Tin tức thế giới 12/3: Tổ chức Y tế Thế giới công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu

19:00 | 12/03/2020

1,201 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tổ chức Y tế Thế giới công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu; Số ca tử vong do Covid-19 tăng cao kỷ lục, châu Âu “báo động đỏ”; Người thứ hai được chữa khỏi HIV trên thế giới… là những tin tức thế giới đáng chú ý ngày 12/3.
tin tuc the gioi 123 to chuc y te the gioi cong bo covid 19 la dai dich toan cau
Các công nhân Tây Ban Nha đeo khẩu trang y tế lên bức tượng tại lễ hội Fallas ở Valencia. Lễ hội đã bị hủy bỏ vì sự bùng phát của virus corona. Ảnh: AP

Tổ chức Y tế Thế giới công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/3 đã quyết định công bố Covid -19 là đại dịch toàn cầu. Việc WHO coi sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 là đại dịch toàn cầu nhằm nhấn mạnh hơn nữa tới việc cần phải có phản ứng của các nước, đòi hỏi sự hợp tác ở cấp độ quốc tế trong phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sự thay đổi cách gọi không dẫn đến thay đổi bất cứ vấn đề thực tế nào của dịch bệnh hiện tại vì thế giới đã được khuyến cáo từ nhiều tuần qua rằng hãy chuẩn bị cho một đại dịch tiềm tàng.

Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta còn cho rằng WHO đã quá chậm chạp trong việc tuyên bố Covid-19 là đại dịch, khiến cho công tác phòng chống dịch của các nước trở nên phức tạp hơn. Song động thái này cho thấy rõ ràng WHO đang vận dụng mọi nỗ lực có thể để huy động cả thế giới chung tay góp sức vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 với mức độ quan tâm nhất cần thiết.

Số ca tử vong do Covid-19 tăng cao kỷ lục, châu Âu “báo động đỏ”

Theo thống kê từ Worldometers, cập nhật lúc 7h30 ngày 12/3, trên toàn thế giới đã có 4.616 ca tử vong và 126.122 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Số liệu thống kê cũng cho thấy Italy và Iran đang ở giai đoạn nghiêm trọng nhất, khi số người nhiễm mới và số ca tử vong đều tăng cao kỷ lục. Tính hết ngày 11/3, Italy ghi nhận thêm 196 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 827 và 2.313 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.462.

Trong khi đó, các nước châu Âu khác cũng đang trong tình trạng báo động. Riêng trong ngày hôm qua, Pháp đã ghi nhận 15 ca tử vong và 497 ca nhiễm mới. Các con số này ở Tây Ban Nha lần lượt là 19 và 582. Đức có thêm 1 ca tử vong và 343 ca nhiễm mới. Còn Thụy Sỹ ghi nhận 1 ca tử vong và 155 ca nhiễm mới…

Ông Trump cấm đi lại giữa Mỹ và châu Âu vì dịch Covid-19

Tổng thống Donald Trump tối 11/3 đã tuyên bố tạm cấm các hoạt động đi lại giữa Mỹ và châu Âu trong vòng 30 ngày tới, ngoại trừ Anh, nhằm ngăn dịch viêm phổi cấp Covid-19 lan rộng. “Quy định mới này sẽ có hiệu lực từ nửa đêm thứ Sáu (13/3). Quy định sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thực tế", Tổng thống Trump phát biểu.

Tổng thống Trump tuyên bố chính phủ của ông sẽ hỗ trợ tài chính khẩn cấp cho người dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ông cũng cho biết đã chỉ đạo hỗ trợ tài chính và thanh khoản cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, cũng như sẽ đề nghị quốc hội tăng ngân sách cho chương trình hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với doanh nghiệp nhỏ thêm 50 tỷ USD.

Căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq bị tấn công rocket, 3 công dân Mỹ, Anh thiệt mạng

Truyền thông Trung Đông ngày 11/3 dẫn nguồn tin từ một chỉ huy quân đội Iraq cho biết, 10 quả rocket đã nhằm trúng căn cứ quân sự Taji ở gần thủ đô Baghdad của nước này, nơi có các binh sĩ Mỹ đồn trú. Trong khi đó, Phát ngôn viên của liên minh do Mỹ dẫn đầu tại Iraq cho biết: "Liên minh @CJTFOIR xác nhận hơn 15 tên lửa nhỏ đã ảnh hưởng tới quân đội liên minh ở căn cứ Taji ở Iraq”.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, 2 công dân Mỹ và 1 công dân Anh đã thiệt mạng và nhiều người bị thương trong vụ tấn công. Đây là vụ tấn công thứ 22 nhằm vào các lợi ích quân sự của Mỹ ở Iraq kể từ tháng 10 năm ngoái. Chưa có tổ chức nào lên tiếng thừa nhận tiến hành những vụ tấn công này, song chính quyền Washington cáo buộc các nhóm vũ trang thân Iran là thủ phạm.

Người thứ hai được chữa khỏi HIV trên thế giới

Các bác sĩ ngày 11/3 cho biết bệnh nhân thứ hai trên thế giới khỏi HIV đã không còn dấu vết của bệnh suốt 30 tháng nhờ phương pháp cấy ghép tế bào gốc kể từ lúc ngừng uống thuốc kháng virus. Năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) thông báo họ không tìm thấy dấu vết của virus HIV trong máu người này trong 18 tháng. Nhà virus học Ravindra Gupta cho biết các kết quả xét nghiệm mới “thậm chí còn đáng chú ý hơn” khi một loạt vị trí mà HIV thích ẩn nấp ở người này đều âm tính với virus.

Bệnh nhân nói trên là Adam Castillejo 40 tuổi, nhiễm HIV năm 2003 và dùng thuốc để kiểm soát bệnh từ năm 2012. Cuối năm đó, ông được chẩn đoán mắc ung thư hạch bạch huyết Lymphoma nguy hiểm. Năm 2016, ông Castillejo trải qua ca phẫu thuật ghép tủy xương để điều trị ung thư máu, nhận tế bào gốc của những người hiến tặng có loại đột biến gien ngăn chặn HIV sinh sôi. Chưa đầy 1% dân số châu Âu sở hữu loại gen đặc biệt này.

H.T (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc