Thúc đẩy phát triển kinh tế hậu Covid-19

07:05 | 02/12/2020

150 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phát triển kinh tế Việt Nam” vừa tổ chức ở TP HCM, các Việt kiều đã có nhiều đề xuất, giải pháp thúc đẩy kinh tế nước ta trong thời gian tới. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến tại hội nghị.
Thúc đẩy phát triển kinh tế hậu Covid-19
TS Nguyễn Trí Hiếu

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng: Lập tổ hợp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

Trong khi các doanh nghiệp (DN) bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp bởi đại dịch Covid-19, ngân hàng nổi lên như là một lĩnh vực kinh doanh tương đối khả quan, tính thanh khoản tốt và lợi nhuận cao, cần tham gia tích cực vào việc cung cấp vốn cho các DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa.

Chính phủ cần phải xem xét lại gói hỗ trợ mới 100.000 tỉ đồng sắp được triển khai tới đây. Nếu như gói hỗ trợ mới này lại giống với 4 gói hỗ trợ trước thì không biết chừng nào DN mới có được nguồn vốn để đầu tư phục hồi sản xuất kinh doanh. Nếu như không có tiền, không có công nghệ thì sẽ không có cải tiến khoa học kỹ thuật và DN sẽ không có được những tiến bộ đột phá. Như vậy, chỉ trong vòng 3-6 tháng, DN sẽ phải đóng cửa.

Chính phủ cần một kế hoạch cụ thể vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN nhỏ và vừa, cụ thể, cần thành lập một tổ hợp tín dụng để hỗ trợ DN, trong đó, Ngân hàng Nhà nước chủ trì xây dựng, các ngân hàng đều phải tham gia với mức 3-3,5% tổng dư nợ hiện tại. Theo dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến cuối tháng 8-2020 là 8,59 triệu tỉ đồng, ngành ngân hàng sẽ có tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỉ đồng, tương đương gói hỗ trợ của Chính phủ. Quan trọng nhất là phải cho vay tín chấp. DN đã thế chấp hết tài sản để cầm cự hoạt động trước đó, nên bây giờ muốn cứu DN không thể đòi hỏi cho vay thế chấp được.

Thúc đẩy phát triển kinh tế hậu Covid-19
Thúc đẩy phát triển kinh tế hậu Covid-19

Ở chiều ngược lại, ngân hàng cũng rất lo phát sinh nợ xấu nên khi thành lập tổ hợp tín dụng cần có cơ chế bảo đảm cho ngân hàng thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia.

Để tránh lãng phí tín dụng cho những DN đang chết lâm sàng, không có cơ hội khôi phục hoạt động, tổ hợp tín dụng chỉ nên xét duyệt cho vay đối với các DN có vốn chủ sở hữu dương. Khoản vay tối đa không vượt quá 3 lần số vốn này và lãi suất chỉ nên 3-5%/năm. Đồng thời, DN vay trong thời hạn 5 năm và được ân hạn nợ gốc, lãi vay trong năm đầu tiên.

Thúc đẩy phát triển kinh tế hậu Covid-19
TS Hoàng Xuân Bình

TS Hoàng Xuân Bình - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan: Tận dụng EVFTA để xuất khẩu

Với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, đã đến lúc Việt Nam hình thành các trung tâm hỗ trợ xuất khẩu tại EU. Việc đầu tư các trung tâm như thế rất lớn, do vậy, phương hướng tốt nhất là các trung tâm thương mại của Việt kiều hợp tác với các doanh nghiệp trong nước, từng bước chuyển đổi thành các trung tâm hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt Nam.

Việt Nam có lợi thế là đội ngũ hàng vạn Việt kiều tại EU. Các trung tâm thương mại của người Việt có hàng nghìn DN kinh doanh với hơn 20 năm kinh nghiệm làm ăn, nhưng đang buôn bán hàng hóa nguồn gốc từ Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và EU.

Các doanh nghiệp tại Ba Lan, nhất là các trung tâm thương mại của Việt kiều, cũng mong muốn cùng đầu tư và hợp tác với các DN trong nước để xây dựng trung tâm hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt Nam tại EU. Nhiệm vụ của các trung tâm này là nghiên cứu thị trường, giúp các DN trong nước hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn EU, quảng bá sản phẩm, tìm đối tác tiêu thụ, làm đại diện, đại lý cho doanh nghiệp trong nước...

EVFTA cũng là cơ hội để các DN Việt kiều định hướng lại phương hướng kinh doanh và mở ra cơ hội hợp tác cùng với các DN trong nước. Các DN Việt kiều hiện đang quan tâm tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới vì sự phát triển của DN.

Thúc đẩy phát triển kinh tế hậu Covid-19
GS Hà Tôn Vinh

GS Hà Tôn Vinh - chuyên gia tư vấn tài chính cơ sở hạ tầng: Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn (circular economy) là một mô hình kinh tế khá mới mẻ. Kinh tế tuần hoàn đi đôi với sự phát triển công nghệ số, công nghệ sinh học và nền kinh tế số của một quốc gia. Nền kinh tế tuần hoàn áp dụng một quy trình gọi là 5-R, gồm việc tái sử dụng, sửa chữa, tân trang, tái sản xuất và tái chế. Vòng tròn 5-R giảm đến mức tối thiểu số lượng tài nguyên sử dụng đầu vào và số lượng phế thải tạo ra, cũng như giảm mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải.

Nền kinh tế tuần hoàn là một mô hình hợp tác công tư hoàn hảo. Chính phủ không bị thêm nhiều áp lực tìm và mua tài nguyên quý hiếm, đắt đỏ từ thị trường quốc tế. Chính phủ có thể hướng dẫn, hỗ trợ DN với các chính sách tài trợ việc nghiên cứu các sản phẩm và dịch vụ kinh tế tuần hoàn. DN sẽ thấy các hoạt động kinh tế tuần hoàn hấp dẫn và cần thiết khi chi phí đầu vào thấp, lợi nhuận gia tăng, áp lực tìm nguồn cung cấp nguyên liệu giảm đáng kể. Sản phẩm không phải bán, sử dụng, rồi vứt bỏ mà có thể cho thuê ngắn hạn hay dài hạn, có thể được trao đổi, sửa chữa, nâng cấp...

Nhìn vào tác động tiêu cực của nền kinh tế tiêu dùng truyền thống đối với vật liệu, tài nguyên thiên nhiên, ai cũng thấy kinh tế tuần hoàn là giải pháp tối ưu và cần thiết. Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm và bài học của các nước đã thành công trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn như các nước Bắc Âu, Canada, Nhật Bản, Singapore... Việc Chính phủ và DN Việt Nam chung tay phát triển kinh tế tuần hoàn chắc chắn sẽ giúp xã hội và DN phát triển bền vững.

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc