Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (28/11-4/12)

14:00 | 05/12/2022

1,599 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - ExxonMobil lên kế hoạch rời Guinea Xích đạo; Uniper và Gazprom lao vào kiện tụng; Big Oil đầu tư lớn năng lượng xanh; ADNOC chi 150 tỷ USD cho mục tiêu tăng công suất khai thác dầu; Công ty lọc dầu trực thuộc Aramco lên kế hoạch IPO hàng tỷ USD; Ai Cập giao hai lô dầu khí mới cho BP; Pemex triển khai dự án mới ở Vịnh Mexico… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (28/11-4/12)

Theo 4 nguồn tin trao đổi với Reuters, Tập đoàn dầu mỏ Lukoil (Nga) sẽ ngừng sử dụng đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan (BTC) để vận chuyển dầu khai thác được từ các mỏ ở Biển Caspi. Thay vào đó, Lukoil sẽ sử dụng hệ thống đường ống dẫn dầu do Tập đoàn Caspian Pipeline Consortium (CPC) quản lý. Khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt chống lại Nga, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ từ Nga. Lệnh cấm vận sẽ đi vào hiệu lực từ ngày 5/12. Tuy nhiên, lệnh cấm sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu qua đường ống của CPC. Trên thực tế, đường ống này có vai trò thiết yếu trong việc vận chuyển dầu từ Kazakhstan đến cảng Novorossiisk của Nga bên bờ Biển Đen.

Italia muốn cứu một nhà máy lọc dầu của Tập đoàn Lukoil ở Sicily bằng cách yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) tạm thời cho phép miễn lệnh trừng phạt cho nhà máy này. Ngoài yêu cầu miễn trừ, chính quyền Italia còn nêu khả năng tiếp quản nhà máy lọc dầu. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán mua bán lại bị trì hoãn.

Vào hôm 2/12, Tập đoàn năng lượng TotalEnergies (Pháp) đã công bố quyết định thanh lý một công ty con chuyên điều hành mỏ dầu Dunga ở miền tây Kazakhstan. Phi vụ có giá 330 triệu USD. Công ty dự định sẽ ký kết một dự án điện gió lớn tại quốc gia Trung Á này trong tương lai.

Hôm 26/11, Chính phủ Mỹ đã cho phép Chevron nối lại một phần hoạt động khai thác hydrocarbon của họ ở Venezuela. Không chỉ thế, Mỹ đưa ra quyết định trên chỉ vài phút sau khi Venezuela công bố đạt được “thỏa thuận bảo trợ xã hội thứ hai đối với người dân trong nước”. Như vậy, Chevron sẽ hoạt động trở lại tại 4 doanh nghiệp mà họ đồng sở hữu với Công ty Dầu khí Nhà nước Petroleos de Venezuela (PDVSA). Tuy nhiên, Chevron phải giữ cam kết rằng PDVSA sẽ không nhận được doanh thu từ hoạt động bán dầu.

Theo thông tin được tiết lộ ngày 1/12 bởi một ngân hàng ẩn danh, Tập đoàn Eni của Italia đang đàm phán để mua lại toàn bộ danh mục tài sản của Công ty năng lượng Neptune Energy có trụ sở tại Anh. Thông tin chưa được các bên liên quan xác nhận. Hiện tại, nguồn tin nhấn mạnh, sẽ chưa có kết quả của các cuộc đàm phán “trong những tuần tới đây”. Nếu thành hiện thực, một thỏa thuận trị giá 5 - 6 tỷ USD sẽ được ghi nhận. Cần lưu ý rằng, bên cạnh các tài sản ở châu Âu và châu Á, Neptune Energy cũng có lợi ích ở Bắc Phi, đặc biệt là Algeria và Ai Cập. Công ty được thành lập vào năm 2015, được hỗ trợ bởi một nhóm các nhà đầu tư tư nhân bao gồm Tập đoàn đầu tư Trung Quốc (CIC), Tập đoàn Carlyl của Mỹ và Quỹ đầu tư tư nhân CVC Capital Partners.

Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Sinopec (Trung Quốc) đã công bố phát hiện mỏ khí đá phiến đầu tiên ở Trung Quốc, ở lưu vực Tứ Xuyên. Mỏ Qijang được phát hiện ở độ sâu đa dạng, từ 1.900 m cho đến 4.500 m, tại một khu vực có cấu trúc kiến ​​tạo phức tạp. Kết quả ban đầu cho thấy Qijang có trữ lượng khí đạt 145,968 tỷ m3. Hiện dự án mỏ khí đốt đang ở trong giai đoạn đầu.

Vào hôm 30/11, các nguồn tin thân cận với gã khổng lồ dầu mỏ ExxonMobil (Mỹ) đã tiết lộ: Công ty có kế hoạch loại bỏ tài sản dầu khí ở Guinea Xích đạo khi giấy phép hết hạn vào năm 2026. Cho đến lúc đó, công ty sẽ lên kế hoạch giảm khai thác tại quốc gia này. Đây là một quyết định phù hợp với khuôn khổ các cam kết về khí hậu của công ty. Đồng thời, quyết định này cũng thể hiện mong muốn của ExxonMobil về việc giảm lượng khí thải carbon từ nay cho đến năm 2050.

Ngày 30/11, gã khổng lồ năng lượng Uniper (Đức) đã đệ đơn kiện Tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom (Nga) lên tòa án trọng tài để đòi bồi thường từ việc cắt giảm nguồn cung khí đốt đi từ Nga sang Đức qua đường ống Nord Stream, gây tiêu tốn "11,6 tỷ euro” cho Uniper từ tháng 6/2022.

Trong một thông cáo báo chí hôm 29/11, Tập đoàn dầu khí khổng lồ Shell (Anh) đã công bố về việc mua lại Nature Energy của Đan Mạch - một nhà sản xuất khí sinh học có quy mô 420 nhân viên, với giá gần 2 tỷ USD. Theo đó, Shell Petroleum N.V.- chi nhánh Hà Lan của tập đoàn dầu mỏ này, “đã đạt được thỏa thuận” với các quỹ tài chính Davidson Kempner, Pioneer Point Partners và Sampension để mua lại “100% cổ phần của Nature Energy Biogas với giá gần 2 tỷ USD”. Nature Energy là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên tái tạo (RNG). Nguyên liệu dùng trong sản xuất có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp, chất thải công nghiệp và sinh hoạt. Theo thông cáo báo chí, Shell nhấn mạnh rằng họ sẽ là “nhà sản xuất RNG lớn nhất ở châu Âu, giúp góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch và trung hòa carbon”.

Công ty Dầu khí Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) có kế hoạch chi 150 tỷ USD trong 5 năm tới, với mục tiêu nâng công suất khai thác dầu lên 5 triệu thùng mỗi ngày đến năm 2027. Cần lưu ý rằng, kế hoạch này diễn ra vào thời điểm gã khổng lồ dầu mỏ Aramco của Ả Rập Xê-út cũng đang có kế hoạch mở rộng sản lượng thêm 12 triệu thùng vào năm 2027. ADNOC hiện khai thác một số loại dầu ít phát thải carbon nhất thế giới và mục tiêu mới này sẽ mang lại cho công ty sự linh hoạt hơn, đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu đang gia tăng.

Hãng thông tấn Nga Interfax dẫn nguồn tin từ Gazprom nói rằng, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu có thể lên tới 3.000 USD/1.000 m3, cao hơn mức trần giá an toàn được đề xuất cho hợp đồng tương lai khí đốt chuẩn của châu Âu.

Vào hôm 29/11, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu gây ra bởi chiến tranh Nga - Ukraine, Qatar đã ký kết một thỏa thuận lớn về việc cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Đức trong vòng 15 năm. Đây là thỏa thuận giữa Công ty năng lượng nhà nước QatarEnergy ConocoPhillips của Mỹ. Ông Saad Sherida Al-Kaabi - Bộ trưởng Bộ Năng lượng Qatar cho biết, thỏa thuận này sẽ đóng góp “vào những nỗ lực củng cố nền an ninh năng lượng của Đức và châu Âu”. Theo những điều khoản của thỏa thuận trên, từ năm 2026, quốc gia vùng Vịnh này sẽ vận chuyển “tối đa 2 triệu tấn LNG/năm” đến cảng khí đốt đang được xây dựng ở thị xã Brunsbutell, miền bắc nước Đức.

Đơn vị lọc dầu Luberef của gã khổng lồ dầu mỏ Aramco đã thuê các ngân hàng quốc tế lớn để quản lý đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng sắp diễn ra trên thị trường chứng khoán Ả Rập Xê-út. Đợt chào bán này có thể huy động được khoảng 1 tỷ USD, Bloomberg đưa tin. Các ngân hàng, bao gồm Citigroup và HSBC Holdings Plc, sẽ đi đầu trong việc bán cổ phần, Luberef cho biết trong một tuyên bố.

Vào hôm 28/11, BP cho biết Công ty khí đốt nhà nước Ai Cập (EGAS) sẽ cấp thêm cho họ giấy phép thăm dò khu vực đông bắc của lô dầu khí Abu Qir và Bellatrix-Seti East. Cả hai lô đều nằm ở Biển Địa Trung Hải. Lô Abu Qir có diện tích khoảng 1.038 km², độ sâu cách mặt nước từ 600 - 1.600 m. Hiện nay, BP nắm giữ 82,75% cổ phần của lô dầu khí này. Còn đối tác của BP - Công ty năng lượng Wintershall Dea (Đức) nắm giữ 17,25% cổ phần. Lô Bellatrix-Seti East có diện tích 3.440 km² và độ sâu từ 100 - 1.200 m. Hiện BP và gã khổng lồ năng lượng Eni (Ý), mỗi bên giữ 50% cổ phần.

Theo một thông cáo báo chí mới, Công ty dầu khí nhà nước Mexico Petróleos Mexicanos (Pemex) cho biết đã ký kết hợp đồng dịch vụ với Công ty phát triển khí đốt New Fortress Energy (Mỹ) để khai thác Lakach - mỏ khí đốt tự nhiên lớn ở vùng nước sâu ngoài khơi Vịnh Mexico. Cơ quan quản lý xăng dầu của Mexico đã phê duyệt kế hoạch phát triển dự án này. Mỏ Lakach sẽ bắt đầu sản xuất khí đốt vào đầu năm 2024. Theo dự kiến ban đầu, Pemex sẽ đầu tư 1,4 tỷ USD, còn New Fortress Energy đầu tư 1,5 tỷ USD. Với trữ lượng khí đốt đạt 26 tỷ m3, Pemex sẽ khai thác được tầm 8,5 triệu m3/ngày liên tục trong 10 năm. Do nhiều tác động khiến chi phí gia tăng, dự án đã từng bị đình trệ.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (7-13/11)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (7-13/11)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (14-19/11)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (14-19/11)
Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (21-26/11)Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (21-26/11)

Nh.Thạch

AFP