Thổ Nhĩ Kỳ hậu đảo chính sẽ đi về đâu?

14:00 | 19/07/2016

881 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ đảo chính bất thành đã để lại những hậu quả nặng nề cho cả chính quyền lẫn xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, và những ảnh hưởng tiêu cực của nó sẽ còn phát triển lâu dài trong tương lai.
tin nhap 20160719122013
Một cuộc tuần hành của người dân Thổ Nhĩ Kỳ

Món quà của Thượng đế?

Nhà báo tự do của Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) Metin Munir đã viết: “Erdogan thoát chết, nhưng đất nước đang chìm xuống đáy”. Đây là cái kết cho Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà quân đội luôn được trao chức năng bảo hộ các nguyên tắc dân chủ thế tục. Đất nước sẽ ra sao nếu vượt qua được thử thách này thì rất khó để xác định, nhưng nền dân chủ chắc chắn sẽ bị tổn thương trầm trọng, theo Murnir.

Bản thân Tổng thống Erdogan đã gọi âm mưu đảo chính là “món quà của Thượng đế”, vì nó đã cho ông cơ hội để khắc chế phe đối lập cả cánh tả lẫn cánh hữu, cả phái tự do xã hội lẫn phái thân người Kurd. Không phải vô cớ mà truyền thông thế giới loan truyền tin đồn rằng chính Erdogan đã cố ý dàn dựng màn kịch đảo chính để có cơ hội củng cố quyền lực của mình.

Hiện tại chưa ai biết động cơ đích thực nào đã khiến các tướng lĩnh Thổ thực hiện tạo phản. Mặc dù ông Erdogan cáo buộc kẻ cầm đầu phe đối lập, giáo sĩ Fethullah Gulen đã xúi gục làm đảo chính, nhưng các tướng lĩnh, sĩ quan có thể hành động xuất phát từ ý thức bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của quốc phụ Mustafa Kemal Ataturk (1881-1938, người sáng lập nước Cộng hòa thế tục Thổ Nhĩ Kỳ năm 1923, trên nền Đế quốc Ottoman - BT). Một trong những nguyên tắc ấy là quân đội phải đảm bảo được cấu trúc thế tục của cơ cấu thượng tầng đất nước. Rất có thể, cuộc đảo chính vừa qua là một hành động ái quốc chân chính.

Theo nhà bình luận của báo Cumhuriyet, Giáo sư Ahmet Insel thuộc Đại học Galatasaray, phe nổi dậy hi vọng tranh thủ được sự hỗ trợ của một nửa xã hội Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang lo ngại sâu sắc về phong cách độc đoán của Erdogan. Tuy nhiên, không một ai bước ra đường phố để hỗ trợ quân nổi dậy. Ngoài ra, chỉ có một phần nhỏ của quân đội tham gia đảo chính: việc thanh trừng hàng loạt trong quân đội mà Erdogan đã tiến hành trong những năm gần đây đã khiến khối đoàn kết trong giới quân sự gần như hoàn toàn tan rã.

Đất nước đang thực sự bị chìm?

Ngay sau khi sự kiện đẫm máu 15-16/7 kết thúc, Erdogan lập tức thực hiện cuộc thanh trừng lớn trong quân đội và trong các ngành tư pháp, hành pháp. Đã tiến hành bắt giữ hàng loạt sĩ quan, tướng lĩnh, khoảng 3.000 công tố viên và thẩm phán bị sa thải. Chỉ trong đêm đầu tiên đã bắt giữ 6.000 người, bao gồm cả những người ủng hộ tư tưởng của giáo sĩ Fethullah Gulen. Gulen là cựu đồng minh của ông Erdogan, nhưng đã bị thất sủng do đã cáo buộc đảng Công lý và Phát triển Hồi giáo (đảng cầm quyền hiện nay) về tội tham nhũng và làm sai lệch các nguyên tắc ban đầu của đảng. TNK tiếp tục đàn áp tất cả các phe phái chính trị đối lập và các phương tiện truyền thông, mặc dù đã nhiều lần bị phương Tây chỉ trích về việc truy tố các nhà báo. Và, tất nhiên, có cả một làn sóng đàn áp mới đối với người Kurd thiểu số.

Mục đích của Erdogan là tạo ra một nền cộng hòa tổng thống chế độc tài, trong đó Chính phủ và tất cả các cơ quan thực thi pháp luật phục tùng cá nhân ông. Nhiều khả năng, ông sắp đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, liệu một người với tâm thế rất không cân bằng như ông có thể thực sự định dạng lại một đất nước phức tạp và rộng lớn như vậy?

Tình trạng xã hội của TNK là rất khó để ông Erdogan giải quyết những mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, kinh tế và chính trị dồn nén bấy lâu nay. Ông đang phải đối mặt với hoặc là một cuộc đảo chính quân sự, hoặc là một cuộc nội chiến với người Kurd và các lực lượng đối lập khác.

tin nhap 20160719122013
Một cảnh trong đêm diễn ra đảo chính

Ngòi nổ người Kurd

Tình trạng nhân chủng học ở TNK khá phức tạp. Vào đầu thập niên 1920, Mustafa Kemal Ataturk đã dựng nên nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ từ những tàn tích mục nát của Đế quốc Ottoman, mặc dù trước đó không ai tin rằng ông sẽ thành công. Lòng dũng cảm của Ataturk, lòng yêu nước của nông dân Anatolia và sự hỗ trợ của nước Nga Xô Viết non trẻ đã giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ giữ lại được đường biên giới hiện tại, nghĩa là tránh được tình trạng đất nước bị chia năm xẻ bảy. Nhưng ngay tại đất nước này thì người Thổ chỉ chiếm chưa đến một nửa dân số, phần còn lại là các nhóm dân tộc khác - người Kurd, Armenia, Hy Lạp, Bulgaria, Circassians, vv.

Bằng một cuộc thanh lọc sắc tộc khổng lồ (2 triệu người Hy Lạp đã bị trục xuất, trước đó đã trục xuất rất nhiều người Armenia, Bulgaria, người Kurd…), Ataturk đã tạo ra một hiện trạng nhân chủng mà trong đó người Thổ Hồi giáo chiếm hơn một nửa dân số. Tất cả những người Armenia, Hy Lạp, Bosnia, Circassians, Crimean Tatars không bị trục xuất thì đều phải lấy quốc tịch TNK và đổi nhân thân thành người thuộc dân tộc Thổ, ngay cả những người Kurd cũng được gọi là người TNK miền núi. Tuy nhiên, nhiều người trong nhóm “dân tộc thiểu số” này kiên quyết bảo vệ tên gọi dân tộc thật của mình, đặc biệt là người Kurd, vốn chiếm đến 20-25% trong tổng dân số gần 80 triệu người của TNK.

Với số lượng lớn như vậy, người Kurd có thừa khả năng để ly khai thành quốc gia độc lập. Các thế hệ lãnh đạo của nước Cộng hòa TNK, kể từ thời quốc phụ Ataturk, luôn luôn từ chối việc chấp nhận nền tự trị của người Kurd, kể cả về mặt bảo tồn bản sắc văn hóa của họ. Sự xung đột này, khi ngấm ngầm, lúc công khai, đã kéo dài suốt 90 năm nay.

Những nỗ lực của Erdogan nhằm tạo ra một quốc gia Hồi giáo với toàn bộ cư dân là người Thổ theo đạo Hồi đã gây phản ứng tiêu cực trong các tầng lớp xã hội TNK, đặc biệt là ở Istanbul, thủ đô kinh tế của TNK, nơi có đến 2 triệu người Kyrd sinh sống.

Một thất bại có thể xóa sạch mọi thành công

Yếu tố nhân khẩu học cũng góp phần quan trọng trong việc hình thành các vấn đề nan giải hiện nay. Sau 25 năm gần đây, dân số TNK đã tăng từ 50 triệu lên gần 80 triệu. Khu vực có sinh suất cao nhất là vùng Anatolia, nơi dân chúng sống theo truyền thống Hồi giáo bảo thủ, mỗi gia đình đều có rất nhiều con. Những người có tư duy “nông dân” này chính là lực lượng cử tri to lớn bỏ phiếu cho Erdogan và đảng Công lý và Phát triển của ông. Nhưng ở Istanbul, Izmir, các thành phố du lịch và các trung tâm công nghiệp, chưa kể đến các khu vực người Kurd, sự ủng hộ Erdogan là khá thấp.

Trong 15 năm qua, TNK đã đạt những thành công lớn về xã hội và kinh tế, đất nước đang ở giai đoạn khá tiên tiến của dân chủ hóa và hiện đại hóa (theo tiêu chuẩn của Trung Đông), và các phương pháp cũ của chế độ độc tài đã trở nên lỗi thời. Nên nhớ rằng lục lượng cánh tả ở TNK rất mạnh, thế hệ trẻ lớn lên trong các đô thị luôn xét đến các tiêu chí dân chủ và sẵn sàng chiến đấu cho một nền dân chủ đích thực. Những cuộc biểu tình hàng loạt vào năm 2013 tại Quảng trường Taksim ở Istanbul đã minh chứng điều đó. Tuy nhiên, như một kết quả của các sự kiện trong những năm gần đây, và đặc biệt là sau cuộc đảo chính thất bại, với chính sách đối nội như hiện tại, TNK có nguy cơ trở lại tình trạng của hơn một thập kỷ trước. Các nhà đầu tư hoảng sợ, ngành du lịch rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Trong chính sách đối ngoại, ông Erdogan cũng đã tiến hành một cuộc thực nghiệm đầy đủ các nguyên tắc của chủ nghĩa Kemal (Ataturk), đánh cược trên các phong trào Hồi giáo trong thế giới Ả Rập, trong đó có phong trào Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập, IS tại Syria và Iraq. Tuy nhiên, đường lối phiêu lưu này đã dẫn đến sự mất ổn định trong khu vực và gây hiệu ứng ngược cho chính TNK, nơi mà những cuộc xung đột với người Kurd vẫn đang leo thang.

Theo nhà chính trị học người Mỹ David Goldman, TNK có thể trở thành "nhà nước thất bại" (failed state) tiếp theo ở Trung Đông. Đây là kết quả cho những sai lầm đáng tiếc trong đường lối của đảng Công lý và Phát triển và cá nhân ông Erdogan. Nếu người Kurd ly khai thành công, TNK sẽ không còn là một quốc gia thống nhất như trước nữa

Thiện Tâm

Theo TASS