Tin tức thế giới 15/3: Giới khoa học phản đối phương pháp “miễn dịch cộng đồng” chống Covid-19 của Anh

19:05 | 15/03/2020

860 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giới khoa học Anh phản đối phương pháp “miễn dịch cộng đồng”; Ca nhiễm không ngừng tăng nhanh, các bệnh viện ở Italia "gồng mình" đối phó Covid-19; EU cấp tiền cho người di cư hồi hương… là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 15/3.
tin tuc the gioi 153 gioi khoa hoc phan doi phuong phap mien dich cong dong chong covid 19 cua anh
Ngày 15/3, Anh xác nhận số ca nhiễm virus tăng lên 1.140. Ảnh minh họa: Sky News

Giới khoa học Anh phản đối phương pháp “miễn dịch cộng đồng”

Ông Patrick Vallance, trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh, ngày 13/3 bày tỏ hy vọng cách tiếp cận của Chính phủ Anh trong việc đối phó với virus SARS-CoV-2 sẽ tạo ra "miễn dịch cộng đồng". "Miễn dịch cộng đồng" hình thành khi một tỷ lệ lớn người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch với bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người bị nhiễm.

Ý kiến về giải pháp này, người phát ngôn WHO Margaret Harris cho rằng đến nay chưa có đủ nghiên cứu khoa học và chủng virus này xuất hiện chưa đủ lâu để có thể biết được nó tác động thế nào đến hệ miễn dịch trong cơ thể người, nên cần phải kết hợp tất cả các biện pháp, bao gồm xét nghiệm trên diện rộng. Tối 14/3, một nhóm các nhà khoa học hàng đầu của Anh đã có thư ngỏ yêu cầu chính phủ đưa ra các căn cứ khoa học, cảnh báo phản ứng chậm trễ của chính phủ và kêu gọi áp dụng các biện pháp tức thời nhằm hạn chế sự lây lan của Covid-19.

Ca nhiễm không ngừng tăng nhanh, các bệnh viện ở Italia "gồng mình" đối phó Covid-19

Tính đến cuối ngày 14/3, Italia ghi nhận hơn 1.400 người chết và hơn 21.000 ca mắc viêm phổi cấp Covid-19. Các bệnh viện ở vùng Lombardy nước này là nơi được trang bị một trong những hệ thống y tế tốt nhất thế giới nhưng đang phải đối mặt với sức ép khổng lồ khi số bệnh nhân nhiễm virus corona tiếp tục tăng mạnh.

Hệ thống y tế tại vùng Tuscany phía nam cũng bắt đầu bị quá tải do số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tăng nhanh từng ngày. Các y bác sĩ và đội ngũ nhân viên làm việc tại các bệnh viện ở Italia đều lo ngại nguy cơ bị lây nhiễm virus. Tại một bệnh viện ở vùng Puglia, 76 nhân viên y tế đã bị cách ly sau khi tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với Covid-19. Thứ trưởng Y tế Italia Pierpaolo Sileri cũng bị nhiễm virus và đang bị cách ly.

Trung Quốc ghi nhận số ca Covid-19 'ngoại nhập' cao hơn trong nước

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm nay 15/3 báo cáo thêm 20 trường hợp nhiễm mới Covid-19, trong đó 16 ca có nguồn gốc từ nước ngoài, nâng tổng số ca nhiễm có nguồn gốc từ nước ngoài lên 111. Tốc độ lây lan Covid-19 ở Trung Quốc đã giảm mạnh, song giới chức nước này lo lắng về những người trở về từ các điểm nóng khác trên thế giới như Iran và Italy.

Covid-19 xuất hiện tại 152 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 156.000 người nhiễm, hơn 5.800 người chết và hơn 75.000 người bình phục. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 13/3 tuyên bố châu Âu là tâm Covid-19 toàn cầu, trong khi Trung Quốc tuyên bố đã qua đỉnh dịch và dự đoán có thể không ghi nhận ca nhiễm mới nào vào cuối tháng.

Bất cứ ai đến Australia đều phải tự cách ly trong 14 ngày

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 15/3 tuyên bố bất cứ ai đến nước này sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Quy định này có hiệu lực từ nửa đêm 15/3 theo giờ địa phương (20h ngày 15/3 theo giờ Việt Nam).

Chính phủ Argentina ngày 14/3 cũng công bố sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã từng đến các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 trong 14 ngày qua. Tại Chile, Tổng thống nước này Sebastián Piñera đã quyết định cách ly bắt buộc trong 14 ngày đối với tất cả những người đến từ các nước được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách có “nguy cơ cao”…

EU cấp tiền cho người di cư hồi hương

Liên minh châu Âu (EU) hôm 12/3 tuyên bố sẽ chi khoảng 2.225 USD cho mỗi người di cư chấp nhận quay về nước, bao gồm cả trẻ em. Chính sách có hiệu lực trong một tháng và dành cho những người di cư đến châu Âu trước 1/1. 7 nước EU đã đồng ý tiếp nhận ít nhất 1.600 trẻ em không có người đi cùng. Chính sách này nhận được sự ủng hộ của chính phủ Hy Lạp, quốc gia đang quá tải người di cư tại các trại di trú.

Chỉ riêng trong tháng 3, hàng trăm người di cư đã đổ về các hòn đảo Hy Lạp gần Thổ Nhĩ Kỳ. Các trại di cư trên đảo ở Hy Lạp đang chứa tới 42.000 người, gấp 7 lần so với khả năng tiếp nhận được thiết lập ban đầu. Người di cư đến châu Âu chủ yếu là người Syria chạy trốn cuộc nội chiến kéo dài cùng các công dân đến từ Afghanistan, Pakistan và Tây Phi.

H.T (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc