Thương mẹ, tôi quyết theo... nghề Điện

11:56 | 22/04/2020

915 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tuổi thơ của tôi gắn liền với những tháng ngày theo chân mẹ – một thu ngân viên Công ty Điện lực Quảng Bình, rong ruổi trên chiếc xe đạp Thống Nhất. Nhờ đó, tôi mới thấu hiểu sự vất vả của nghề thu ngân.

Mới học lớp 5, vào những ngày được nghỉ học, tôi thường theo mẹ đi thu tiền điện. Tôi dậy sớm hơn ngày thường, có lẽ do tâm lý háo hức của trẻ nên không ngủ được. Thấy vậy, mẹ lại vỗ về “ngủ tý nữa đi con, sau 8 giờ sáng mới đi mà”. Mẹ tôi bảo, đến nhà khách hàng sớm quá vừa phiền, vừa ngại, nhiều khi trùng vào ngày đầu tháng Âm lịch hay kiêng kỵ. Trước khi đi, bao giờ ba tôi cũng cẩn thận, kiểm tra phanh và bơm hai lốp xe cho thật căng, mẹ lo chuẩn bị nhiều tiền lẻ để tiện trả lại khách hàng.

Mẹ tôi thường phải đạp xe qua những cánh đồng vắng vì địa bàn thu ngân của mẹ khá rộng, nhiều vùng cách xa trung tâm. Trời nắng còn dễ chịu, nếu gặp hôm trời mưa, rét, đường bùn đất lầy lội, trơn trượt, thực sự là nỗi khổ cực với mẹ con tôi. Có hôm, hai mẹ con bị ngã xuống ruộng, bẩn hết cả người. Sợ lần sau không được đi theo mẹ nữa, nên dù đau điếng người mà tôi không dám khóc. Tuy nhiên, điều tôi nhớ nhất vẫn là đi thu tiền mà gặp phải những khách hàng khó tính, hay thắc mắc. Lắm lúc, đứng chờ cả tiếng đồng hồ để họ kiểm tra chỉ số công tơ, đối chiếu hóa đơn, hỏi về giá điện, các định mức… xong rồi họ lại bảo “chưa đủ tiền, lần sau quay lại”. Nhiều nơi, chủ nhà đi vắng, qua lại nhiều lần vẫn không gặp, vòng đi, vòng lại cả chục lần, vẫn cửa khóa, then cài.

Bù lại những vất vả khi “bám càng”, thỉnh thoảng tôi lại được mẹ thưởng cho những món quà nho nhỏ, lúc thì cái kẹo cau, khi thì cái bánh khảo, thi thoảng lại trái ổi, trái đào… Tuy nhiên, có một lần xảy ra “sự cố” đã khiến tôi không còn muốn đi theo mẹ nữa. Sự việc ngày đó đã ám ảnh tôi cho đến khi trưởng thành. Tôi là chúa sợ chó. Nhưng đi thu tiền điện thì thường xuyên phải đối mặt với chó. Biết vậy, nhà nào có chó dữ, tôi đều đứng ở ngoài chờ mẹ. Hôm đó, như thường lệ, tôi đứng chờ ở cổng vì nhà đó có con Becgie rất to. Đang say sưa nhón chân lên hàng rào, nhìn vào khoảng sân rộng có nhiều hoa và cây cảnh, đột nhiên tôi nghe tiếng hét. Hốt hoảng lao về phía trong cánh cổng, khựng lại, người tôi sởn gai ốc, tim tôi như có một luồng điện chạy qua, hai chân cứng như đá, tôi chết lặng người khi nhìn thấy con chó hung dữ đang vồ lấy mẹ. Tôi hét lên, muốn chạy ào đến bên mẹ mà không hiểu sao chân tôi không thể nào nhúc nhích được.

Chứng kiến con chó to dữ tợn vồ cắn chân tay mẹ mình, tôi hoảng loạn quá đỗi. Đã hai mươi mấy năm rồi, nhưng giờ nhớ lại, sống lưng tôi vẫn lạnh toát. Tôi cuống cuồng nhìn quanh, thấy viên gạch hoa vỡ nằm góc cổng, tôi vơ lấy, cố hết sức mình ném về phía con chó. Nhưng với sức của bé gái học cấp hai thì chẳng có tác dụng gì hết! Tôi chỉ biết òa khóc. Cũng may lúc ấy bác chủ nhà kịp chạy ra. Mẹ tôi ngồi sụp xuống, mặt tái xanh. Mẹ loạng choạng đứng dậy, dường như nén cơn đau, rút tập hóa đơn ra, lật lật, tìm tìm, xé liên hóa đơn đưa cho chủ nhà, tay run run trông thật tội nghiệp! Giữ lại cuống lưu cho vào túi xách, mẹ nhận tiền, chào chủ nhà và nhúc nhắc quay ra. Trời đã về trưa, ánh nắng chói chang chiếu vào mắt cay xè, tay tôi ôm chặt mẹ, nín lặng trong tiếng nấc nghẹn. Nhìn dáng mẹ mệt mỏi đạp những vòng xe chậm rãi, mắt tôi nhòa đi…

Sau sự cố ấy, tôi nghĩ công việc thu tiền điện thật vất vả, đêm về lại phải sổ sách, cộng trừ, đếm đi đếm lại xem bị thiếu, bị mất tiền hay không? Có hôm thu nhầm phải tiền giả, mẹ lại buồn không ngủ được. Ngày nắng, mồ hôi nhễ nhại, ngày mưa thì trầy lên trượt xuống, áo mưa trùm hết lớp này đến lớp kia, trú hết chỗ này qua chỗ khác, không lo ướt người chỉ lo ướt hóa đơn… Bao năm, mẹ vẫn gắn bó với nghề, vẫn yêu quý trân trọng vô cùng cái nghề thu tiền điện. Thế rồi mẹ tôi ốm nặng, bệnh viện nói mẹ bị bệnh tim. Ba tôi quyết định xin cho mẹ nghỉ việc. Mẹ buồn lắm. Hôm chia tay đồng nghiệp, tôi thấy mẹ đứng bên cây mít sau nhà bếp khóc nức nở.

Thương mẹ, tôi quyết định theo học nghề điện. Ngày thi vào ngành, tôi cũng ra thao tác tại cột điện như con trai, thực hiện các bước trèo cột, vệ sinh sứ… Người ta nói, nghề là duyên, cái nghề lúc nhỏ tôi đã từng thích, rồi lại từng hứa với lòng “không bao giờ”, nay lại khiến tôi quyết tâm theo học bằng được. Sau cuộc thi, tôi chính thức trở thành công nhân Trạm 100 kV Kỳ Anh, thuộc Công ty Điện lực Hà Tĩnh. 16 năm công tác, trải qua nhiều môi trường, công việc khác nhau, dù bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng luôn cố gắng hết mình với nghề đã chọn, một phần vì “yêu”, một phần vì muốn tiếp theo bước chân của mẹ… Khó khăn nhiều, thử thách không ít, nhưng chưa một lần, tôi thấy hối tiếc với sự lựa chọn của mình…. Thỉnh thoảng, tôi lại chở con gái sau xe, không phải chiếc xe đạp như thời xưa của mẹ, nhưng có lẽ con gái tôi cũng cảm nhận được những gì tôi kể về bà ngoại, những câu chuyện về ký ức tuổi thơ và cơ duyên đưa tôi đến với ngành Điện.

Có lẽ, thời của mẹ, nằm mơ cũng không dám nghĩ ngành Điện lại có sự phát triển mạnh mẽ như hôm nay. Tôi muốn về ôm mẹ ngủ, kể cho mẹ nghe về các hình thức thu tiền điện hiện đại và khác xưa như thế nào, để mẹ biết về văn hóa doanh nghiệp, các dịch vụ điện… mà ngành của mẹ đang triển khai và gặt hái được nhiều thành công! Vẫn biết mẹ không còn minh mẫn, không thể nhớ hết những gì tôi chia sẻ, nhưng chắc chắn một điều, mẹ sẽ rất sung sướng và hãnh diện về ngành Điện và tôi.

Phương Thảo