Tin tức thế giới 8/3: Italia phong tỏa gần 16 triệu dân để ngăn chặn Covid-19

19:13 | 08/03/2020

1,375 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Italia phong tỏa gần 16 triệu dân để ngăn chặn Covid-19; Hơn 106.000 người nhiễm Covid-19 trên thế giới; Ngoại trưởng Iran chỉ trích 'chủ nghĩa khủng bố y tế' của Mỹ… là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 8/3.
tin tuc the gioi 83 italia phong toa gan 16 trieu dan de ngan chan covid 19
Italia phong tỏa gần 16 triệu dân để ngăn chặn Covid-19 từ ngày 8/3 cho đến ít nhất là ngày 3/4. Ảnh: Newsforze

Italia phong tỏa gần 16 triệu dân để ngăn chặn Covid-19

Chính phủ Italia hôm nay 8/3 quyết định phong tỏa đối với các địa phương bùng phát mạnh dịch Covid-19 do virus corona mới (SARS-CoV-2) gây ra nhằm ngăn dịch lan rộng. Cụ thể, vùng Lombardy và ít nhất 14 tỉnh, chiếm khoảng 1/4 dân số (khoảng 16 triệu dân) sẽ bị phong tỏa ít nhất là đến ngày 3/4.

Theo sắc lệnh trên, các địa phương này sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt, gần như trở thành “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, những người vi phạm quy định phong tỏa có thể bị phạt tới 3 tháng tù. Hiện Italia là một trong những điểm nóng bùng phát dịch bên ngoài Trung Quốc. Tính đến hết ngày 7/3, nước này ghi nhận tổng cộng 5.883 ca mắc Covid-19 và 233 ca tử vong.

Hơn 106.000 người nhiễm Covid-19 trên thế giới

Covid-19 xuất hiện tại 102 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 106.065 người nhiễm nCoV, trong đó 3.598 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm tại Italy và Iran tăng nhanh trong nhiều ngày. Italy ghi nhận thêm 1.247 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên 5.883, trong khi số người nhiễm tại Iran là 5.823 người, tăng 1.076 trường hợp.

Hàn Quốc đang là ổ dịch lớn thứ hai thế giới khi ghi nhận 7.041 ca nhiễm, tăng 483 trường hợp so với một ngày trước và 48 người đã tử vong. Trung Quốc thông báo ghi nhận thêm 44 ca nhiễm mới và 27 trường hợp tử vong, nâng tổng số lên 80.695 người nhiễm và 3.097 người tử vong. Đức và Pháp ghi nhận nhiều trường hợp nhiễm mới. Bulgaria, Moldova, Paraguay, Maldives và Malta ghi nhận những trường hợp dương tính với nCoV đầu tiên trong ngày 7/3.

Ngoại trưởng Iran chỉ trích 'chủ nghĩa khủng bố y tế' của Mỹ

Ngoại trưởng Iran Mahammad Javad Zarif ngày 7/3 đã chỉ trích "chủ nghĩa khủng bố y tế" của Mỹ, với mục tiêu là nhằm làm cạn kiệt tài nguyên của Iran. “Tổng thống Donald Trump đang ác ý siết chặt các lệnh cấm vận bất hợp pháp với mục tiêu nhằm làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của Iran cần cho cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, trong khi người dân của chúng tôi đang chết dần chết mòn vì nó”, ông nói.

Ông Zarrif nói thêm: “Thế giới không thể im lặng thêm nữa khi chủ nghĩa khủng bố kinh tế của Mỹ bị thay thế bằng chủ nghĩa khủng bố y tế”. Người đứng đầu văn phòng đối ngoại của Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cùng ngày cho hay số người chết do Covid-19 tại nước này đã tăng lên 145, trong khi tổng số lây nhiễm đến nay là 5.823 người. Tại Iran đã có 1.699 người khỏi bệnh.

6 người chết trong vụ sập nhà cách ly người nghi mắc Covid-19 ở Trung Quốc

Bộ Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Trung Quốc hôm nay 8/3 cho biết, lực lượng cứu hộ đã đưa gần 43 người mắc kẹt trong đống đổ nát trong vụ sập khách sạn Xinjia Express dùng để cách ly những người tiếp xúc gần bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 ở Tuyền Châu, huyện Lý Thành, tỉnh Phúc Kiến ra ngoài. Trong đó, 6 người đã tử vong, 36 người bị thương, 1 người không cần điều trị y tế. Hiện lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm 28 người.

Trước đó truyền thông địa phương đưa tin, khách sạn Xinjia Express bất ngờ đổ sập khoảng 7h30 tối qua 7/3 theo giờ địa phương. Hiện chưa rõ nguyên nhân sự cố sập tòa nhà, song giới chức năng đã mở một cuộc điều tra. Tân Hoa xã cho hay, cảnh sát địa phương đã triệu tập một người đàn ông tên Yang để điều tra vụ việc. Hãng tin này cho biết, tầng 1 của khách sạn đang nâng cấp dở dang vào thời điểm tòa nhà đổ sập.

Tiền mặt bị hắt hủi vì Covid-19

Hàng loạt quốc gia đã cách ly, khử khuẩn tiền giấy và thúc đẩy thanh toán điện tử để tránh lây lan dịch bệnh như Hàn Quốc, Trung Quốc… Từ ngày 21/2, các chi nhánh của Fed trên toàn nước Mỹ cũng đã cách ly số đôla từ châu Á trong 7-10 ngày. Họ sau đó sẽ xử lý và đưa chúng trở lại lưu thông qua các tổ chức tài chính.

Thanh toán di động và không chạm như Apple Pay, Samsung Pay và Google Pay đang là các lựa chọn thay thế tiền mặt. Nhiều doanh nghiệp cũng đã thay đổi chính sách để giảm tiếp xúc với bề mặt. Trên thực tế, thẻ tín dụng cũng không thực sự vệ sinh hơn. Vi sinh vật vẫn có thể truyền sang thẻ tín dụng khi chuyền tay và sử dụng máy quẹt thẻ. Với các giao dịch giá trị thấp, doanh nghiệp có thể giảm tiếp xúc bằng cách không yêu cầu ký khi thanh toán.

H.T (t/h)