Thiết bị siêu trường, siêu trọng đã được vận chuyển lên công trình Thủy điện Sơn La như thế nào?

19:30 | 24/04/2020

8,767 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Vận chuyển những thiết bị siêu trường, siêu trọng nặng vài trăm tấn từ cảng Hải Phòng lên công trình Thủy điện Sơn La là cả một cuộc chiến đầy cam go, thử thách. Chỉ một sơ xuất nhỏ, có thể phải trả giá đắt hoặc đánh mất tất cả”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đăng Sâm – Nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Đa phương thức.
Thiết bị siêu trường, siêu trọng đã được vận chuyển lên  công trình Thủy điện Sơn La như thế nào?
Thuỷ điện Sơn La.

Công ty chuyên vận chuyển thiết bị “siêu khủng”

Mở đầu câu chuyện, ông Nguyễn Đăng Sâm cho biết: Năm 2003, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiến hành xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, Công ty của ông được lựa chọn làm đối tác vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng. Khảo sát tuyến đường vận chuyển thiết bị lên công trình, Công ty nhận thấy khó khăn nhất chính là việc vận chuyển thiết bị qua cầu Mường La. Sau nhiều lần tính toán, Công ty đã đưa ra 2 phương án ban đầu: Làm phà qua sông trên cơ sở tận dụng những phà cũ Tạ Pú hoặc gia cố cầu Mường La. Tuy nhiên, cả 2 phương án này đều không có tính khả thi cao.

Phương án cuối cùng, dùng 10 trục đầu kéo lớn loại trên 500CV/chiếc và dùng 150 rơ-mooc thủy lực nối thành hệ thống phân bổ tải trọng trên các trục rồi kéo các thiết bị đi qua các cầu. Phương án này đã được các công ty tư vấn thiết kế hàng đầu của ngành Giao thông vận tải Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần vận tải Đa phương thức tính toán thiết kế và Trường Đại học Giao thông - Vận tải thẩm định.

Với việc tính toán kỹ các phương án và phân tích những ưu, nhược điểm, Ban chỉ đạo nhà nước về công trình Thủy điện Sơn La đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Vận tải Đa phương thức ký hợp đồng vận chuyển thiết bị lên Thủy điện Sơn La.

Tổng trọng tải thiết bị qua cầu 550 tấn

Năm 2007, Công ty bắt tay vào chuẩn bị vận chuyển 3 gói thiết bị: Thiết bị bình thường, thiết bị thủy công và gói siêu trường, siêu trọng. Năm 2008, các thiết bị được nhập khẩu về Việt Nam, Công ty đã kiểm tra kỹ các phương tiện, tiếp nhận rơ-mooc mới, mua thêm lốp dự phòng... Quá trình vận chuyển thiết bị từ Hải Phòng lên đến cảng Tà Hộc về cơ bản như phương án đã chuẩn bị. Thế nhưng, khi kiểm tra lần cuối để đón tổ máy số 1 nhập về Hải Phòng đưa lên nhà máy thì hạn hán nặng đã làm cho mực nước cảng Bến Ngọc sụt giảm hơn 3 m, sà lan không thể cập bến, buộc phải neo giữa sông.

Thiết bị siêu trường, siêu trọng đã được vận chuyển lên  công trình Thủy điện Sơn La như thế nào?
Vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng.

Ông Sâm cho biết: “Chúng tôi khẩn trương đề xuất, được ông Thái Phụng Nê (Phó Ban chỉ đạo Nhà nước) đồng ý và đã chỉ đạo các lực lượng ngành Điện, Quốc phòng cùng phối hợp với Công ty Đa phương thức mở mới một bến nghiêng dài 200 mét, rộng 15 mét bằng bê tông ở bờ Bắc đập Thủy điện Hòa Bình cách cửa nhận nước về hạ lưu đập khoảng 2 km đường chim bay, phối hợp thi công liên tục suốt ngày đêm. Sau 20 ngày, bến đã hoàn thành mà bình thường phải mất 3 tháng. Nhờ vậy, sà lan đưa thiết bị lên Hòa Bình là có nơi chuyển tiếp ngay, không phải chờ đợi”.

Tuy nhiên, đoạn đường 70 km từ cảng Tà Hộc vào đến công trình mới thực sự nan giải. Cung đường ở đây khúc khuỷu, lúc nên dốc, lúc xuống dốc, xe đi chậm như bò, phải mất 20 ngày mới đến nơi. Vất vả nhất chính là khi gặp núi, xe không thể cua được, đành phải chuyển từ rơ-mooc dài sang rơ-mooc ngắn rồi qua đoạn đó lại chuyển sang rơ-mooc dài. Chạy qua 17 cầu, phải “tăng bo” 34 lần.

Phải nói rằng, việc xẻ núi, mở đường cũng không khó bằng việc tính toán sao cho vận chuyển được thiết bị qua cầu Mường La. Đây chính là nút thắt quan trọng nhất. Bằng phương pháp nối nhiều mô-đun của rơ-mooc thành những dàn mooc, Công ty đã cử người sang bên nước chế tạo thiết bị, tìm hiểu, tính toán và khẳng định cầu Mường La có thể qua được vì cầu có độ võng ở mức cho phép. Vậy là MBA nặng 280 tấn của tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Sơn La đã được vận chuyển qua cầu an toàn, độ võng mới bằng 70% mức cho phép.

Và quả thực, sau khi vận chuyển thành công chuyến hàng đầu tiên qua cầu Mường La, mọi người trên công trường đều vỗ tay reo hò, vui mừng. Những cán bộ lãnh đạo Công ty thở phào nhẹ nhõm, như trút được gánh nặng ngàn cân. Ông Sâm chia sẻ: “Mỗi trục mooc nặng 4 tấn, khi qua cầu cần 60 trục mooc cùng với hệ thống đầu kéo và tải trọng của MBA, vì thế tổng trọng tải qua cầu là 550 tấn. Chúng tôi luôn tính toán đầu mooc và mooc không nằm trên cùng 1 nhịp cầu và phải có hệ thống dây cáp. Tôi nhớ lúc chở thiết bị qua cầu Mường La, không ai dám đi theo vì… sợ cầu sập. Cuối cùng chỉ có tôi và ông Hoàng Trọng Nam (Giám đốc Trung tâm dịch vụ sửa chữa EVN hiện nay), một người ngồi đầu xe, một người ngồi cuối xe để trấn an lái xe”.

“Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời theo nghiệp vận tải của tôi. Đưa được tổ máy số 1 qua cầu thành công, các kiện hàng tiếp theo đều thuận lợi và tự tin hơn. Mọi yêu cầu của công trình chúng tôi đều thực hiện nghiêm túc, đáp ứng được tiến độ với chi phí hợp lý. Những gì tinh hoa nhất của Công ty chúng tôi đều dồn vào Thủy điện Sơn La với phương châm “An toàn là trên hết, tiến độ là tuyệt đối”, ông Nguyễn Đăng Sâm chia sẻ.

Tổng khối lượng Công ty vận chuyển lên Sơn La: 17.000 tấn, trong đó thiết bị siêu trường, siêu trọng: 8.000 tấn.

Ngân Hà

  • el-2024