Thịt lợn giá cao - Khi nào người tiêu dùng được “giải cứu”?

13:00 | 20/03/2020

509 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong suốt thời gian dài qua, giá thịt lợn vẫn “neo” ở mức cao gây bức xúc cho người tiêu dùng. Đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng thiết yếu này không chịu “hạ nhiệt” mặc dù đã có những chỉ đạo từ Chính phủ? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú về vấn đề này.

PV: Hiện trên thị trường, giá cả nhiều mặt hàng vẫn “neo cao” như dịp Tết Nguyên đán. Điển hình như giá thịt lợn, dù đã những chỉ đạo từ Chính phủ nhưng vẫn không hề có dấu hiệu giảm nhiệt. Ý kiến của ông về thực trạng đó như thế nào?

thit lon gia cao khi nao nguoi tieu dung duoc giai cuu

Ông Vũ Vinh Phú: Nhiều ngày nay, có nhiều ý kiến, dư luận xã hội đã nêu về một số điều rất khó hiểu, khó giải thích về diễn biến giá cả thị trường nội địa. Đó là, các loại giá dịch vụ ăn uống như phở, bún bánh, gửi xe... và một số hàng hóa, dịch vụ khác đã tăng trước Tết, sau Tết Âm lịch nhưng lại không chịu đi xuống, mặc dù nhiều chi phí đầu vào đã dịu đi. Thực tế, sự “neo giữ” giá cả đã đem lại một phần lợi nhuận vô lý cho một số tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

Có một vấn đề rất nóng bỏng, đó là giá thịt lợn cao đến nỗi Thủ tướng Chính phủ phải nêu ra câu hỏi: “Thịt lợn bảo không thiếu mà thực tế không thiếu, tại sao giá vẫn cao, giá xuống ít hoặc không xuống?”. Trong thực tế, một số “ông lớn” ngành chăn nuôi có lượng thịt áp đảo trên thị trường, chỉ sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ mới giảm nhẹ giá 2 lần trong 1 tháng qua.

Sau những đợt giảm giá đó của Công ty C.P, Dabaco, nhưng thực tế, giá thịt lợn ở chợ lẻ, siêu thị cũng không giảm xuống hoặc giảm xuống không đáng kể. Một ví dụ cụ thể, ở một siêu thị lớn của Hà Nội, cả tháng nay bảng giá vẫn... đóng băng. Thịt ba chỉ 205.000 đồng/kg, sườn thăn 240.500 đồng/kg... Còn ở một số chợ, tiểu thương nói: “Giá thịt lợn có xuống đôi chút nhưng không đáng kể. Chúng em nhập giá cao thì vẫn phải bán giá cao”. Thực tế, giá thịt lợn ở chợ không nhúc nhích xuống được là bao.

thit lon gia cao khi nao nguoi tieu dung duoc giai cuu

Gần đây, Chính phủ đã đề ra một lộ trình cho giá thịt lợn là phải giảm 10% trong tháng 2 và 3, về mức 60.000-65.000 đồng/kg lợn hơi. Lộ trình này phù hợp với giá thành sản xuất hiện nay khoảng 47.000-50.000 đồng/kg lợn hơi. Với giá này, người chăn nuôi đã có lãi hợp lý. Nếu duy trì giá lợn hơi ở mức 75.000-78.000 đồng/kg như hiện nay ở các vùng miền là một điều vô lý.

PV: Năm ngoái, khi giá thịt lợn giảm sâu, các hộ nông dân, doanh nghiệp đã kêu gọi người tiêu dùng “giải cứu”. Vậy khi giá thịt lợn “neo” ở mức cao sao không thấy ai nói “giải cứu” người tiêu dùng?

Ông Vũ Vinh Phú: Lại nói về chuyện giải cứu, thời kỳ giá lợn hơi xuống thấp 20.000-22.000 đồng/kg thì nhiều hộ dân, doanh nghiệp chăn nuôi đề nghị được “giải cứu”. Nhưng hiện nay, giá thịt lợn đắt đỏ, chênh lệch quá xa với giá thành chăn nuôi thì không ai “giải cứu” người tiêu dùng, đó là nghịch lý xảy ra trên thị trường.

Ở khâu trung gian, bao gồm cả thương lái và khâu bán lẻ có một số tổ chức, cá nhân góp phần đẩy giá lên, thông qua chiết khấu cao vô lý và những chi phí khác khi đưa thịt lợn vào bán lẻ. Chiết khấu tới 20-30%, có khi nhà sản xuất cũng khó đạt được trong chăn nuôi, được các doanh nghiệp bán lẻ áp đặt một cách vô lý.

Trước Tết Nguyên đán Canh Tý, tôi đã có ý kiến, trong điều kiện giá cả tăng lên một cách vô lý, gây khó khăn rất lớn cho người tiêu dùng, thì theo Luật Giá, các cơ quan quản lý giá phải vào cuộc, yêu cầu doanh nghiệp chăn nuôi kê khai giá và kiểm soát được giá thành thịt lợn, nhưng chưa được hồi âm.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến “trên bảo dưới không nghe”?

Ông Vũ Vinh Phú: Cuộc họp gần đây về giá cả, Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết, yêu cầu cơ quan thuế phải kiểm tra ngay việc hạch toán, chi phí chăn nuôi, giá thành sản xuất, số tiền nộp ngân sách, các tổn thất do dịch bệnh đối với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Bộ Công Thương phải kiểm tra và trả lời cho câu hỏi: Nguồn cung không thiếu, tại sao giá thịt lợn vẫn cao? Trong thực tế, trên thị trường, chỉ có các doanh nghiệp lớn có số lượng lợn hơi áp đảo mới có điều kiện bắt tay liên kết hoặc thao túng giá trên thị trường mà thôi.

Dư luận xã hội rất hoan nghênh sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ để bảo đảm tính minh bạch, công khai trong sản xuất kinh doanh hiện nay. Một điều cần phải lưu ý thêm là ở khâu trung gian, bao gồm cả thương lái và khâu bán lẻ có một số tổ chức, cá nhân góp phần đẩy giá lên, thông qua chiết khấu cao vô lý và những chi phí khác khi đưa thịt lợn vào bán lẻ. Chiết khấu tới 20-30%, có khi nhà sản xuất cũng khó đạt được trong chăn nuôi, được các doanh nghiệp bán lẻ áp đặt một cách vô lý.

Thời kỳ giá lợn hơi xuống thấp 20.000-22.000 đồng/kg thì nhiều hộ dân, doanh nghiệp chăn nuôi đề nghị được “giải cứu”. Nhưng hiện nay, giá thịt lợn đắt đỏ, chênh lệch quá xa với giá thành chăn nuôi thì không ai “giải cứu” người tiêu dùng, đó là nghịch lý xảy ra trên thị trường.

Trong năm 2019, lãnh đạo của Tổng cục Thuế, Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam đã phải bức xúc vì việc hưởng lợi nhuận bất hợp lý của khâu trung gian và khâu bán lẻ của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải chấn chỉnh một cách kịp thời thực trạng vô lý đó. Chúng ta đều biết, trong thực tế, việc mua bán trên thị trường là thỏa thuận, song thỏa thuận theo cách áp đặt quá vô lý thì cần phải uốn nắn, chấn chỉnh.

PV: Vậy theo ông, đâu là giải pháp cần thiết nhất để “giải cứu” người tiêu dùng lúc này?

Ông Vũ Vinh Phú: Công bằng trong xã hội, trong đó có công bằng trong tiêu dùng mà người dân được hưởng lợi, là một định hướng lớn trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Để thị trường phát sinh những “nghịch lý” làm cho giá cả méo mó như hiện nay là trái với quy luật của kinh tế thị trường. Những quy luật giá trị sử dụng và giá cả của hàng hóa cần được thực hiện một cách khách quan khi điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.

Làm tốt những vấn đề trên, chắc chắn trong thời gian tới, hàng hóa, dịch vụ ở thị trường sẽ được vận hành trơn tru và đúng quy luật.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thủ tướng yêu cầu sớm giảm giá thịt lợn

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình giá thịt lợn. Thủ tướng yêu cầu các Bộ NN&PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Thông tin và Truyền thông nghiên cứu nội dung báo cáo, kiến nghị của Tổng cục Thống kê để chỉ đạo, điều hành, sớm giảm giá thịt lợn.

Cụ thể, Bộ NN&PTNT chủ trì cùng Bộ Công Thương chỉ đạo cung cấp đầy đủ số lượng, chất lượng thịt lợn, bảo đảm giá cả cho người dân, không được để tăng giá, trong khi giá thành sản xuất thịt lợn thấp.

Tổng cục Thống kê chủ động cung cấp thông tin, đề xuất các giải pháp để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 theo mục tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; sau đó gửi Bộ Tài chính (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá) để tổng hợp báo cáo chung và gửi các bộ, ngành liên quan.

Cần thiết đưa thịt lợn vào danh sách mặt hàng bình ổn giá

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có buổi làm việc với đại diện Bộ Công Thương, Tổng cục Thống kê về các vấn đề liên quan tới tình hình giá cả và cung cầu mặt hàng thịt lợn.

thit lon gia cao khi nao nguoi tieu dung duoc giai cuu
Giá thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ liên quan tới vấn đề giá thịt lợn và nguồn cung thịt lợn trên thị trường, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ NN&PTNT tiến hành kiểm tra tình hình cung ứng, giá cả thịt lợn.

Cụ thể, giá thành lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện nay mức cao nhất khoảng 44.000-45.000 đồng/kg. Nếu tính giá lợn hơi xuất chuồng thấp nhất khoảng 72.000-73.000 đồng/kg, mỗi con lợn hơi xuất chuồng (trọng lượng bình quân 100kg/con), các doanh nghiệp thu lãi tối thiểu bình quân 2,7-3 triệu đồng/con. Đây là mức lợi nhuận khá cao.

Liên quan tới giải pháp nhằm điều chỉnh giá thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, theo các quy định hiện hành, chưa có chế tài để buộc các doanh nghiệp phải hạ giá bán thịt lợn, bởi thịt lợn hiện chưa có trong danh sách các mặt hàng bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá 2012. Thời gian tới, để có cơ chế chủ động điều chỉnh giá thịt lợn, cần thiết phải đưa mặt hàng này vào danh sách các mặt hàng bình ổn giá theo quy định tại Luật Giá 2012. Ông Tuấn dẫn chứng, thời gian qua, giá cả mặt hàng thịt lợn rất thiếu ổn định, lúc quá thấp phải giải cứu, lúc lại tăng quá cao. Đây là mặt hàng thực phẩm thiết yếu của đời sống, chiếm tới khoảng 60-70% tiêu dùng thịt của người dân. Vì vậy, rất cần thiết phải đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá để có cơ chế điều chỉnh giá, ổn định thị trường bền vững...

Đồng tình với quan điểm đó, đại diện Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, hiện nay, do thịt lợn không phải là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nên các doanh nghiệp chăn nuôi, cung ứng thịt lợn không phải chịu các chế tài về biện pháp bình ổn giá như đăng ký giá, các chế tài kiểm tra về yếu tố hình thành giá... cũng như các biện pháp điều tiết giá khác của Nhà nước khi xảy ra tình trạng biến động giá bất thường, ảnh hưởng tới đời sống xã hội. Việc đưa thịt lợn vào danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong thời gian tới là rất cần thiết.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, hiện cả nước chỉ còn 2 ổ dịch tả lợn châu Phi mới xuất hiện, trong khi 98% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh. Đó là cơ hội để các hộ dân, doanh nghiệp thúc đẩy tái đàn lợn, bù đắp thiếu hụt và đưa giá thịt lợn xuống mức hợp lý.

Tính đến ngày 2-3-2020, tổng đàn lợn cả nước đạt 24 triệu con, bằng khoảng 77% tổng đàn trước khi có dịch tả lợn châu Phi (31 triệu con vào tháng 12-2018). Trong đó, đàn nái còn 2,7 triệu con, cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân giống, phục vụ tái đàn lợn. Cùng với giống, chăn nuôi của nước ta vẫn được đáp ứng đủ cám (khoảng 21 triệu tấn), chuồng trại còn nguyên và đã có bài học kinh nghiệm về an toàn sinh học để nhân rộng quy mô hộ vừa, hộ lớn và doanh nghiệp. Với tất cả những điều đó, sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo tăng đàn một cách bài bản, căn cơ, tăng nhanh nhưng bền vững.

Thực tế, ngay từ tháng 9-2019, khi dịch tả lợn châu Phi bước đầu được khống chế, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tái đàn, tăng đàn để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường. Trường hợp thiếu nguồn cung, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẽ nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn từ các nước Brazil, Mỹ, Nga... 2 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 13.800 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, lô hàng thịt lợn của Tập đoàn Miratorg (Nga) sẽ về Việt Nam nhằm tăng nguồn cung thịt lợn và đưa giá thịt lợn về mức hợp lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa đầu vào quan trọng với nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tuy hạ nhiệt nhưng còn phức tạp. Các yếu tố rủi ro địa chính trị, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ đã tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, đầu tư và thương mại toàn cầu. Ngành nông nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản 42 tỉ USD, trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỉ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỉ USD, thủy sản khoảng 10 tỉ USD, các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,8 tỉ USD trong năm 2020 là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn ngành cũng như sự phối hợp của nhiều bộ, ngành khác.

Giá thành lợn hơi tại các doanh nghiệp chăn nuôi lớn hiện nay mức cao nhất khoảng 44.000-45.000 đồng/kg. Nếu tính giá lợn hơi xuất chuồng thấp nhất khoảng 72.000-73.000 đồng/kg, mỗi con lợn hơi xuất chuồng (trọng lượng bình quân 100kg/con), các doanh nghiệp thu lãi tối thiểu bình quân 2,7-3 triệu đồng/con.

Minh Thùy