu mỏ BP, tính đến cuối năm 2016, Venezuela vẫn còn là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ đã được thăm dò và xác thực lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vào tháng 11-2017, quốc gia này đã bị tuyên bố vỡ nợ. Leonardo Vivas, Giáo sư Đại học Northeasterne tại Boston sẽ giúp chúng ta hiểu được vì sao Venezuela đang phải trải qua cuộc khủng hoảng lớn như hiện nay.

PV: Làm thế nào mà một quốc gia với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới lại bị tuyên bố vỡ nợ?

Leonardo Vivas: Trong năm 2014 và 2015, việc giá dầu giảm xuống dưới 40USD/thùng đã gây ảnh hưởng xấu đến Venezuela, nhưng đây không phải là lý do duy nhất của cuộc khủng hoảng này, vì hiện tại giá dầu thô đã tăng lên khoảng 60USD/thùng. Chính sách của chính quyền Caracas cũng là nguyên nhân làm tăng các khoản nợ cho quốc gia và Công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA, mặc dù trong hơn 50 năm qua, tiền bán dầu là nguồi thu chính cho quốc gia này. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Venezuela gần đây, một phần do giá xăng dầu giảm, đã tạo thêm nhiều khó khăn cho quốc gia này trong việc giải quyết các khoản nợ trên.

tinh hinh venezuela hien nay ra sao
Một tác phẩm điêu khắc bên ngoài trụ sở PDVSA ở Caracas

Do sự giảm mạnh lượng hàng nhập khẩu, nên hiện nay Venezuela đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn lương thực và thuốc men rất nghiêm trọng. Trước đó, chính phủ vẫn có thể kiểm soát được tình hình, dù đa số người dân Venezuela phải sống trong điều kiện rất khó khăn. Nhưng khi giá xăng dầu bắt đầu sụt giảm đến mức thấp lịch sử thì Venezuela đã mất đi khả năng thanh toán các khoản nợ của mình.

Cho đến tận năm 2016, nhờ vào sự hỗ trợ của Nga và Trung Quốc, Venezuela đã thoát khỏi tình trạng phải tuyên bố vỡ nợ. Nhưng vào năm 2017, Venezuela đã trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử. Hơn thế nữa, Mỹ cũng áp dụng các lệnh trừng phạt lên Venezuela, bằng cách nghiêm cấm hàng loạt các giao dịch tài chính của chính phủ và Công ty PDVSA. Sự giảm sản lượng dầu mỏ và mất khả năng thanh toán nợ như hiện nay đã đẩy quốc gia này vào tình trạng khủng hoảng.

PV: Ông giải thích như thế nào về tình trạng suy giảm sản lượng dầu mỏ tại Venezuela?

Leonardo Vivas: Chính phủ và một số nước đồng minh của Venezuela cho rằng, các vấn đề của ngành công nghiệp dầu khí Venezuela hiện nay là do giá dầu giảm. Tại Venezuela, dưới thời cố Tổng thống Hugo Chavez, PDVSA là một trong các công ty dầu khí lớn nhất thế giới. Nhưng trong năm 2017, công ty này đã bị “hạ bệ” do gặp khó khăn trong vấn đề về quản lý. Họ đã phải sa thải gần 18.000 cán bộ và nhân công vào đầu năm 2018.

Trước đây, khi thấy công ty làm ăn hiệu quả, Chính phủ Venezuela quyết định PDVSA phải đảm nhận cả các chương trình xã hội, đồng thời trợ cấp cho các chương trình phân phối lương thực, thực phẩm và các chương trình khác, nhất là thuốc men. Khi giá dầu ở mức cao, tình hình này không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của PDVSA.

Vào năm 2012, mọi thứ bắt đầu vượt khỏi tầm kiểm soát, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại nhà máy lọc dầu lớn nhất của PDVSA (tại Amuay). Đây là dấu hiệu cho thấy sự suy thoái trong nội bộ ngành dầu khí tại quốc gia này. Và dĩ nhiên điều này đã gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất dầu khí của Venezuela, nhất là khi nhiều mỏ dầu tại Venezuela hiện đã quá cũ và lạc hậu, cần rất nhiều vốn đầu tư để có thể duy trì mức sinh lợi.

Bắt đầu từ năm 2015, đã có sự sụt giảm đáng kể trong việc khai thác dầu mỏ, gây ảnh hưởng xấu đến việc xuất khẩu xăng dầu của Venezuela. Trong năm 2017, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính lên Venezuela và công ty dầu khí quốc gia PDVSA, vì vậy họ đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn đầu tư mới. Hậu quả là sản lượng dầu của PDVSA đã sụt giảm khoảng 100.000 thùng mỗi tháng. Theo ước tính, sản lượng dầu của Venezuela trong tháng 12-2017 chỉ còn khoảng 1,3 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong 40-50 năm qua.

PV: Liệu quốc gia này còn tiếp tục trợ giá các sản phẩm năng lượng cho người dân?

Leonardo Vivas: Vấn đề tài chính của Venezuela hiện nay như một chiếc hộp đen. Trong hơn 5 năm qua, quốc gia này đã không thể không cung cấp được những thông tin về các thay đổi trong nền kinh tế của mình. Trong khi đây lại là điều kiện tiên quyết để thương thảo các khoản vay với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.

Năm 2017, Venezuela đã trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử. Sự suy giảm sản lượng dầu mỏ và mất khả năng thanh toán nợ đã đẩy quốc gia này vào tình trạng khủng hoảng.

Hiện nay, 1 gallon dầu tại Venezuela có giá khoảng 38 cent (1 gallon tương đương khoảng 3,8 lít), sau đợt điều chỉnh lớn về giá xăng dầu trong năm 2016. PDVSA đã bị buộc phải nhập khẩu khoảng 100.000-150.000 thùng/ngày để cung ứng cho thị trường xăng dầu nội địa.

Ngoài ra, các khoản trợ cấp khổng lồ dành do lương thực, thực phẩm cũng giảm đi, vì thực tế phần lớn thực phẩm được tiêu thụ tại quốc gia này đều là hàng nhập khẩu. Tình trạng nhập khẩu lương thực này đã kéo dài khá lâu và tồn tại rất nhiều vấn đề mãi cho đến tận đầu năm 2017 và gây ra tình trạng siêu lạm phát tàn phá đất nước như hiện nay.

Vấn đề chính hiện nay của quốc gia này là việc chính phủ đã bác bỏ tất cả các chương trình cải cách kinh tế. Các biện pháp để kiểm soát giá cũng bị hủy bỏ do tình trạng siêu lạm phát. Vào tháng 1-2018, Chính phủ Caracas đã buộc một số điểm phân phối phải điều chỉnh giá cả trở lại như hồi giữa tháng 12-2017, điều này lại càng làm lượng cung hàng hóa thêm khan hiếm.

Việc tạo ra đồng tiền ảo tại quốc gia dầu mỏ là một sự mạo hiểm. Đồng tiền ảo này không phải là một loại tiền mã hóa theo đúng nghĩa như Bitcoin, vì nó dựa trên nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia. Không thể lưu hành loại tiền tệ mới này khi mà nền sản xuất đang suy sụp.

PV: Ngoài xăng dầu, Venezuela còn những nguồn tài nguyên khác nào?

Leonardo Vivas: Venezuela là một quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên. Vào cuối thế kỷ XX, quốc gia này được xây dựng và phát triển rất tốt, tuy chậm nhưng hiệu quả, với một danh mục đầu tư đa dạng trong tất cả các ngành nghề có giá trị xuất khẩu. Các sản phẩm có thể xuất khẩu của Venezuela bao gồm thép và các phụ phẩm, công nghiệp nhôm, cacao, gạo, cà phê...

Vào năm 1998, mặc dù tỉ giá hối đoái nhìn chung khá cao, nhưng Venezuela vẫn xuất khẩu đến 15% các mặt hàng của họ để tạo ra thu nhập ngoại hối. Tuy nhiên, ngày nay các ngành nghề xuất khẩu đã bị phá hủy gần hết, nhưng Venezuela cam kết sẽ tái xây dựng lại đất nước của họ sau khi thay đổi triệt để nền kinh tế, nhờ vào các chương trình khuyến khích và hỗ trợ tài chính đáng kể từ các quốc gia khác.

PV: Xin cảm ơn ông!

S.Phương