Thị trường BĐS đầu năm 2012: Nên bán, nên mua?

13:33 | 02/02/2012

343 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối năm 2011, thị trường bất động sản (BĐS) chứng kiến nhiều đợt giảm giá tại hầu hết các dự án BĐS ở cả ba miền. Và trong những ngày đầu năm 2012, câu chuyện đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới kinh doanh BĐS là chuyện giá BĐS sẽ đi về đâu? Tăng hay giảm? Nên bán hay mua vào thời điểm này?

Thị trường BĐS cuối năm 2011 vốn đang vật lộn trong “cơn sóng dữ” thì lại liên tiếp hứng chịu một loạt các vụ vỡ nợ hàng trăm tỉ đồng liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS. Điều này vô hình chung đã có những tác động mạnh mẽ đến tâm lý người tiêu dùng loại hàng hoá đặc biệt này. Đây chính là một phần nguyên nhân giải thích vì sao dù nhiều dự án đã giảm giá tới 20 – 30%, thậm chí là tới 50% nhưng vẫn không đủ sức hấp dẫn người mua.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng.

Theo nhận định của Savills Việt Nam, với tình hình như hiện nay thì con số 22.000 căn hộ được cung ứng ra thị trường như khảo sát trước đó sẽ khó thực hiện, một số dự án hạng sang sẽ giãn tiến độ cung ra thị trường hoặc chuyển đổi sang phân khúc cấp thấp hơn để tăng tính thanh khoản.

Qua đó để thấy rằng, năm 2012 sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn với thị trường BĐS và để tồn tại, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này buộc phải thay đổi thói quen hay mục đích sản xuất sản phẩm BĐS của mình. Và đây cũng chính là nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khi ông cho rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài ít nhất là hết tháng 6/2012.

Xung quanh vấn đề này, ông Phan Thành Mai – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường BĐS những tháng đầu năm 2012 đã đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan đến từ nỗ lực của các cơ quan quản lý nhằm cứu thị trường bất động sản.

“Nếu các chính sách của Ngân hàng Nhà nước được điều tiết theo hướng nới lỏng linh hoạt và có chọn lọc cho thị trường bất động sản, các kiến nghị của các bộ, ngành được Chính phủ thực thi… thì khả năng thị trường bất động sản sẽ có dấu hiệu phục hồi vào khoảng quý 3 hoặc quý 4/2012”, ông Mai nhấn mạnh.

Và những tín hiệu vui mà ông Phan Thành Mai đề cập tới đã được ghi nhận tại một số sàn giao dịch BĐS trên địa bàn Hà Nội. Thông tin từ sàn giao dịch BĐS Phúc Thịnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho thấy, ngay trong những ngày đầu tháng 1/2012, sàn đã thực hiện thành công 4 giao dịch về phân khúc nhà chung cư và đất dự án, trong khi 3 tháng trước đó, số giao dịch thành công chỉ là 5.

“Ngày khai trương đầu tiên của năm mới chúng tôi cũng đã môi giới thành công 2 trường hợp mua chung cư tại Dịch Vọng và Xa La. Đó là tín hiệu tốt cho một chuyển biến tích cực của thị trường trong năm nay, bởi trên thực tế, tín dụng ngân hàng từ cuối năm 2011 cũng đã dễ thở hơn nhiều so với quãng thời gian dài trước đó”, ông Nguyễn Văn Giáp – Giám đốc sàn giao dịch BĐS Phúc Thịnh chia sẻ.

Những tín hiệu vui từ thị trường là cơ hội cho cả người bán lẫn người mua sản phẩm BĐS.

Đó là nhận định của các chuyên gia và giới kinh doanh, còn câu hỏi lớn nhất được đặt ra là vào thời điểm này, khi thị trường BĐS đang đón nhận những tín hiệu lạc quan, nhà đầu tư nên bán hay tiếp tục găm hàng chờ lên giá mới bán? Và theo một dự báo về thị trường BĐS năm 2012, CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản trong năm 2012 đang để ngỏ nhiều cơ hội cho giới đầu tư. Bởi lẽ, sau hàng loạt động thái, từ giảm giá bán, chương trình ưu đãi đến chuyển nhượng dự án… giới đầu tư bất động sản đang đứng trước 3 cánh cửa : “chết”, giảm giá hoặc cơ hội.

Xung quanh câu hỏi này, ông Vũ Kỳ Anh – Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng TNP cho rằng, nếu làm một phép toán kinh tế thì nhà đầu tư nên bán.

“Phần lớn nhà đầu tư BĐS sử dụng nguồn vốn từ các khoản vay ngân hàng hoặc từ các tổ chức tín dụng cho nên càng để lâu thì giá trị đầu tư sẽ càng tăng. Nếu tiếp tục găm hàng, chờ tới tháng 6, thậm chí là như nhiều chuyên gia dự đoán là phải tới tháng 9 thì rủi ro sẽ rất là cao. Giá trị thu về chưa chắc đã bằng nguồn tiền mà nhà đầu tư bỏ ra. Xoay vòng vốn càng nhanh bao nhiêu thì rủi ro sẽ thấp hơn bấy nhiêu”, ông Kỳ Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, anh Nguyễn Thành Hưng (Xuân Thuỷ, Cầu Giấy) cho rằng: Giá BĐS đã xuống tới mức gần như kịch sàn rồi, nếu có giảm thì sẽ giảm không đáng kể vì các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã phải bỏ ra thêm một khoản tiền lớn đề bù đắp chi phí lãi suất vốn vay rồi.

“Sau hơn 1 năm vật lộn với thị trường để tồn tại, chắc chắn sẽ không có chuyện giảm giá sâu như những tháng cuối năm 2011. Thẳng thắn mà nói, chuyện giảm giá đó không phải là xu thế của thị trường mà chỉ là một vài trường hợp hy hữu tại một số dự án của các công ty “yếu lực” mà thôi”, anh Hưng nhận định.

Như vậy để thấy rằng, thời điểm này có thể xem là cơ hội cho những người có nhu cầu thực mua các sản phẩm BĐS và cũng là cơ hội cho giới đầu tư đẩy đi “quả bom nổ chậm” mà mình đang giữ. Chuyện giá BĐS tăng hay giảm vẫn là ẩn số bởi những biến động trên thị trường “sáng nắng chiều mưa” là chuyện bình thường.

Thanh Ngọc