Tin tức kinh tế ngày 5/9: Thúc đẩy kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ
Thúc đẩy kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có buổi tiếp ông Christopher Klein - Đại biện Đại sứ quán Mỹ, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và một số nhà đầu tư lớn của Mỹ theo hình thức trực tuyến. Tại buổi tiếp, đại diện của một số doanh nghiệp Mỹ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình hoạt động tại Việt Nam, đồng thời nêu một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất liên quan đến việc duy trì chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, tổ chức sản xuất, cấp phép làm việc và di chuyển nội địa cho các chuyên gia, tiếp cận nguồn vaccine, thủ tục hành chính, thuế và phí… Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục lắng nghe với tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp Mỹ và sẵn sàng đáp ứng trong điều kiện cho phép; những gì đã làm được phải làm tốt hơn.
Đại biện Mỹ Christopher Klein tin tưởng với nỗ lực và sự đồng lòng, chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân hai nước, Việt Nam và Mỹ sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực, trong đó quan hệ kinh tế - thương mại sẽ tiếp tục là một trụ cột quan trọng.
Dự án sân bay Long Thành gặp nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng
Theo Bộ Giao thông Vận tải, với dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, đến nay tỉnh Đồng Nai mới bàn giao 1.284ha (đạt 50,7%) trong số 2.532ha đất cho giai đoạn 1, giải ngân được 10.660 trong số 22.856 tỉ đồng, đạt 46,6%. Ngoài ra, tiến độ xây dựng các khu tái định cư cũng không thể hoàn thành trong năm 2021.
Công tác giải phóng mặt bằng thời gian qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, trong công tác thu hồi đất của các hộ dân hiện nay có khoảng 1.000 hộ dân gặp khó khăn trong xử lý hồ sơ bồi thường (chuyển nhượng, cho tặng bằng giấy viết tay). Do đó, nếu không giải phóng toàn bộ mặt bằng sạch theo đúng tiến độ sẽ ảnh hưởng đến biện pháp thi công tổng thể giai đoạn 1. Ngoài các nguyên nhân cũ, dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp ảnh hưởng rất lớn đến công tác giải phóng mặt bằng của địa phương. Công tác thi công các dự án thành phần khu tái định cư cũng gặp nhiều khó khăn trong việc điều động nhân lực, nguồn cung cấp vật tư, thiết bị.
Cổ phiếu của Sabeco liên tục mất giá
Cổ phiếu SAB của Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) mở đầu tháng 9 không mấy thuận lợi khi ghi nhận mức sụt giảm 1.300 đồng tương ứng 0,87% xuống 148.700 đồng ngay trong ngày đầu tháng. Với mức thị giá này, vốn hóa thị trường của SAB hiện ở mức 95.358,5 tỷ đồng.
Thị giá của SAB ở thời điểm này dao động quanh vùng giá giao dịch thấp nhất kể từ đầu năm tới nay của SAB. Hồi đầu năm nay, trong phiên giao dịch ngày 13/1, cổ phiếu SAB từng đạt 205.500 đồng, nhưng đến nay đã sụt giảm gần 28% giá trị (tương ứng giảm 56.800 đồng/cổ phiếu). Thị giá của SAB hiện không bằng phân nửa so với mức giá mà Thaibev từng chi ra với mục đích thâu tóm công ty này vào 4 năm về trước.
Giá vàng dự báo tăng mạnh
Khép tuần giao dịch, giá vàng hôm nay ghi nhận giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.827,80 USD/ounce, trong khi giá vàng thế giới giao tháng 10/2021 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.827,7 USD/ounce.
Tại thị trường trong nước, theo diễn biến của giá vàng thế giới, giá vàng SJC cũng được điều chỉnh tăng mạnh. Chốt tuần giao dịch, giá vàng ngày 5/9 ghi nhận giá vàng 9999 hiện được niêm yết tại TP Hồ Chí Minh đứng ở mức 56,75-57,45 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Trong khi đó, giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết tại Hà Nội ở mức 56,50-57,50 triệu đồng/lượng. Còn tại Phú Quý SJC, giá vàng 9999 được niêm yết tại Hà Nội ở mức 56,70-57,70 triệu đồng/lượng. Với những diễn biến trong phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng tuần tới được giới chuyên gia, các nhà phân tích dự báo tăng mạnh.
Xây dựng ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong quý 4/2021. Những năm vừa qua, quá trình cơ cấu lại nền nông nghiệp của Việt Nam đã đạt được thành tựu rất tích cực. Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp thực sự trở thành thành hình ảnh quốc gia và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai, chúng ta phải có nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, giai đoạn tới việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp không chỉ là mở rộng ngành hàng này hay thu hẹp ngành hàng kia mà phải tích hợp các giá trị, vừa mang giá trị địa phương, vừa mang giá trị toàn cầu; chuyển từ tư duy phát triển đơn ngành sang phương pháp tích hợp đa ngành, đa giá trị. Một cách tiếp cận nữa mà ngành nông nghiệp đang hướng đến, đó là chuyển từ nền nông nghiệp sản lượng cao sang nền nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo minh bạch và phát triển bền vững; chuyển từ chuỗi cung ứng sang chuỗi liên kết, tích hợp trong đó hàm lượng tri thức và giải quyết được các vấn đề nội tại của ngành hàng.
-
Giá dầu thế giới có thể giảm tới mức nào?
-
Tin tức kinh tế ngày 19/4: Việt Nam cần hơn 266 tỷ USD đầu tư vào ngành điện
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 14/4 - 19/4