THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc bỗng dưng nhờ Mỹ dẹp loạn ở Tân Cương

06:00 | 06/08/2015

5,808 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 5/8, Trung Quốc đề nghị Mỹ giúp chống lại các thành phần Hồi giáo cực đoan có vũ trang tại Tân Cương. Theo Bắc Kinh, đây cũng là một mối đe dọa cho an ninh Mỹ.
THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc bỗng dưng nhờ Mỹ dẹp loạn ở Tân Cương
Bạo động thường xuyên diễn ra tại Tân Cương, Trung Quốc

Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trình Quốc Bình và Đại sứ lưu động phụ trách chống khủng bố thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Tina Kaidanow, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh mối đe dọa khủng bố "đang diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn”.

Trung Quốc đã nêu bật mối đe dọa nghiêm trọng từ Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) và các tổ chức khủng bố Đông Turkestan khác đối với Trung Quốc, Mỹ và cộng đồng quốc tế, đồng thời đề nghị Washington tích cực hỗ trợ và phối hợp với Bắc Kinh chống lại những âm mưu của các lực lượng khủng bố Đông Turkestan.

Theo chính quyền Bắc Kinh, ETIM đã chiêu mộ các đối tượng người Duy Ngô Nhĩ - cộng đồng người thiểu số phần lớn theo đạo Hồi ở Tân Cương - và huấn luyện họ cùng với các phần tử cực đoan ở Syria và Iraq với âm mưu trở lại Trung Quốc để phát động thánh chiến.

Mỹ đã đưa tên của tổ chức ETIM vào danh sách các tổ chức khủng bố năm 2002.

Nhiều chuyên gia cũng như một số quan chức Mỹ nghi ngờ về khả năng gây ảnh hưởng cũng như tầm cỡ tổ chức mà chính quyền Trung Quốc gán cho tổ chức ETIM.

Trước giờ Bắc Kinh thường đổ lỗi cho Mỹ muốn gây loạn Trung Quốc khi đứng sau các hoạt động khủng bố ở Tân Cương nhưng nay họ lại mời Mỹ giúp dẹp loạn vùng đất này. Thật là một đề nghị khó hiểu. Hiện Mỹ chưa phản ứng gì với đề nghị trên của Trung Quốc.

Chống IS theo kiểu Nga?

Ngày 5/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng nước này và Mỹ không thể nhất trí về phương thức chung chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi ông Lavrov nhóm họp lần hai trong vài ngày gần đây với người đồng cấp Mỹ John Kerry.

Đài truyền hình Nga phát trực tiếp những bình luận của ông Lavrov từ Malaysia cho biết "chúng tôi đều nhất trí rằng IS là mối đe dọa chung, mối hiểm họa chung. Chúng tôi nhất trí cần cùng nỗ lực để chống hiện tượng này ngay khi có thể và hiệu quả nhất có thể. Còn giờ đây, chúng tôi không có phương thức chung về cách thức cụ thể mà chúng tôi có thể thực hiện do bất đồng giữa nhiều lực lượng trên thực địa, trong đó có các đơn vị vũ trang của phe đối lập ở Syria".

Cùng ngày, kênh truyền hình quốc gia Syria 8 dẫn lời Ngoại trưởng Walid al-Moualem tuyên bố rằng nếu các nước hợp tác với Syria để chống nhóm IS, thì Damascus sẽ hoàn toàn ủng hộ mọi nỗ lực đối phó IS. Nếu không, mọi hoạt động khác sẽ đều “là sự xâm phạm chủ quyền của Syria”.

Ông Moualem đưa ra phát biểu trên trong chuyến thăm Iran, đồng minh thân cận nhất của Syria, để hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà.

Hồi đầu tuần này, Washington tuyên bố đã quyết định cho phép tiến hành hoạt động không kích nhằm bảo vệ lực lượng nổi dậy Syria được quân đội Mỹ huấn luyện trước mọi kẻ tấn công, kể cả khi đối phương là quân đội Syria hay các tay súng đồng minh.

Vì sao Trung Quốc lọt tầm ngắm của khủng bố Hồi giáo?
Thực hư kế hoạch tấn công Tân Cương của ISIS

Hàn Quốc-Triều Tiên: Khi nữ giới giải quyết bất đồng quốc gia

Ngày 5/8, cựu đệ nhất phu nhân Hàn Quốc bà Lee Hee-ho - phu nhân cố Tổng thống Kim Dae-jung, đã tới Bình Nhưỡng bắt đầu chuyến thăm Triều Tiên.

Đây là một chuyến thăm hiếm có đến Triều Tiên để giúp cải thiện những căng thẳng cố hữu trong quan hệ giữa hai nước thù địch lâu đời. Chuyến thăm của bà Lee Hee-ho dự kiến sẽ kéo dài 4 ngày.

Cựu đệ nhất phu nhân, 92 tuổi, hy vọng chuyến thăm của bà góp phần "giảm những nỗi đau và hàn gắn những vết thương của 70 năm hai miền Triều Tiên bị chia cắt"- theo như phát biểu của cựu bộ trưởng văn hóa Kim Sung Jae của Hàn Quốc, người cùng đi với bà Lee.

Chuyến thăm của bà Lee được loan báo như là một nỗ lực nhân đạo, nhưng cũng có những đồn đoán rằng bà có thể sẽ gặp gỡ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, người đã mời cựu đệ nhất phu nhân thăm Bình Nhưỡng.

Bà Lee và ông Kim đã gặp nhau vào năm 2011, khi bà Lee đến viếng đám tang của cựu lãnh đạo Kim Jong Il.

Chồng của bà Lee, ông Kim Dae-jung làm Tổng thống Hàn Quốc từ năm 1998 đến 2003. "Chính sách Ánh dương" của ông đã giúp khai thông những quan hệ tốt đẹp hơn trong một thời gian ngắn với Triều Tiên.

Giai đoạn tái lập quan hệ đã kết thúc vào năm 2007 khi một chính phủ bảo thủ hơn được bầu lên. Các mối quan hệ từ đó cũng đã trở nên xấu đi sau khi miền bắc thực hiện những thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.

Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên vẫn tiếp tục căng thẳng. Hai nước trên nguyên tắc vẫn còn chiến tranh với nhau sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên vào thập niên 1950, cuộc chiến chấm dứt bằng một hiệp ước đình chiến thay vì một hòa ước.

Nga chỉ trích Mỹ dối trá về lá chắn tên lửa

Ngày 5/8, Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama dường như đã không nói sự thật trong những bình luận năm 2009 về sự cần thiết đối với kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở châu Âu nếu đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Trang web của Bộ Ngoại giao Nga dẫn lời ông Lavrov trả lời phỏng vấn kênh tin tức Channel News Asia cho rằng: "Tổng thống Obama năm 2009 đã công khai nói rằng nếu vấn đề hạt nhân Iran được giải quyết thì sẽ không cần tới hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Dường như ông ấy đã không nói sự thật”.

Trước đó, Bộ quốc phòng Nga cho rằng Mỹ sẽ sớm nhận thấy các kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa là vô nghĩa và chẳng có gì hay ho. Theo đại diện của bộ này, biện pháp đáp trả của Nga sẽ dựa trên những giải pháp công nghệ tân tiến cho phép quân đội xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa.

Nổ súng ở biển giới Ấn Độ-Pakistan

Giới chức Ấn Độ và Pakistan cho biết, 4 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc đấu súng ngày 4/8 giữa binh sĩ hai bên dọc biên giới tại phía Nam khu vực tranh chấp Kashmir.

Cảnh sát trưởng khu vực thuộc kiểm soát của Ấn Độ, ông Danesh Rama cho biết, một người dân đã thiệt mạng do trúng đạn pháo bắn từ bên kia biên giới phía Pakistan rơi xuống gần nhà của người này cách thành phố Srinagar khoảng 340 km.

Theo một quan chức giấu tên thuộc lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ, cuộc đấu súng bắt đầu từ sáng 4/8 khi binh sĩ Ấn Độ phát hiện dấu hiệu khả nghi trong các bụi rậm gần biên giới và nổ súng nhằm ngăn hành động xâm nhập qua biên giới, phía Pakistan đã sử dụng vũ khí hạng nặng đáp trả khiến một người thiệt mạng.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Pakistan cáo buộc binh sĩ Ấn Độ "vô cớ nổ súng" nhằm vào các làng ở khu vực biên giới khiến 3 dân thường thiệt mạng và 22 người bị thương. Tuyên bố của Bộ này cho biết: "Chính phủ Pakistan đã gửi kháng nghị tới Chính phủ Ấn Độ phản đối sự vi phạm thoả thuận ngừng bắn của lực lượng an ninh Ấn Độ".

Trong những năm qua đã xảy ra nhiều vụ nổ súng giữa binh sĩ Ấn Độ và Pakistan dọc Ranh giới Kiểm soát (LoC) - đường biên giới trên thực tế dài 720km chia vùng Kashmir ở dãy núi Himalaya làm hai phần do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát. Tuy nhiên, cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Kashmir. Hai bên thường cáo buộc lẫn nhau nổ súng khiêu khích và vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn tại khu vực ranh giới này.

Hình ảnh ấn tượng

THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc bỗng dưng nhờ Mỹ dẹp loạn ở Tân Cương

Một khách thăm quan nhìn xuyên qua một bức tượng bán thân mang tên "Self-Portrait Fragment" của nghệ sĩ Jamie Salmon, tại nhà đấu giá Christie’s ở London, ngày 3/8

G.K

Năng lượng Mới