Tin Thị trường: Làn sóng M&A dầu khí đang vẽ lại bức tranh năng lượng Mỹ

15:45 | 10/06/2024

6,998 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Loạt sự kiện trong tuần này dự kiến tác động đến giá dầu; Làn sóng mua bán và sáp nhập đang vẽ lại bức tranh năng lượng của Mỹ...
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Loạt sự kiện trong tuần dự kiến tác động đến giá dầu

Tính đến đầu giờ chiều nay 10/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 75,68 USD/thùng - tăng 0,2%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 79,79 USD/thùng - tăng 0,21%.

Kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu giảm lãi suất 0,25% từ mức kỷ lục 4% đã thúc đẩy giá dầu đảo chiều.

Đà tăng của giá dầu còn được hỗ trợ bởi thông tin các Bộ trưởng OPEC+ trấn an thị trường rằng thỏa thuận sản lượng dầu mới nhất có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến thị trường.

Vào ngày 7/6, các dữ liệu cho thấy Mỹ đã bổ sung thêm nhiều việc làm hơn dự kiến vào tháng trước, khiến các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất và khiến đồng USD tăng giá.

Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến các mặt hàng được định giá bằng đồng USD như dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Đồng euro cũng chịu áp lực, phản ánh sự bất ổn trong khu vực đồng euro, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các cuộc bầu cử lập pháp nhanh chóng vào cuối tháng 6 sau khi ông bị Đảng cực hữu của Marine Le Pen đánh bại trong cuộc bỏ phiếu ở Liên minh châu Âu.

Theo Công ty tư vấn năng lượng FGE, trữ lượng dầu thô và sản phẩm thương mại của các nước OECD trên đất liền đã tăng lên khoảng 48 triệu thùng trong tháng 5, so với mức tăng trung bình 30 triệu thùng trong giai đoạn 2015-2019.

Các nhà phân tích và thương nhân kỳ vọng nhu cầu di chuyển trong kỳ nghỉ hè sẽ giúp giảm lượng dự trữ nhiên liệu và hỗ trợ giá dầu.

Làn sóng M&A dầu khí đang vẽ lại bức tranh năng lượng của Mỹ

Làn sóng hợp nhất trong lĩnh vực năng lượng của Mỹ kích hoạt các giao dịch trị giá 250 tỷ USD vào năm 2023 đã kéo dài sang năm nay, khi các công ty tìm kiếm cơ hội triển khai tích trữ tiền mặt và tăng cường dự trữ.

Phần lớn các Giám đốc điều hành ngành năng lượng được Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas thăm dò vào tháng 12 đều cho rằng ​​​​sẽ có nhiều giao dịch dầu mỏ trị giá 50 tỷ USD trở lên trong hai năm tới. Dữ liệu của Enverus cho thấy vào năm 2023, khoảng 39 công ty tư nhân đã được các công ty đại chúng mua lại.

Theo hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, kể từ tháng 7 năm ngoái, các công ty dầu khí lớn gồm ExxonMobil, Chevron và Occidental Petroleum đã công bố các thương vụ thâu tóm với tổng trị giá 194 tỉ USD ở lĩnh vực dầu đá phiến của Mỹ. Con số này cao gấp ba lần giá trị của các thương vụ M&A dầu đá phiến trong khoảng thời gian 12 tháng trước đó.

Thương vụ mới nhất được công bố trong tuần qua khi ConocoPhillips thông báo mua lại Marathon Oil với giá 22,5 tỉ USD. Theo Rystad, ít nhất 62 tỉ USD tài sản dầu khí khác ở Mỹ đang được đưa ra thị trường M&A.

Michael Alfaro, Giám đốc đầu tư của Gallo Partners, một quỹ phòng hộ tập trung vào công nghiệp và năng lượng, cho biết các công ty dầu khí bao gồm Permian Resources, Matador Resources, Chord Energy và Civitas Resources đang nằm trong tầm ngắm của những “tay chơi” lớn hơn.

IEA: 2/3 khoản đầu tư năng lượng toàn cầu là dành cho năng lượng sạch

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), 2/3 khoản đầu tư năng lượng toàn cầu sẽ đổ vào công nghệ sạch trong năm nay.

Trong ấn bản mới nhất của báo cáo Đầu tư Năng lượng Thế giới hằng năm, IEA cho rằng tổng đầu tư năng lượng trên toàn thế giới sẽ lần đầu tiên vượt qua 3 nghìn tỷ USD và khoảng 2 nghìn tỷ USD sẽ được phân bổ cho các công nghệ sạch như năng lượng tái tạo, xe điện, năng lượng hạt nhân, lưới điện, lưu trữ, nhiên liệu phát thải thấp, cải thiện hiệu suất và bơm nhiệt.

Đầu tư vào năng lượng sạch đã tăng tốc kể từ năm 2020 và chi tiêu cho năng lượng tái tạo, lưới điện và lưu trữ hiện cao hơn tổng chi tiêu cho dầu, khí đốt và than đá, IEA lưu ý.

Khoảng 1 nghìn tỷ USD đầu tư năng lượng toàn cầu sẽ đổ vào nhiên liệu hóa thạch. Báo cáo cho biết đầu tư vào dầu khí thượng nguồn toàn cầu dự kiến sẽ tăng 7% vào năm 2024 để đạt 570 tỷ USD, sau mức tăng tương tự vào năm 2023. Tăng trưởng chi tiêu trong năm 2023 và 2024 chủ yếu được thúc đẩy bởi các công ty dầu khí quốc gia ở Trung Đông và châu Á.

Báo cáo cho thấy đầu tư vào dầu khí năm 2024 phù hợp với mức nhu cầu vào năm 2030 theo các chính sách hiện nay, nhưng cao hơn nhiều so với dự kiến trong các kịch bản đạt được mục tiêu khí hậu quốc gia hoặc toàn cầu.

Đầu tư vào năng lượng sạch của các công ty dầu khí đạt 30 tỷ USD vào năm 2023, chỉ chiếm 4% tổng chi tiêu vốn của ngành. Đầu tư vào nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đã đạt 1 tỷ USD, trong khi 800 triệu USD sẽ dành cho các dự án thu hồi không khí trực tiếp (DAC), tăng 140% so với năm 2023. Khoảng 20 dự án sử dụng và lưu trữ thu giữ carbon quy mô thương mại (CCUS) ở bảy quốc gia đã đạt được quyết định đầu tư cuối cùng (FID) vào năm ngoái; trong khi cơ quan này ước tính rằng 110 cơ sở thu giữ, các dự án vận chuyển và lưu trữ cũng có thể đạt trạng thái FID vào năm 2024.

Báo cáo cho biết thêm rằng các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới được phê duyệt, do Mỹ và Qatar dẫn đầu, sẽ mang đến một làn sóng đầu tư mới có thể thúc đẩy công suất xuất khẩu LNG toàn cầu thêm 50%.

Bình An