Hãi hùng nạn vợ đánh chồng vì... "thích" bồ!

07:05 | 26/06/2015

22,973 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Không chỉ đánh chồng vì… nghèo mà một số bà vợ còn đánh chồng vì… thích “bồ” hơn. Bởi “bồ” là người tình lý tưởng trong khi chồng chỉ là “bèo bọt”. Mà “bèo bọt” là một cái “tội”, đáng bị đánh!

>> Kinh hoàng nạn vợ đánh chồng

Video ghi lại cảnh vợ đánh chồng trên phố

Theo Trung tâm Nghiên cứu  và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), bạo lực gia đình hiện nay không phân biệt giàu - nghèo, địa vị, giới tính hay khả  năng nhận thức mà có thể xảy ra ở khắp mọi  nơi, mọi gia đình… và cũng có thể xảy ra với nhiều lý do, không chỉ riêng vì tiền, kinh tế.

Như ông Phạm Thế Hùng quê gốc ở Thái Bình sau chuyển vào Đồng Nai, lại không giống như hai  ông chồng trên đây mà lại bị vợ đánh… vì thích “bồ” hơn chồng.

Ông bà đã lấy nhau hơn 20 năm, nhưng gần như 20 năm ấy, ông phải chịu trận thường xuyên những trận đòn “lên bờ xuống ruộng” của vợ là bà Hoàng Thị Điệp.

Vì bà Điệp có sở thích “ngoại tình”. Mà đã ngoại tình thì người tình bao giờ cũng là lý tưởng, còn chồng chỉ là… “bèo bọt”. Và khi đã là “bèo bọt” thì đó là một cái “tội”, “xứng đáng” bị “tẩn” cho “sáng mắt” ra. Đối với bà Điệp, đó là “nguyên tắc”, “văn hóa” ứng xử với chồng.

Vết sẹo ở ngực ông Hùng do vợ ông dùng dao đâm

Sống với bà Điệp, ông Hùng không thống kê nổi bị “ăn đòn” bao nhiêu trận. Nhưng ông vẫn nhớ như in những trận như bà Điệp dùng dao chặt củi chém vào đầu ông, làm ông chết đi sống lại trong bệnh viện do vết thương quá nặng. Rồi lần muốn gần gũi vợ, vừa nằm xuống bên cạnh nhưng ông đã bị vợ dùng dao chọc tiết lợn giấu ở dưới chiếu đâm vào hông. May sao ông tránh kịp nên không bị thương tích gì.

Rồi cả lần chuyển gia đình từ Thái Bình vào Đồng Nai để cách ly bà với người tình nhằm “chấn chỉnh” hạnh phúc gia đình, ông lại bị bà cầm dao đâm trúng ngực chỉ vì khuyên răn bà nên vun vén, chăm lo cho các con. Lần đó tưởng ông chết nhưng do bà con hàng xóm đưa đi cấp cứu kịp thời nên ông thoát chết.

Trải qua tất cả những lần bạo hành đó, vậy mà ông vẫn tha thứ cho bà và mong muốn bà là người vợ hiền yêu dấu như ông hằng mong ước. Thế mà bà vẫn “ngựa quen đường cũ”, lúc nào cũng chỉ “hướng ngoại” đến hết người tình này đến người tình khác.

Có người hỏi tại sao ông lại có thể chấp nhận cuộc sống hôn nhân như địa ngục như vậy với người vợ hư hỏng thì ông trả lời: “Chỉ vì thương cô con gái út của tôi lúc nào van xin: “Bố ơi, để gia đình êm ấm, vẹn toàn, xin bố hãy nhẫn nhịn mẹ” mà tôi không nỡ làm tổn thương con, làm tan vỡ gia đình”.

Nhưng giờ thì đã nghĩ khác, “tức nước vỡ bờ” ông không thể nhẫn nhịn thêm được nữa. Ông đã gọi điện đến cơ quan báo chí để tâm sự về cuộc đời mình để mọi người lấy đó như là bài học tỉnh ngộ cho  những ai có cuộc đời giống ông. Với ông giờ dẫu đã muộn nhưng còn hơn không trong việc không chung sống với vợ nữa. 

Không còn chuyện “một túp lều trang hai trái tim vàng”?

Mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng theo chính các nhân viên tư vấn ở CSAGA, nạn bạo hành ngược đang ngày càng gia  tăng và có thể chiếm tới 30% so với các vụ chồng bạo hành vợ.

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do quan niệm về giới đang thay đổi, nghĩa là nam giới làm việc gì thì nữ giới cũng có thể làm được việc đó để “vùng lên”, để khẳng định mình, kể cả việc xấu. Nhưng đó là quan niệm lệch lạc về bình đẳng giới. Bình đẳng giới là hai bên đều được tôn trọng và đối xử như nhau trong mọi hoàn cảnh, công việc… chứ không phải “giới” sẽ quyết định vai trò, vị trí của người đó.  

Thích bồ nên… đánh chồng

Một vụ vợ đánh chồng giữa phố.

 

Nguyên nhân thứ hai mà PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng dẫn đến sự gia tăng bạo hành ngược chính là chân giá trị thay đổi do tác động của xã hội. Và đây được xem là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng này.

Nếu như trước đây, người vợ được xem là người “nâng khăn sửa túi”, chăm lo cuộc sống cho chồng, con, “chung lưng đấu cật” với chồng để sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống, nhất là khó khăn về kinh tế thì nay dưới sự tác động của xu thế vật chất mà xã hội đề cao, chân giá trị này của người phụ nữ đã thay đổi. Vật chất quyết định thái độ, tình cảm của họ thay vì tiếng nói từ con tim. Thời nay không còn chuyện “một túp lều tranh hai trái tim vàng”.

Cùng với sự thay đổi về chân giá trị thì văn hóa nói chung xuống cấp cũng làm cho văn hóa gia đình xuống cấp theo. Tôn tin trật tự vốn có trong gia đình ngày càng mai một đi thay thế bằng một sự dân chủ “quá trớn”, thiếu tôn trọng lẫn nhau.

Để giải quyết vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, chủ yếu vẫn là giáo dục. Vì giáo dục quyết định mọi hành vi, văn hóa của xã hội và mỗi cá nhân. Và giáo dục phải bằng những bài học thiết thực, ý nghĩa chứ không thể sáo rỗng, xa vời cuộc sống…

Đi đôi với giáo dục, như bà Shoko Ishikawa, đại diện Liên hợp quốc khẳng định, để giải quyết nạn bạo hành trong gia đình, cũng cần thiết chế pháp luật nghiêm ngặt để điều chỉnh hiệu quả hành vi của con người. Thế nhưng ở  Việt Nam hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã có từ năm 2007, song khuôn khổ pháp chế chưa cấm toàn diện, hình sự hóa các hình thức bạo lực, nhiều chính sách pháp luật tốt nhưng triển khai chưa đáp ứng được thực tiễn...

Bởi vậy, để giải quyết tốt nạn bạo hành, những bất cập nói trên phải thay đổi, củng cố kịp thời.

>> Kinh hoàng nạn vợ đánh chồng

 

Tú Anh

(Năng lượng Mới)