Tin Thị trường: Giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh do rủi ro nguồn cung

16:11 | 11/07/2024

2,550 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh do những rủi ro nguồn cung hiện hữu; Các nhà đầu cơ giá dầu lên thấy ánh sáng ở cuối đường hầm...
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Giá dầu tăng khi tồn kho dầu và xăng tại Mỹ giảm

Tính đến đầu giờ chiều nay 11/7 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 82,79 USD/thùng - tăng 0,84%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 85,8 USD/thùng - tăng 0,85%.

Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,4 triệu thùng xuống 445,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 5/7, khác so với dự báo của các nhà phân tích về mức giảm 1,3 triệu thùng. Dự trữ xăng cũng giảm 2 triệu thùng xuống 229,7 triệu thùng, lớn hơn nhiều so với mức giảm 600.000 thùng mà các nhà phân tích dự kiến.

Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) vẫn giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu toàn cầu tăng trưởng tương đối mạnh vào năm 2024 và năm tới, cho biết rằng tăng trưởng kinh tế vững và du lịch hàng không sẽ hỗ trợ việc sử dụng nhiên liệu trong những tháng mùa hè.

Tuy nhiên, mức tăng bị hạn chế do sự gián đoạn nguồn cung tại các nhà máy lọc dầu và cơ sở khai thác ngoài khơi do cơn bão Beryl là rất nhỏ.

Được biết, dữ liệu lạm phát của Mỹ công bố trong tuần này bao gồm Chỉ số giá tiêu dùng và Chỉ số giá sản xuất, cả hai đều có thể tạo ra xu hướng cho thị trường.

Theo FedWatch của CME, kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9 đã tăng lên 74% từ mức khoảng 70% và 45% một tháng trước.

Lãi suất thấp hơn có nghĩa là chi phí vay giảm. Điều này có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Nhà đầu cơ giá dầu lên thấy ánh sáng ở cuối đường hầm

Giá dầu thực tế đã tăng suốt bốn tuần qua, mặc dù mức tăng này còn chưa đồng đều và không thuyết phục được các nhà giao dịch về một xu hướng ổn định. Nhưng với những dấu hiệu tăng giá, các nhà giao dịch đang bắt đầu nắm bắt cơ hội.

Bloomberg đưa tin trong tuần này rằng các nhà đầu cơ đã mở rộng vị thế mua dầu thô của họ, với số lượng ròng đạt gần 196.000 lô trong tuần này, do kỳ vọng nhu cầu dầu thô mạnh hơn trong nửa cuối năm nay.

Nhìn chung, nửa đầu năm nay không mấy ấn tượng, đặc biệt là ở Trung Quốc, với lượng nhập khẩu không đạt kỳ vọng của giới phân tích. Tuy nhiên, một số nhà phân tích tin rằng nửa cuối năm nay nhu cầu dầu sẽ mạnh hơn, đặc biệt là ở Mỹ, nơi đang diễn ra mùa cao điểm lái xe và nơi có những dấu hiệu đầu tiên về nhu cầu thực sự tăng. AAA dự báo vào cuối tuần ngày 4/7 năm nay chứng kiến ​​lượng người đi du lịch kỷ lục, đặc biệt là đi lại bằng ô tô.

Giá dầu hiện đang nhận được một số hỗ trợ từ nhiệt độ mùa hè, theo Reuters. Điều này có thể gây ra thách thức cho các nhà máy lọc dầu ở Bờ Vịnh vì nhiệt độ quá cao có thể dẫn đến trục trặc và hư hỏng thiết bị.

Ngoài các yếu tố khu vực hay mùa vụ, xu hướng tăng giá dầu còn chịu tác động từ cuộc xung đột Hamas - Israel đang diễn ra ở Trung Đông. Bất chấp nhiều nỗ lực hòa giải, cuộc chiến vẫn tiếp tục không có hồi kết, có nghĩa là khả năng gián đoạn nguồn cung dầu ở khu vực xuất khẩu lớn nhất vẫn tồn tại.

Tuy nhiên, về cơ bản, lý do lớn nhất khiến giá dầu tăng trở lại là kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ mạnh hơn trong nửa cuối năm nay.

Giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh

Giá khí đốt tại châu Âu tăng cao do các thương nhân đánh giá rủi ro nguồn cung trong bối cảnh thời tiết nắng nóng ở một số khu vực châu Á và cơn bão Beryl ảnh hưởng đến nhà cung cấp khí đốt chính ở bang Texas, Mỹ.

Thực tế cho thấy, giá hợp đồng khí đốt tương lai chuẩn châu Âu có lúc đã tăng tới 2,1% vào ngày 8/7 vừa qua.

Lượng khí đốt tồn kho của châu Âu được dự trữ đầy đủ trong thời gian này trong năm, nhưng thị trường toàn cầu mà khu vực này phụ thuộc gần đây đã chứng kiến ​​một số gián đoạn.

Giá khí đốt tại khu vực này đã tăng hơn 20% kể từ khi các thương nhân bắt đầu dự trữ vào tháng 4.

Rủi ro mà thị trường đang theo dõi chặt chẽ khi cơn bão Beryl đổ bộ vào bờ biển Texas sẽ gây gián đoạn hoạt động khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại khu vực. Cơ sở hóa lỏng của Freeport LNG mới đây đã thông báo giảm sản lượng.

Tại châu Âu, tình trạng ngừng hoạt động ngoài kế hoạch tại cơ sở Tolmount của Anh kéo dài đến tối 8/7. Tình trạng nắng nóng hơn bình thường đang bao trùm nhiều khu vực ở châu Á cũng làm tăng nhu cầu về khí đốt để sản xuất điện.

Hai nhà phân tích Iryna Sereda và Alireza Nahvi của BloombergNEF nhận định, châu Âu ngày càng phụ thuộc vào LNG nên giá khí đốt rất dễ bị tổn thương trước sự cố ngừng cung cấp ngoài dự kiến ​​và sự thay đổi thời tiết ở châu Âu hoặc châu Á.

Bình An