Thượng đỉnh Bộ Tứ cam kết thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở

20:59 | 27/09/2021

341 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - CNBC ngày 27/9/2021 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp đón các Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Thủ tướng Úc Scott Morrison, tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ trực tiếp đầu tiên tại Washington DC hôm Thứ Sáu (24/9).
Thượng đỉnh Bộ Tứ cam kết thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Úc Scott Morrison (bên trái) và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suda trong Phòng Đông (East Room), Nhà Trắng. Ảnh: Evan Vucci/AP.

Bốn nước tham gia liên minh Đối thoại An ninh Tứ giác, gọi là Quad (Bộ Tứ), khẳng định cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa nhập. Trong tuyên bố chung, Tổng thống Mỹ Biden và các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Nhật Bản và Úc cam kết nhất trí cùng nhau thúc đẩy một trật tự tự do, rộng mở, dựa trên các quy tắc của luật pháp quốc tế và không bị ép buộc, để củng cố an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo Bộ Tứ khẳng định ủng hộ thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Một số sáng kiến mới của Bộ Tứ

Hôm Thứ Sau, các nhà lãnh đạo Bộ Tứ khẳng định tiếp tục thực hiện các cam kết đã có, đồng thời công bố một số sáng kiến mới, đó là: Vắc-xin phòng ngừa Covid-19: Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc cam kết tài trợ hơn 1,2 tỷ liều vắc-xin Covid-19 trên toàn cầu, ngoài số vắc-xin mà bốn quốc gia đã tài trợ thông qua chương trình Covax, cơ sở tiếp cận vắc xin quốc tế cho các quốc gia có thu nhập thấp. Ấn Độ, một trong những nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, cho biết sẽ nối lại xuất khẩu vắc-xin bắt đầu từ tháng tới. Nhóm điều phối cơ sở hạ tầng: Các nhà lãnh đạo Bộ Tứ đã công bố một nhóm phối hợp các nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các đối tác trong khu vực để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương. Đối phó với biến đổi khí hậu: Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là một trong những nội dung hợp tác quan trọng của Bộ Tứ. Bộ Tứ đã công bố một số biện pháp, trong đó có việc thiết lập một mạng lưới vận tải biển xanh và các cảng chính của mỗi quốc gia sẽ được mời làm việc cùng nhau để giảm lượng khí thải carbon từ chuỗi giá trị vận tải biển. Các công nghệ quan trọng mới nổi: Liên quan đến các công nghệ mới nổi quan trọng như 5G và chất bán dẫn, Bộ Tứ đã công bố kế hoạch thiết lập một sáng kiến ​​chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đưa ra lộ trình và xác định các điểm dễ bị thương tổn, đảm bảo sự tiếp cận an toàn với chất bán dẫn và các thành phần quan trọng của chúng. Vũ trụ: Bốn nước Bộ Tứ có kế hoạch hợp tác về công nghệ vũ trụ, thành lập một nhóm làm việc mới để thảo luận về cách thức trao đổi dữ liệu vệ tinh quan sát Trái đất và phân tích các rủi ro biến đổi khí hậu.

Thượng đỉnh Bộ Tứ cam kết thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ trong Phòng Đông, Nhà Trắng. Ảnh: Sarahbeth Maney/Getty Images.

Dư luận về Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ trực tiếp đầu tiên.

Tuyên bố của Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ không đề cập đến Trung Quốc hoặc ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Một số giới cho rằng Bộ Tứ là một liên minh chống Trung Quốc, một phần là do các động thái ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh trong các tranh chấp ở Biển Hoa Đông và Biển Đông trong những năm gần đây. Bốn thành viên Bộ Tứ đã tham gia các cuộc tập trận hải quân chung và tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng với nhau. Tuy nhiên, các thành viên Bộ Tứ đã tránh đề cập rõ ràng đến Trung Quốc trong các tuyên bố công khai của mình, thay vào đó tập trung vào các vấn đề chung như chống đại dịch Covid-19 và sức khỏe toàn cầu, cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu. Tuyên bố của Nhà Trắng về Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ sẽ tập trung vào việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ của chúng tôi và thúc đẩy hợp tác thiết thực trên các lĩnh vực như chống đại dịch Covid-19, giải quyết khủng hoảng khí hậu, hợp tác về các công nghệ mới nổi và không gian mạng, đồng thời thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.” Phát biểu của Nhà Trắng rõ ràng cho thấy sự hợp tác giữa các nước Bộ Tứ sẽ được mở rộng vượt ra ngoài lĩnh vực an ninh sang các lĩnh vực khác. Chính quyền Biden đã mang đến một sự thay đổi to lớn trong cách tiếp cận của mình đối với các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và năng lượng sạch, khác hẳn với cách tiếp cận đơn độc dưới chính quyền Trump.

Harsh Pant, người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Observer ở New Delhi, cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc có thể nhìn thấy rõ trong tất cả các sáng kiến ​​mà các nước thành viên Bộ Tứ theo đuổi, trong đó có ngoại giao vắc-xin, xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác công nghệ và an ninh trên biển. Phát biểu với CNBC hôm thứ Hai, Harsh Pant cho rằng các quốc gia Bộ Tứ muốn cung cấp các giải pháp thay thế cho những gì Trung Quốc đang muốn cung cấp thông qua mô hình của riêng Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc cho rằng liên minh Bộ Tứ “sẽ thất bại”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên phát biểu tại họp báo hôm Thứ Sáu nói rằng Quad "sẽ không tìm thấy sự ủng hộ và chắc chắn sẽ thất bại”./.

Thanh Bình