Tin thị trường: Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu thô thế giới lên 90 USD

16:16 | 28/10/2021

158 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu thô thế giới lên 90 USD/thùng vào cuối năm nay nhờ nhu cầu tiêu thụ châu Á phục hồi mạnh mẽ, tiêu thụ toàn cầu có thể sớm đạt mức trước khủng hoảng Covid-19 khoảng 100 triệu bpd (hiện nay 99 triệu bpd). Đặc biệt, sử dụng diesel, mazut thay thế khí đốt đắt đỏ có thể sớm bổ sung nhu cầu 1 triệu bpd.
Tin thị trường: Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu thô thế giới lên 90 USD

Hơn thế nữa, Goldman Sachs không loại trừ khả năng giá dầu sẽ tăng lên 110 USD/thùng trong bối cảnh OPEC+ kiên quyết duy trì chính sách tăng sản lượng khai thác thận trọng (chỉ 400.000 bpd/tháng) dẫn đến thâm hụt nguồn cung cho đến quý I/2022.

Phó Thủ tướng LB Nga A. Novak dự báo nhu cầu dầu thô thế giới sẽ phục hồi hoàn toàn vào quý III/2022, đồng thời cho biết nhiều khả năng OPEC+ sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng khai thác tháng 12 thêm 400.000 bpd tại cuộc họp ngày 04/11 tới. Liên quan đến khả năng giá dầu thô thế giới bùng nổ tương tự khí đốt và than, theo ông, vẫn còn nhiều bất ổn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ (làn sóng Covid-19 mới). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về tình trạng cạn kiệt khả năng tăng trưởng nguồn cung do thiếu đầu tư, khi nhu cầu thế giới tăng mạnh sẽ phát sinh thiếu hụt. Vai trò tập đoàn quốc tế lớn chuyển hướng đầu tư sang NLTT, cũng như những nhà sản xuất dầu khí độc lập bắt đầu giảm mạnh kể từ khủng hoảng giá dầu 2014, thay vào đó, các tập đoàn dầu khí quốc gia (NOC) và chi nhánh hoạt động tại nước ngoài (INOC) đang dần chiếm tỷ trọng lớn hơn trong lĩnh vực upstream.

Tin thị trường: Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu thô thế giới lên 90 USD
Đầu tư upstream toàn cầu từ 2014 đến 2023. Nguồn: Rystad Energy.

Morgan Stanley dự báo nhu cầu LNG thế giới sẽ tăng 25-50% vào năm 2030, tương đương tối thiểu thêm 73 triệu tấn/năm và trở thành loại nhiên liệu hóa thạch tăng trưởng nhanh nhất thập kỷ. Để đáp ứng nhu cầu, thế giới cần đầu tư ít nhất 65 tỷ USD vào các dự án mới, ngoài số đang triển khai từ năm 2019 trị giá khoảng 200 tỷ USD. Quá trình chuyển đổi từ than sang khí đốt tại châu Á sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu LNG, được dẫn đầu bởi Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như Đài Loan, Thái Lan, Bangladesh, Indonesia và Malaysia.

Tin thị trường: Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu thô thế giới lên 90 USD
Nguồn cung LNG của các nước từ 2014 - 2023. Nguồn: Rystad Energy.

Ngày 25/10, Bộ Thương mại Trung Quốc đã quyết định cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu thô bổ sung 12 triệu tấn đến hết năm 2021 cho tập đoàn lọc hóa dầu tư nhân lớn nhất đất nước (ZPC – tỉnh Chiết Giang), nâng tổng khối lượng cho phép nhập khẩu ZPC lên 32 triệu tấn – cao nhất trong số các doanh nghiệp tinh chế tư nhân. ZPC sở hữu nhà máy lọc dầu công suất 800.000 bpd (4 CDU x 200.000 bpd), nhưng buộc phải ngừng hoạt động một số CDU nhiều tháng do thiếu nhiên liệu. Bằng quyết định này, hạn ngạch nhập khẩu dầu thô cả nước năm 2021 sẽ tăng lên 189,14 triệu tấn, cao hơn gần 5 triệu tấn so với năm 2020.

Viễn Đông