Tiếp sức cho doanh nghiệp trong “cuộc chơi lớn”

14:00 | 10/07/2018

203 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong quá trình hội nhập kinh tế, Việt Nam đang ngày càng trở nên “nhạy cảm” hơn với những biến động của kinh tế thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu - “cuộc chơi” hội nhập lớn. Phóng viên Báo Năng lượng Mới ghi lại một số ý kiến của đại diện DN tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 (VBF giữa kỳ 2018).
tiep suc cho doanh nghiep trong cuoc choi lon

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng:

Khu vực FDI đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị DN, phát triển kỹ năng lao động… Tuy nhiên, sự liên kết giữa DN FDI với DN trong nước cùng tham gia chuỗi giá trị chưa đạt như kỳ vọng, phát triển công nghiệp hỗ trợ và hoạt động chuyển giao công nghệ còn ở mức thấp.

Để tăng cường sự liên kết, các DN FDI cần chủ động tạo điều kiện cho các DN Việt Nam có cơ hội từng bước tham gia vào chuỗi giá trị. DN trong nước phải nỗ lực đổi mới tư duy quản lý theo hướng hiện đại, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao kỹ năng và trình độ lao động, tăng năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Đồng hành cùng với DN, Chính phủ có các giải pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự liên kết giữa DN trong nước và DN nước ngoài một cách hiệu quả và dễ tiếp cận.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Thực hiện triệt để các cải cách

tiep suc cho doanh nghiep trong cuoc choi lon

Thương mại thế giới nửa đầu năm 2018 tiếp tục diễn biến phức tạp vốn đã xuất hiện từ 2017, nhưng càng lúc càng căng thẳng hơn. Đáng chú ý là những căng thẳng trong thương mại Mỹ - Trung Quốc. Gần như mỗi tuần đều có tin tức về những tuyên bố, đe dọa bảo hộ, trừng phạt và trả đũa từ các nền kinh tế lớn... Trong bối cảnh đó, tin mừng là thương mại và đầu tư Việt Nam cho đến nay vẫn tương đối ổn định. Hoạt động xuất khẩu không bị biến động lớn, thậm chí tăng nhẹ so với 2017. Xuất khẩu của các DN FDI vẫn là động lực chính, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hoạt động đầu tư cũng ổn định, bình thường.

Điều này có được là nhờ một phần từ yếu tố khách quan do Việt Nam chưa phải đối mặt trực diện với các biện pháp bảo hộ ở các thị trường với các sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng, phần lớn lý do nằm ở các hành động chủ động của Chính phủ và cộng đồng DN. Ở trong nước, một loạt các động thái cải cách của Chính phủ, đặc biệt liên quan tới xuất nhập khẩu và đầu tư (điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành…) đang mang lại những kết quả bước đầu tích cực. Với thế giới, Việt Nam đã có thêm những những bước đi quan trọng hướng tới tự do hóa thương mại, mở cửa nền kinh tế thông qua việc Chính phủ ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), triển khai thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO...

Cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh là biện pháp mà chúng ta luôn có thể chủ động thực hiện, luôn khả thi và ít tốn kém trong khi hiệu quả lại rất đáng kể, đặc biệt trong thúc đẩy xuất nhập khẩu, tận dụng cơ hội mới về thương mại và đầu tư.

Tuy nhiên, trên bình diện chung, những căng thẳng thương mại có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt khi các tuyên bố bảo hộ hay trả đũa của các nền kinh tế lớn được hiện thực hóa sẽ gây ra những chuyển động bất thường, khó nắm bắt cho kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó có thể là những thị trường đột nhiên bị bỏ trống, tạo cơ hội cạnh tranh mới cho hàng hóa Việt Nam. Nhưng cũng có thể sự chuyển dịch của dòng đầu tư có thể ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực đến các nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán cũng có thể có nguy cơ bất ổn. Từ góc độ xuất khẩu, mặc dù kim ngạch không giảm nhưng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang giảm dần qua các tháng. Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là thủy sản, cũng gặp một số trở ngại mới ở các thị trường lớn. Ở trong nước, mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhưng trên thực tế không phải tất cả các bộ, ngành, các địa phương đều có hành động cụ thể và thực chất.

Trước thực tế đó, cộng đồng DN trong và ngoài nước đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện triệt để cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bởi cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh là biện pháp mà chúng ta luôn có thể chủ động thực hiện, luôn khả thi và ít tốn kém trong khi hiệu quả lại rất đáng kể, đặc biệt trong thúc đẩy xuất nhập khẩu, tận dụng cơ hội mới về thương mại và đầu tư.

tiep suc cho doanh nghiep trong cuoc choi lon

Đồng thời, cần nỗ lực mở các con đường ưu tiên cho DN xuất khẩu thông qua các FTA, cụ thể: Tiến hành các thủ tục phê chuẩn CPTPP để hiệp định này sớm có hiệu lực với Việt Nam và triển khai ngay công tác chuẩn bị thực hiện các cam kết trong hiệp định; thúc đẩy ký kết EVFTA càng sớm càng tốt; thúc đẩy thực thi có hiệu quả các FTA khác…

Đồng chủ tịch VBF 2018 Tomaso Andreatta: Giảm gánh nặng thuế, phí cho doanh nghiệp

tiep suc cho doanh nghiep trong cuoc choi lon

Năm 2018 là năm tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và duy trì được nguồn đầu tư ổn định từ bên ngoài. Chính phủ xứng đáng được tín nhiệm vì sự ổn định về kinh tế và kiềm chế nợ công. Đặc biệt với tư cách là một đại diện ngân hàng, tôi rất hoan nghênh sự tiến bộ đáng kể của Việt Nam trong bảng xếp hạng điểm tín dụng của Fitch.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến xu thế này. Đó là việc có thể xảy ra vỡ bong bóng bất động sản và gây hậu quả tới hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đó là sự bảo hộ ngày càng tăng của nhiều quốc gia và khu vực kinh tế ảnh hưởng đến thương mại Việt Nam, đặc biệt khi so với các nền kinh tế, Việt Nam dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các cuộc chiến tranh thương mại. Vậy nên, lựa chọn đúng đắn cho Việt Nam không phải là bảo vệ thị trường nội địa mà cần tiếp tục có nhiều hiệp định thương mại tự do và cải cách hệ thống luật pháp để tuân thủ các hiệp định này.

Về liên kết giữa DN trong nước và DN FDI, phải nói rằng, cơ cấu DN trong nước của Việt Nam đang có nhiều vấn đề. Đó là quy mô quá nhỏ, thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho các khách hàng có thị trường toàn cầu. Đây là lý do tại sao DN FDI vẫn phải mang các nhà cung cấp từ bên ngoài vào thay vì đưa các công ty Việt Nam vào cùng tham gia ở nhiều cấp độ.

Giảm gánh nặng thuế, phí sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho các công ty trong nước để đầu tư vào công nghệ, thu hút các công ty nước ngoài vào thị trường nội địa, mở ra cánh cửa hợp tác giữa hai bên.

Một vấn đề nữa là hạn chế của Việt Nam trong việc thu hút công nghệ cao. Dù có dân số đông nhưng quy mô tiền tệ của thị trường đối với hầu hết các sản phẩm, từ tiêu dùng đến công nghiệp, đều rất hạn chế.

Thứ nữa, có không ít vấn đề liên quan đến thuế và hải quan cũng gây nhiều khó khăn, tốn kém cho DN, cả về thời gian và tiền bạc và công sức. Điều này khiến nhiều công ty sản xuất tại Việt Nam phải tái xuất 100% hàng hóa và như vậy, một lần nữa đã cô lập các DN trong nước khỏi các DN FDI.

Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng, một mặt cần hướng dẫn các công ty lớn trong nước từ bỏ bất động sản và đặt nền tảng cho các công ty thuộc các ngành công nghiệp và công nghệ hiện đại. Cần tập trung các công ty hiện nay thành những công ty lớn có đủ khả năng tham gia vào những hoạt động kinh doanh phức tạp, có thể thu hút được những tài năng cần thiết. Mặt khác, giảm gánh nặng thuế, phí sẽ giúp giải phóng nguồn lực cho các công ty trong nước để đầu tư vào công nghệ, thu hút các công ty nước ngoài vào thị trường nội địa, mở ra cánh cửa hợp tác giữa hai bên.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Micheael Kelly: Pháp luật phải được thực hiện bình đẳng

tiep suc cho doanh nghiep trong cuoc choi lon

Thương mại là nền tảng trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và điều này được thể hiện nổi bật trong chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Việt Nam tháng 11-2017. Trong các cuộc gặp của Tổng thống Trump tại Hà Nội, hai bên đã thống nhất tăng cường, mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư song phương phù hợp với cam kết của Tổng thống Trump trong việc theo đuổi thương mại công bằng có đi có lại với các đối tác thương mại chủ chốt.

Nhiều công ty của Hoa kỳ đang có các hoạt động tại Việt Nam cũng đã rất nỗ lực giúp Việt Nam trở nên năng động, hiệu quả hơn. Các công ty Hoa kỳ đã đầu tư nhiều tỉ USD hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, tạo thêm các công việc chất lượng cho người lao động Việt Nam, mở ra một thị trường mới cho hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ.

Chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Trump đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho các công ty Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nhiều khoản đầu tư chưa được hiện thực hóa do các thách thức đến từ môi trường pháp lý, thể chế và cấp phép chưa rõ ràng, còn phức tạp và nhiều hạn chế. Các công ty thành viên của AmCham cần nhiều hơn những nỗ lực cải cách nhằm tạo môi trường cạnh tranh và công bằng hơn, các quyết định cần được ban hành kịp thời hơn, các thủ tục bớt rườm rà hơn, pháp luật cần phải được thực hiện một cách bình đẳng, các công ty cạnh tranh bằng chính giá trị của họ, bao gồm cả khả năng được tiếp cận đất đai và các cơ hội khác.

AmCham vui mừng nhận thấy CPTPP đang có những tiến triển. Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ có thể tham gia hiệp định này trong tương lai. Gần đây, Tổng thống Trump đã chỉ đạo các cố vấn thương mại xem xét lại hiệp định này. Nếu Tổng thống thật sự mong muốn quay trở lại thảo luận về CPTPP, đây sẽ là tin tốt lành cho các công ty, các nhà đầu tư, công nhân, nông dân và người tiêu dùng cả hai nước Việt Nam và Hoa kỳ. Nhưng dù kết quả CPTPP có như thế nào thì quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn rất quan trọng đối với cả hai nước, đặc biệt là đối với cộng đồng DN.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Nicolas Audier:

tiep suc cho doanh nghiep trong cuoc choi lon

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ lớn trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề phải làm. Việc giải quyết triệt để những vấn đề này sẽ giúp tăng cường hợp tác giữa các công ty quốc tế và các công ty trong nước để tận dụng các lợi ích chung của cả đôi bên.

Để làm được điều đó, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục đổi mới một cách ấn tượng như vừa qua. Cụ thể hơn, chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, hỗ trợ thêm về chính sách cho các cơ chế giải quyết tranh chấp và thực hiện Luật Đầu tư, Luật DN một cách nhất quán; có những thay đổi tích cực trong việc thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như pháp luật về chuyển giao công nghệ được hướng dẫn thi hành một cách rõ ràng và cụ thể.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JICCI) Koji Ito:

tiep suc cho doanh nghiep trong cuoc choi lon

Tăng cường quan hệ giữa DN Việt Nam và DN FDI là yêu cầu hết sức quan trọng để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì thế, chúng tôi cho rằng, một trong những trách nhiệm của Chính phủ là đặt ra những quy định để tạo điều kiện cho DN có môi trường hoạt động thông thoáng đến mức tối đa, trong khi vẫn bảo đảm kỷ cương chặt chẽ. Cụ thể, phải làm thế nào để hai phía, DN Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và DN FDI với nguồn vốn lớn, kinh nghiệm làm ăn, tăng cường tiếp cận được với các nguồn lực mà DN cần như con người, sản phẩm, vốn.

Thanh Ngọc