Tin tức kinh tế ngày 5/8: Giá vàng có thể lên 138 triệu đồng/lượng
Chính phủ đồng ý miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng Covid-19
Ngày 5/8, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính |
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã nhanh chóng, kịp thời đề xuất Thường trực Chính phủ về các giải pháp miễn, giảm thuế ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30 ngày 28/7/2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Thường trực Chính phủ và các cơ quan tham dự cuộc họp cơ bản nhất trí với các giải pháp miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 theo đề xuất của Bộ Tài chính tại cuộc họp.
Thủ tướng cũng nêu rõ, thời hạn áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế trước mắt thực hiện trong năm 2021.
Cảng Cát Lái đã giảm thiểu ách tắc hàng hóa
Liên quan đến việc giải tỏa áp lực hàng hóa tại cảng Cát Lái, sáng 5/8, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành liên quan, đến thời điểm này tình hình ách tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái đã giảm nhiệt. Nếu như trong ngày 3/8, lượng hàng tồn toàn cảng là gần 108.800 TEUs, chiếm 87,7% thì ngày 4/8, lượng hàng tồn giảm còn hơn 106.700 Teus, chiếm 85,1%.
Số tàu hoạt động khu vực cảng là 41 tàu, giảm hơn 28%. Hàng nhập cũng giảm hơn 6.300 TEUs so với cùng thời điểm tuần trước. Lượng hàng giảm này đã được chuyển từ Cát Lái về các cảng lân cận và khu vực Cái Mép.
Trước đó, cuối tháng 7/2021, Tân Cảng Sài Gòn đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng về khó khăn trong tổ chức hoạt động cảng Cát Lái.
Theo báo cáo, sau 3 tuần TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, dung lượng tồn bãi tại cảng Cát Lái luôn chạm mức hết công suất; đặc biệt, dung lượng dành cho hàng nhập luôn trên 100% công suất. Cảng Cát Lái đối mặt nguy cơ tạm ngừng hoạt động để chờ giải phóng hàng.
Thu ngân sách của ngành Thuế trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 68,4% dự toán
Báo cáo từ Tổng cục Thuế cho biết, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 7/2021 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 104.400 tỷ đồng. Luỹ kế 7 tháng đầu năm, thu ngân sách của ngành Thuế đạt 763.805 tỷ đồng, bằng 68,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Tổng cục Thuế, thu NSNN trong 7 tháng đầu năm đạt khá chủ yếu do tình hình kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021 và tăng thu đột biến từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020, trong đó một số ngành tăng trưởng khá như: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...
Điểm danh các ngân hàng bị nợ xấu bao phủ
Theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý II năm nay của gần 30 ngân hàng, tổng số dư nợ xấu đến thời điểm 30/6 đã tăng 4,5% so với cuối năm trước với gần 125.000 tỷ đồng.
![]() |
Trong đó, 58,6% số ngân hàng được thống kê có số dư nợ xấu tăng so với đầu năm với số dư nợ xấu trên 81.600 tỷ đồng.
Xét về tốc độ tăng dư nợ xấu trong nửa đầu năm, Nam A Bank dẫn đầu với mức tăng lên tới 83% lên 1.362 tỷ đồng. Tiếp theo là 2 "ông lớn" quốc doanh VietinBank và Vietcombank với 14.477 tỷ đồng và 6.865 tỷ đồng dư nợ xấu tính đến cuối tháng 6. Con số này lần lượt tăng tương ứng 52% và 31% sau nửa năm.
Trong 4 ngân hàng quốc doanh, quy mô nợ xấu của Agribank hơn 24.400 tỷ đồng tính đến cuối quý II. Tiếp theo là BIDV đứng kế sau đó với quy mô nợ xấu ở mức 21.141 tỷ đồng. Hai ngân hàng còn lại trong nhóm big4 là VietinBank và Vietcombank đứng lần lượt ở vị trí thứ 3 và thứ 5.
Ngược lại, Techcombank gây chú ý nhất khi tỷ lệ nợ xấu xuống mức cực thấp - đây cũng là trường hợp đầu tiên trong lịch sử hệ thống ngân hàng Việt Nam một ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ nợ xấu thấp chỉ 0,36%.
Theo báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 mới đây của Chính phủ, ước tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu nội bảng khoảng 1,78% - 2%. Nếu tính thêm cả nợ xấu đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém) thì tỷ lệ nợ xấu hệ thống khoảng 2,91% - 3,15%, vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra là dưới 5%.
Giá vàng có thể lên 138 triệu đồng/lượng
Giá vàng SJC tại Hà Nội sáng 5/8 ở mức 56,4 - 57,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng mỗi chiều. Tại TPHCM, giá vàng SJC được niêm yết tại 56,55 - 57,25 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng mỗi chiều.
Trên thế giới, lúc 7h30 hôm nay (5/8), giá vàng giao ngay qua niêm yết của Kitco.com có biên độ giảm nhẹ, giao dịch ở mức 1.811 USD/ounce.
Theo dự báo của quỹ Quadriga Igneo (đơn vị đã dự đoán thành công mức tăng kỷ lục của vàng 2.075,47 USD/ounce vào năm ngoái), giá vàng vẫn có khả năng tăng lên 3.000-5.000 USD/ounce (tương ứng 83-138 triệu đồng/lượng) trong vòng 3 - 5 năm tới khi các thị trường đánh giá thấp những rủi ro dài hạn liên quan đến việc ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi in tiền ồ ạt.
M.C
-
Muốn khoa học công nghệ phát triển phải kiến tạo thị trường
-
Tham vọng thay đổi địa chính trị hay thúc đẩy thỏa thuận kinh tế
-
Tin tức kinh tế ngày 16/5: Nhiều ngân hàng được phê duyệt tăng vốn điều lệ
-
Cần cơ chế hậu kiểm đủ mạnh để phát triển bền vững kinh tế tư nhân
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 16/5: Xu hướng chậm lại trong các dự án năng lượng tái tạo