Tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó

06:45 | 29/07/2023

18 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hiện hầu hết doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất đang trong tình cảnh khó khăn. Cần có những giải pháp và hành động cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước vượt qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay.
Tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó
Kiểm tra sản phẩm thép chất lượng cao

Kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đi được quá nửa chặng đường với nhiều thăng trầm. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023, có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2023; 38,3% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất đang trong tình trạng khó khăn.

Trong hơn nửa đầu năm 2023, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát ở nhiều nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào và lãi suất vay ngân hàng vẫn ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, xử lý hàng tồn và tìm kiếm thị trường mới. Mặc dù vậy, sản xuất công nghiệp vẫn đang ở mức thấp.

Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn phức tạp, ở trong nước, sức chống chịu của các doanh nghiệp sản xuất rất yếu sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch Covid-19, khó hồi phục trong thời gian ngắn.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chưa bao giờ doanh nghiệp với hàng nghìn lao động trong ngành dệt may phải nhận đơn hàng chỉ vài nghìn, thậm chí vài trăm sản phẩm. Đặc biệt, đơn giá giảm rất mạnh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất nhận giá gia công giảm tới 50%. Không những thế, khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn, nhiều mặt hàng không đúng sở trường của doanh nghiệp.

Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết, bên cạnh khó khăn về thị trường, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất khó tiếp cận vốn ngân hàng, nếu có thì phải gánh chịu lãi suất cao, có thời điểm lên đến hơn 10%/năm.

Tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó
Dây chuyền sản xuất sợi xuất khẩu tại Công ty Dệt Phú Thọ

Ông Vũ Hồ Ninh - Giám đốc chi nhánh Bee Logistics Hải Phòng - cho biết, dù chỉ tiêu tài chính của công ty trong 6 tháng đầu năm 2023 bị sụt giảm, đại đa số doanh nghiệp logistics, kể cả vận tải quốc tế, bị giảm doanh thu khoảng 30-40%, thậm chí nhiều hơn. Từ nay đến cuối năm 2023, doanh nghiệp sẽ ưu tiên cải tiến công nghệ để tiết giảm chi phí, đồng thời tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong cùng ngành, cùng lĩnh vực để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trong các tháng còn lại của năm 2023 vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể lấy lại đà tăng trưởng cao trong ngắn hạn.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, với nhận định tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp và khó lường, Thủ tướng Chính phủ đặt trọng tâm duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường phân tích dự báo, đồng thời tăng cường các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh... Các nhóm giải pháp tập trung vào việc tiếp tục điều hành hài hòa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay để kích thích, khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế cũng như tiếp tục thực thi các giải pháp hỗ trợ từ chính sách tài khóa, miễn, giảm thuế, triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giảm 2% thuế giá trị gia tăng.

“Đặc biệt, cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất. Khi chúng ta tháo gỡ được một số khó khăn, điểm nghẽn, đồng nghĩa chúng ta tăng thêm động lực cho tăng trưởng, khơi thông dòng vốn từ đầu tư của khu vực tư nhân”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Tờ trình số 5152 gửi Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Theo đó, Việt Nam sẽ quyết tâm hành động để thích ứng linh hoạt, hiệu quả, tranh thủ mọi thời cơ, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng cả cung và cầu của nền kinh tế.

Nội dung của dự thảo Nghị quyết được cộng đồng doanh nghiệp, giới đầu tư đặc biệt quan tâm, trong đó nêu rõ các vấn đề quan trọng: Cần chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc; đẩy mạnh cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, dự thảo Nghị quyết cũng hạn chế tối đa thủ tục hành chính phát sinh trong thực thi chính sách, tuyệt đối không làm gia tăng thêm điều kiện, rào cản pháp lý, chi phí tuân thủ trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân...

Tổng cục Thống kê cũng đề xuất các bộ, ngành cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả; tận dụng môi trường thương mại số đã được hình thành trong thời gian qua, tích cực triển khai đồng bộ và hoàn thiện hệ thống lưu thông hàng hóa giữa các nhà sản xuất, nhà thương mại và người tiêu dùng nhằm đẩy nhanh tiêu thụ hàng hóa...

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), lưu ý, trong bối cảnh hiện nay, để tận dụng tốt các lợi thế của những hiệp định thương mại tự do đã ký kết cùng nhiều đối tác và khu vực, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tiếp tục tìm hiểu kỹ các ưu đãi về thuế quan để có sự chọn lựa tối ưu, nắm vững các điều kiện ưu đãi. Doanh nghiệp cũng cần có những phản ứng linh hoạt, nhạy bén với thị trường trong việc tìm kiếm các đối tác và thúc đẩy giao dịch, điều chỉnh quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ nếu phù hợp; thực hiện các yêu cầu khác về thủ tục giấy tờ, hồ sơ vận chuyển... để được hưởng ưu đãi.

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2023, có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2023; 38,3% số doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Điện lực Bắc Ninh tiếp sức cho doanh nghiệpĐiện lực Bắc Ninh tiếp sức cho doanh nghiệp
Giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của VietinBankGiải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của VietinBank
Tiếp sức cho doanh nghiệp trong “cuộc chơi lớn”Tiếp sức cho doanh nghiệp trong “cuộc chơi lớn”

Nguyễn Anh