Thực phẩm “bẩn” vào mùa Tết

07:00 | 20/12/2013

921 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang trở thành vấn đề đáng báo động, nhất là trong dịp tết. Nó không chỉ ảnh hưởng đối với sức khỏe mà còn gây hoang mang cho người tiêu dùng. Dù biết là độc hại, nhưng vẫn mua vẫn dùng. Vì thế, người tiêu dùng vẫn chỉ biết trông chờ các cơ quan chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng này để không phải rơi vào cảnh “vừa ăn vừa lo”.

Nhiễm độc tràn lan

Kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng nông lâm thủy sản gần đây đã phát hiện một số mẫu củ cải trắng, quýt và cà rốt có lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép; một số mẫu thịt gà nhiễm khuẩn campylobacter spp gây nguy cơ ngộ độc.

Ngày 9/12, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đã tiến hành kiểm tra 9.052 lô hàng có nguồn gốc thực vật nhập khẩu với tổng trọng lượng  689.685 tấn với hơn 90 mặt hàng nhập khẩu từ ngày 30/10/2013 đến ngày 5/12/2013.

Đoàn kiểm tra đã lấy 96 mẫu rau, củ quả để kiểm tra ATTP, kết quả cho thấy,  8,33% có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép gồm các mẫu củ cải trắng, quýt, cà rốt và đã xử lý theo quy định.

Nội tạng bẩn vận chuyển về thủ đô

Hiện nay, đa số rau, củ, quả nhập khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, trên 8% mẫu rau, củ, quả nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vượt ngưỡng là tương đối lớn. Đó chỉ là những con số được cơ quan chức năng phát hiện. Thực chất, trong quá trình lưu thông, buôn bán, thương lái sẽ còn tiếp tục sử dụng các chất bảo quản khiến sản phẩm hàng hóa thêm thiếu an toàn.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản cho biết, kết quả chương trình giám sát ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm tại các tỉnh phía bắc trong tháng 11 cho thấy: 4/54 mẫu thịt gà (7,4%) có chứa campylobacterspp, một loại vi khuẩn là nguyên nhân chính gây các bệnh về ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn. Có 2/40 mẫu (5%) và 4/40 mẫu (10%) dương tính lần lượt với chloramphenicol và furazolidon (2 chất cấm). Có 4/40 (10%) mẫu phát hiện tetracycline vượt giới hạn dư lượng tối đa cho phép.

Bia rượu rởm gây hại

Rượu là đồ uống phổ biến mỗi dịp tết. Tuy nhiên, các vụ ngộ độc rượu liên tiếp tại tỉnh Quảng Ninh gần đây khiến gần 20 người nhập viện, 6 người đã tử vong đã dấy lên hồi chuông báo động về việc người dân sử dụng rượu tràn lan, nhất là rượu không nguồn gốc, rượu kém chất lượng...

Theo kiểm nghiệm của Bộ Y tế, 5/6 mẫu rượu 29 Hà Nội mà những người này uống có hàm lượng methanol cao gấp 2.000 lần cho phép.

Ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Ngộ độc, Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, đây là vụ ngộ độc rượu có hàm lượng methanol cao nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại miền Bắc. Kiểm tra tại Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội cũng cho thấy, trong số 11 sản phẩm do công ty sản xuất, có thêm 3 sản phẩm nữa cũng chứa hàm lượng methanol cao vượt mức cho phép nhiều lần.

Cục ATTP cho biết, tại 3 tỉnh thành (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương), cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 21.000 bình (chai) rượu do Công ty CP Xuất nhập khẩu 29 Hà Nội sản xuất.

Theo cơ quan chức năng, nước ta có gần 330 cơ sở sản xuất rượu, sản lượng 360 triệu lít/năm; 320 cơ sở sản xuất nhỏ, sản lượng dưới 1 triệu lít/năm/cơ sở và hàng chục vạn hộ gia đình tự nấu rượu để uống, khoảng 250 triệu lít/năm. Ngoài ra, còn có rất nhiều rượu được nhập ngoại và rượu nhập lậu. Trong số này rượu rởm có tỷ lệ khá lớn. Người Việt Nam cũng tiêu thụ lượng rượu khá lớn, vì thế, hằng năm các ca ngộ độc do rượu và tử vong do rượu không hề giảm.

Tại TP Hồ Chí Minh, vấn nạn bia rởm, bia giả với điểm nhấn là đường dây sản xuất - tiêu thụ khoảng 1.000 két bia Heineken dởm do đối tượng Võ Hoàng Giang cầm đầu đã dấy lên mối lo ngại về vấn đề vệ sinh, an toàn chất lượng thực phẩm, trong đó có loại “bia đẳng cấp” Heineken rởm đang diễn biến phức tạp với chiều hướng xấu. Vì lợi nhuận, bọn gian thương không từ nan bất kỳ thủ đoạn nào để kiếm lời, bao nhiêu cũng ít...

Vụ phát hiện và xử lý đường dây sản xuất tiêu thụ bia Heineken dỏm trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong lĩnh vực bia rượu. Điều này đồng nghĩa với việc ngày lại ngày, trên những cung đường bia bọt, giới thích nhậu vẫn trả tiền thật để nạp vào cơ thể bia rượu dỏm kém chất lượng, tiềm ẩn độc chất, vi trùng rất nguy hại cho sức khỏe cả hiện tại lẫn tương lai.

Giới lai rai phổ biến kinh nghiệm không chỉ bia Heineken, với các loại bia khác, để tránh uống phải bia rởm, tốt nhất hãy tự tay bật nắp chứ đừng để người của quán bật. Bia giả, bia rởm khi bật nắp thì lượng gas rất kém, bởi trong quá trình làm giả do bị sang chiết nên lượng gas giảm đi.

Theo TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trung tâm thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc rượu, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết. Các ca ngộ độc rượu thường do trong rượu có hàm lượng methanol quá cao.

Các bệnh nhân đều trong tình trạng hôn mê sâu, khó thở, tụt huyết áp, nhiễm toan (nhiễm axít trong máu).Methanol khi vào máu không chuyển hóa và đào thải bình thường được mà chuyển thành nhiều chất độc, tàn phá cơ thể như: Ngộ độc hệ thần kinh, gan thận, khiến bệnh nhân bị các biến chứng nặng nề như suy thận, vô niệu, suy gan, viêm gan, vàng da, hôn mê, viêm dây thần kinh thị giác dẫn đến mù… Tỷ lệ tử vong của những người ngộ độc methanol nặng là rất cao.

Cẩn thận với phủ tạng khoái khẩu

Sáng 4/11, Tổ công tác của Đội CSGT số 14, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội phát hiện trong thùng xe tải BKS 99K-8058 đang lưu thông trên đường dẫn cầu Thanh Trì có những dấu hiệu nghi vấn nên cho kiểm tra. Lúc này, lái xe tải là Trương Đình Thanh, ở Yên Phong, Bắc Ninh nói rằng, trong thùng xe chỉ có lượng nhỏ hàng hóa đông lạnh theo đúng tiêu chuẩn VSATTP.

Tuy nhiên, khi kiểm tra, bên trong chứa nhiều thùng xốp được dán băng dính. Trong mỗi thùng xốp này chứa hàng trăm kg lòng lợn, lục phủ ngũ tạng của động vật như trâu, bò... đã bốc mùi. Tổng số lượng lô hàng này ước chừng khoảng gần 1 tấn.

Lái xe Trương Đình Thanh cho biết, được một chủ hàng giao chở thuê số lòng đã bốc mùi hôi thối này về Bắc Ninh và Hà Nội để tiêu thụ.

Trung tá Nguyễn Mạnh Dầu cho biết, thay vì thủ đoạn cất giấu hàng trong hầm xe khách như trước, nhiều lái xe hiện đã chuyển phương tiện vận chuyển sang các xe tải thùng kín, loại xe chuyên chở hàng đông lạnh để vận chuyển hàng hóa lậu, thực phẩm không bảo đảm chất lượng vệ sinh.

Phương Vũ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc