Tin thị trường: OPEC+ duy trì chính sách nới lỏng nguồn cung thận trọng

09:23 | 18/11/2021

341 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông (KSA, UAE, Oman) phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng nguồn cung thận trọng (+400.000 bpd trong cuộc họp tháng 12 tới) bất chấp áp lực từ phía các quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn, dẫn đầu bởi Mỹ trong bối cảnh giá xăng nội địa tăng lên mức cao nhất từ 2014 và lạm phát cao nhất từ 1995.
Tin thị trường: OPEC+ duy trì chính sách nới lỏng nguồn cung thận trọng

IEA trong báo cáo thị trường dầu thô (OMR) tháng 11 giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2021 ở mức +5,5 triệu bpd và tăng nhẹ 100.000 bpd nhu cầu năm 2022 lên 3,4 triệu bpd, tương ứng 96,3 triệu bpd và 99,6 triệu bpd, bất chấp quá trình mở cửa biên giới đang được các quốc gia đẩy nhanh nhằm khuyến khích du lịch. Giá dầu thô thế giới bình quân cũng được IEA tăng đối với năm 2022 tới từ 76,8 USD/thùng lên 79,4 USD/thùng so với 71,5 USD/thùng năm 2021. Mặt khác, theo IEA, dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát tại châu Âu, sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm hơn và giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao đang là những rào cản chính hạn chế nhu cầu. Theo ước tính IEA, các thành viên OPEC+ tháng 10 đã tuân thủ vượt hạn ngạch khai thác ở mức 116% (riêng LB Nga chỉ tuân thủ 92%). Tổng nguồn cung hydrocarbon lỏng thế giới tháng 10 đạt 97,7 triệu bpd (+1,4 triệu bdp so với tháng 9). IEA cảnh báo, trong quý I và quý II năm 2022 cung sẽ vượt cầu từ 1,1 – 2,2 triệu bpd, tùy thuộc vào khả năng các thành viên OPEC+ khai thác đủ hạn ngạch cho phép (sản lượng tháng 9-10 vẫn đang ở mức âm 700.000 bpd, chủ yếu từ phía Nigeria và Angola).

Tuy nhiên, trong tháng 11-12 này, nguồn cung dầu thế giới có thể tăng 1,5 triệu bpd, trong đó 400.000 bpd từ phía các nhà sản xuất Mỹ khi giá thế giới tiếp tục tăng. Tồn kho dầu thô và sản phẩm dầu mỏ các quốc gia OECD tháng 10 bắt đầu tăng trở lại sau khi giảm 51 triệu thùng trong tháng 9 xuống mức thấp hơn trung bình 5 năm - 250 triệu thùng (2016-2020). Bộ Năng lượng LB Nga cho biết, cơ quan này đánh giá dư thừa nguồn cung dầu thô thế giới vào thời điểm quý I-II/2022, tương ứng với dự báo từ các cơ quan năng lượng uy tín thế giới khác.

Tin thị trường: OPEC+ duy trì chính sách nới lỏng nguồn cung thận trọng
Dự báo nhu cầu dầu trước đại dịch và 2021, 2022. Nguồn: IEA.

Các nước xuất khẩu dầu mỏ Trung Đông (KSA, UAE, Oman) phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng nguồn cung thận trọng (+400.000 bpd trong cuộc họp tháng 12 tới) bất chấp áp lực từ phía các quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn, dẫn đầu bởi Mỹ trong bối cảnh giá xăng nội địa tăng lên mức cao nhất từ 2014 và lạm phát cao nhất từ 1995. Các nhà sản xuất Trung Đông cho rằng, lĩnh vực dầu khí cần khoản đầu tư trên 600 tỷ USD/năm để có thể đáp ứng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch thế giới trong những thập kỷ tới. Ngay cả khi các nguồn NLTT phát triển nhanh, hydrocacbon sẽ vẫn giữ vai trò chủ đạo.

Viễn Đông