Thiếu nguyên liệu sản xuất sẽ hạn chế sự phát triển của làng nghề

16:44 | 03/10/2023

165 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 3/10, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức hội nghị Kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào cho ngành thủ công mỹ nghệ giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh thành phố khu vực phía Bắc năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Hội nghị nhằm giúp các doanh nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu đầu vào và giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tiêu thụ bán thành phẩm, thành phẩm ổn định, lâu dài, có chất lượng.

Thiếu nguyên liệu sản xuất sẽ hạn chế sự phát triển của làng nghề
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành khu vực phía Bắc có cơ hội tìm kiếm đơn vị bao tiêu sản phẩm, mở rộng sản xuất, gia công bán thành phẩm, thành phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm và thu nhập ổn định, bền vững cho lao động các vùng nông thôn, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có trên 5,400 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.926 làng nghề, làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 2,3 triệu lao động nông thôn, tập trung nhiều nhất ở vùng châu thổ sông Hồng như Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình... Hàng thủ công mỹ nghệ hiện đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Các tỉnh, thành phố khu vực Phía Bắc là nơi có hệ thống làng nghề phong phú, đa dạng. Đặc biệt Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó có trên 300 làng nghề, làng nghề truyền thống. Theo Báo cáo xuất khẩu năm 2022 của Bộ Công Thương kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam trong năm 2022 đạt 3,6 tỷ USD. Các sản phẩm xuất khẩu chính của ngành này là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như đồ gốm, đồ đồng, tranh gỗ, tranh sơn dầu, đồ thủy tinh, đồ đá quý, thảm trải sàn, đèn lồng, các loại nón, túi xách, giày dép thủ công...

Trong số thị trưởng xuất khẩu sản phẩm mây tre cói của Việt Nam thì Mỹ là thị trường chủ lực, chiếm 32,8% tổng kim ngạch. Thị trường lớn đứng thứ hai là Nhật Bản, chiếm 17,3%, kế đến là Đức 7,07% và các nước EU. Các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015-2022 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến gần 3 tỷ USD (2021) và giảm xuống đáng kể còn khoảng 2,4 tỷ USD (năm 2022) do tác động của dịch bệnh, chiến tranh ủy nhiệm Nga - Ukraine, các diễn biến địa chính trị đã làm giảm xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam... Xu hướng suy giảm xuất khẩu tiếp tục kéo dài đến 4 tháng đầu năm 2024.

Riêng thành phố Hà Nội hiện có 806 làng nghề, làng có nghề. Trong đó, có 321 làng nghề truyền thống. Các sản phẩm làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, nhiều sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề đã góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân địa phương, đặc biệt là những người dân, nghệ nhân các làng nghề.

Tổng doanh thu hàng năm từ các làng nghề trên địa bàn Hà Nội ước đạt bình quân 20.000 tỷ đồng. Kinh tế làng nghề có cả sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 - 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương.

Theo tính toán, nhu cầu nguyên liệu để sản xuất gốm, sứ hàng năm của 3 làng nghề Bát Tràng, Giang Cao, Kim Lan khoảng trên 10.000 tấn đất sét trắng, nguồn nguyên liệu này chủ yếu nhập từ các tỉnh trong nước và nhập khẩu. Đối với nhóm nghề mây tre đan, riêng huyện Chương Mỹ, mỗi năm tiêu thụ khoảng 600 tấn mây, 700 tấn song, 500.000 cây tre, nứa, giang.

Tuy nhiên, nguyên liệu sản xuất cho nhiều làng nghề đang dần khan hiếm, ảnh hưởng đến sản xuất và thu nhập của lao động làng nghề. Đặc biệt khó đảm bảo chất lượng cho xuất khẩu. Những khó khăn đó đang là mối quan tâm hàng đầu của Hà Nội trong kế hoạch kết nối vùng nguyên liệu, đảm bảo nguồn cung ổn định để làng nghề phát triển.

Thiếu nguyên liệu sản xuất sẽ hạn chế sự phát triển của làng nghề
Nhiều đại biểu cho rằng thiếu nguyên liệu sản xuất sẽ hạn chế sự phát triển của làng nghề.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng bên cạnh những yếu tố khách quan khiến cho xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đi xuống còn có nguyên nhân là do các doanh nghiệp ít đầu tư công nghệ vào sản xuất, thiếu hụt nguồn nguyên liệu chất lượng, mẫu mã thiếu sáng tạo, nhiều công đoạn sản xuất còn nhỏ lẻ chưa được chuyên môn hóa. Vì vậy, dẫn đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam chưa tạo được sức cạnh tranh lớn so với một số nước như Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Hiện nay, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang bị sụt giảm đơn hàng mạnh ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... nhưng tại các nước mới nổi như Thái Lan, Philippines, Indonesia, lượng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đang tăng gần 15%. Đây đang là thách thức lớn đối với những nhà quản lý cũng như những doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu mây tre đan Hoa Sơn (huyện Chương Mỹ - Hà Nội) cho biết, nguyên liệu sản xuất cho nhiều làng nghề đang dần khan hiếm ảnh hưởng đế sản xuất và thu nhập của người làng nghề, nhất là khó đảm bảo lượng cho xuất khẩu. Nguyên nhân là do chưa có vùng nguyên liệu mây tre nứa được trồng một cách bài bản, có quy hoạch, có kỹ thuật, kỹ thuật trong cả chăm sóc cây nguyên liệu cũng như sau thu hoạch nên dẫn đến nguồn liệu không đảm bảo chất lượng. Hiện nay nguồn nguyên liệu mây tre lá cỏ đang có trên địa bàn Hà Nội chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu nguyên liệu của thị trường.

Đồng quan điểm này, nghệ nhân Nguyễn Văn Sử ở huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, thông tin hai chiều giữa người sản xuất và người cung ứng nguyên liệu đầu vào còn hạn chế dẫn đến nguồn cung không đáp ứng cầu, làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và tiêu thụ của cả hai bên. Với sự khan hiếm của nguồn nguyên liệu, dẫn đến giá thành nguyên liệu tăng cao, tăng chi phí sản xuất, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người sản xuất.

Quang Phú