Tin tức thế giới 13/3: Bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên tại Trung Quốc được ghi nhận từ ngày 17/11/2019
![]() |
Dịch Covid-19 có thể đã khởi phát tại Trung Quốc sớm hơn so với thông tin ban đầu. Ảnh: Reuters |
Bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên tại Trung Quốc được ghi nhận từ ngày 17/11/2019
Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, một phụ nữ 55 tuổi ở Hồ Bắc có thể là người đầu tiên mắc Covid-19 vào ngày 17/11/2019. Kể từ đó, mỗi ngày Trung Quốc phát hiện thêm từ 1-5 ca nhiễm mới. Cũng theo dữ liệu này, trong số 9 bệnh nhân ghi nhận vào tháng 11, không có người nào được xác định là "bệnh nhân số 0", do vậy giới khoa học cho rằng, dịch có thể đã khởi phát từ sớm hơn. Việc tìm ra "bệnh nhân số 0" có ý nghĩa quan trọng để xác định virus đã lây truyền sang người như thế nào.
Theo thông tin trên trang chủ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Trung Quốc được xác định vào ngày 8/12. Tuy nhiên, WHO không tự theo dõi, thu thập số liệu mà dựa vào thông tin do giới chức Trung Quốc cung cấp. Trong khi đó, báo cáo của các bác sĩ thuộc Bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán - những người điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 đầu tiên - trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet cho rằng ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại nước này được phát hiện vào 1/12/2019.
Ảnh vệ tinh cho thấy rãnh nghi là mộ tập thể của nạn nhân Covid-19 tại Iran
Theo Washington Post, ảnh vệ tinh công bố ngày 21/2 cho thấy các rãnh đất đã được đào lên tại khu Behesht-e Masoumeh ở thành phố Qom, cách thủ đô Tehran của Iran hơn 100 km. Sau đó các rãnh đất này đã lớn dần và dài hơn. Ngày 3/3, BBC Persian đăng một đoạn video có hình ảnh những người đàn ông đưa quan tài tới các rãnh đất nghĩa trang Behesht-e Masoumeh. “Đây là khu vực chôn cất nạn nhân Covid-19. Hơn 80 người đã được mai táng ở đây cho tới lúc này”, người dẫn trong đoạn video mô tả.
Iran, quốc gia 80 triệu dân, đã ghi nhận 429 người tử vong vì Covid-19 trong khi số ca nhiễm đã vượt trên 10.000. Trong số những người thiệt mạng có cả chính trị gia, nghị sĩ quốc hội. Hàng chục quan chức, bao gồm phó tổng thống, thứ trưởng y tế đã nhiễm bệnh. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Washington Post, số lượng người tử vong ở Iran có thể lớn hơn số liệu được công bố chính thức.
Covid-19: Pháp đưa loạt biện pháp mạnh mẽ, Đức họp khẩn, G7 cam kết hợp tác quốc tế chống dịch
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đang diễn biến ngày càng phức tạp, các nước châu Âu đã triển khai nhiều biện pháp đối phó mạnh mẽ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tối 12/3 tuyên bố đóng cửa tất cả các cơ sở giáo dục từ ngày 16/3 cho đến khi có thông báo mới. Pháp đã xác nhận 2.876 ca nhiễm bệnh và 61 trường hợp tử vong.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “G7 giữ mối liên lạc thường xuyên và cam kết duy trì sự hợp tác quốc tế để giải quyết những tác động của dịch Covid-19 đối với y tế và kinh tế toàn cầu”. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã triệu tập hội nghị khẩn cấp với các thủ hiến bang để tìm biện pháp đối phó với dịch Covid-19, bao gồm hạn chế đi lại, giảm thiểu giờ làm… Hết ngày 12/3, số trường hợp lây nhiễm trên toàn nước Đức đã lên tới 2.745 người và 6 ca tử vong.
10.000 người Anh có thể đã nhiễm nCoV
Giới chức Anh cho rằng số người nhiễm nCoV thực tế ở nước này có thể lên tới 10.000, cao hơn rất nhiều so với 590 ca hiện nay. Chris Whitty, giám đốc y khoa Anh, Cố vấn trưởng của chính phủ, nói nước này cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là khoảng 80% dân số nhiễm nCoV, tỷ lệ tử vong 1%, đồng nghĩa với hơn 500.000 người thiệt mạng.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói hôm 12/3: “Nó (dịch Covid-19) sẽ còn lây lan hơn nữa và tôi cần cảnh báo với các bạn, với công chúng Anh, rằng nhiều gia đình có thể sẽ mất người thân do dịch bệnh”. Thủ tướng Anh nhận định vài tuần tới có thể là giai đoạn nguy hiểm nhất của Covid-19 ở nước này, đồng thời giải thích các biện pháp "trì hoãn" trước mắt của chính phủ là nhằm tăng cường khả năng ứng phó với dịch bệnh.
Điện Kremlin giải thích vì sao ông Putin đồng ý 'xóa' nhiệm kỳ tổng thống
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 12/3 cho hay, nguyên tắc hạn chế số nhiệm kỳ của tổng thống vẫn được duy trì trong Hiến pháp và "việc miễn trừ cho tổng thống đương nhiệm chỉ mang tính sự vụ, chỉ liên quan đến tổng thống đương nhiệm…". Theo ông Peskov, vì vậy, Tổng thống Putin đã thay đổi lập trường liên quan đến việc giới hạn nhiệm kỳ của tổng thống, dù ông luôn nhấn mạnh tôn trọng quy tắc này.
Với câu hỏi có đúng là ông Putin đã thay đổi quan điểm của mình vì tình hình bên ngoài hay không, ông Peskov trả lời: "Đương nhiên, đây là một trong những yếu tố quan trọng. Chính ông Putin đã nói điều này trong bài phát biểu của mình". Trước đó, hôm 10/3, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua sửa đổi do một nghị sĩ Đảng “Nước Nga Thống nhất" đề xuất, theo đó bãi bỏ hạn chế nhiệm kỳ đối với Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Nga đã nói rằng ông ủng hộ sửa đổi như vậy.
H.T (t/h)
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025