Thi công chức nhà nước bằng máy tính: Có minh bạch được không?

07:07 | 29/06/2015

1,631 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quy định thi tuyển công chức thành phố năm 2015 bằng phương pháp thi trắc nghiệm trên máy tính. Cùng với quy định này thì hàng loạt các phương án được đưa ra nhằm loại bỏ tiêu cực trong kỳ thi.

Trong Quy định số 1883/QĐ-UBND về việc thi tuyển công chức thành phố năm 2015 sẽ áp dụng cho các môn thi: Nghiệp vụ - chuyên ngành, Tiếng Anh và Tin học.

Cùng với một loạt các phương án được đưa ra để hạn chế tối đa tiêu cực sẽ xảy ra trong kỳ thi thì Quy định 1883/QĐ-UBND cũng nêu rõ: Điểm thi của mỗi bài thi trắc nghiệm trên máy tính do máy tính chấm điểm và thông báo kết quả điểm thi ngay sau khi thí sinh nộp bài. Như vậy, phần nào giảm thiểu được những tiêu cực trong thời gian chờ đợi kết quả thi tuyển.

Có minh bạch được không?

Thi công chức bằng phương pháp trắc nghiệm trên máy tính

Quy định này đang được kỳ vọng sẽ tạo được sự minh bạch trong kỳ thi công chức mà bấy lâu nay vẫn được xem là “cánh cửa hẹp” cho những đối tượng là “dân thường”. Bởi trước nay, việc thi tuyển vào các cơ quan Nhà nước vẫn được xem là thiếu minh bạch, chỉ dành cho những đối tượng có tiền và quyền.

Tuy  nhiên, việc thực hiện phương pháp thi này như thế nào mới là vấn đề cốt lõi. Nhiều ý kiến lo ngại phương pháp này chỉ là bình mới rượu cũ. Bởi thực chất thì cách đây 3 năm, Bộ Nội vụ cũng đã triển khai phương pháp thi này. Và suốt từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” đến nay, cũng có nhiều ban, ngành lựa chọn hình thức thi này để giảm thiểu tiêu cực trong các kỳ thi công chức. Thế nhưng, dấu ấn về “tiêu cực” vẫn không hề thuyên giảm.

Ngay như vụ việc “lùm xùm” của Sở Nội vụ TP Hà Nội diễn ra vừa qua, cũng không tránh khỏi những nghi ngờ về sự minh bạch khi công bố kết quả kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức TP Hà Nội năm 2015.

Sở Nội vụ Hà Nội thông báo: 30/63 thí sinh thuộc diện được đặc cách xét tuyển đã không qua được kỳ sát hạch. Trong số 30 người không đạt, 5 người có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài, số còn lại đều là thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài.

Được biết nội dung kiểm tra, sát hạch công chức của kỳ thi này bao gồm: Kiểm tra kiến thức về công vụ, công chức; kiến thức quản lý Nhà nước chuyên ngành; vận dụng kiến thức chung và kiến thức quản lý Nhà nước chuyên ngành vào thực tiễn công tác ở vị trí việc làm nếu được tiếp nhận; kỹ năng thuyết trình, tổng hợp và soạn thảo văn bản… trên máy tính.

Dù áp dụng phương pháp làm tất cả các bài thi trên máy tính, nhưng việc các thí sinh được đánh giá có năng lực đều… trượt. Điều này không tránh khỏi những dấu hỏi về việc có hay không sự thiếu minh bạch trong quy trình thi? Song song với đó thì nhiều ý kiến cho rằng, cách ra đề thi của cuộc thi là “trái khoáy”, ra đề theo kiểu hình thức, thậm chí là cứng nhắc nên rất khó để những người có năng lực thực sự, đặc biệt gây khó cho những người được đào tạo ở nước ngoài bắt nhập với thực tế thi cử trong nước.

Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Thang Văn Phúc nhận định: Việc áp dụng công nghệ thông tin cho thi tuyển công chức không còn là mới. Kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển trên thế giới như Singapore, Philippines, Malaysia… họ đã làm từ lâu và bảo đảm được sự khách quan, công bằng và minh bạch. Bây giờ chúng ta chỉ áp dụng sao cho minh bạch nhất, vừa tránh hiện tượng chạy chọt lại vừa tìm được người tài.

Hiện đã có những ban, ngành áp dụng phương pháp này nhưng tôi cho rằng áp dụng chưa đúng lối. Đã có quy trình thi công chức thì về mặt nguyên tắc là ai cũng có cơ hội như nhau. Nhưng trong thi công chức đã có những sai phạm khó điểm mặt, chỉ tên. Rõ ràng có thực trạng, nhiều người giỏi không đủ tự tin thi không phải vì kiến thức mà vì không có tiền, không có mối quan hệ. Thực tế này vẫn chưa hề thuyên giảm và nó đang là rào cản khiến những người thực tài khó tiếp cận bộ máy quản lý Nhà nước.  

Theo ông Thang Văn Phúc, để phương pháp thi trắc nghiệm trên máy vi tính đạt hiệu quả thì: Khi thực hiện thì phải đảm bảo quy trình chặt chẽ, hệ thống các câu hỏi phải được xây dựng trên quy chế mạch lạc theo từng đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực… để tìm được người vào vị trí phù hợp, chứ không phải thi theo phong trào như hiện nay là cứ tuyển theo đợt, mỗi đợt 500 hay 300 người… Như vậy là không phù hợp.

Quyết định thi công chức trên phương pháp trắc nghiệm bằng máy vi tính là đúng đắn song vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở con người. Bởi con người làm ra cái máy. Vẫn biết, hiệu quả ngay là khó bởi điều gì cũng cần phải có quy trình nhưng hiện tại phương pháp này đang được kỳ vọng khắc phục được những tiêu cực trong thi công chức ở ta. Nên nó cần được thực hiện theo một quy chuẩn cụ thể, cho từng đối tượng như vậy vừa phân luồng được chất lượng thí sinh dự thi, vừa thể hiện được chất lượng của cuộc thi và vừa có điều kiện đánh giá đúng người tài.

Huyền Anh