Thấy gì ở các ngân hàng thương mại?

07:00 | 14/12/2022

2,359 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngân hàng thương mại (NHTM) chưa tuyên bố phá sản, chưa biết tài sản thu hồi được bao nhiêu, vì sao dư luận đã coi “tiền mồ hôi xương máu” của người gửi tiền đã bị chiếm đoạt? Đó là do thiếu hiểu biết hoặc do những động cơ xấu?
Thấy gì ở các ngân hàng thương mại? Thấy gì ở các ngân hàng thương mại?
Tiền gửi của khách hàng vẫn được các NHTM mua bảo hiểm

Việt Nam hiện nay có 37 NHTM. Không tính chi nhánh nước ngoài, đã có 26 NHTM đã niêm yết trên sàn chứng khoán, nên việc công khai báo cáo tài chính (BCTC) luôn đúng kỳ.

Agribank là NHTM 100% vốn nhà nước cũng công khai BCTC, nhưng thường chậm 1 quý so với các NHTM niêm yết.

Có 2 NHTM chưa niêm yết là SCB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn) và PVcomBank (Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam).

Có 8 NHTM không công khai báo cáo trên website của mình.

Số liệu tổng hợp 29 NHTM ngày 30-9-2022 cho thấy, cho vay khách hàng gần 10 triệu tỉ đồng, tăng 25% so với thời điểm 31-12-2020. Để có tiền cho vay, NHTM đã huy động hơn 10 triệu tỉ đồng tiền gửi và phát hành hơn 0,9 triệu tỉ đồng giấy tờ có giá. Sổ tiết kiệm hay giấy tờ có giá cũng chỉ là giấy ghi nợ, khác nhau ở hình thức, một số nội dung thỏa thuận và lãi suất. Thường giấy tờ có giá có lãi suất cao hơn và rủi ro cũng nhiều hơn.

4 NHTM (Big4) có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ gồm Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank. Đây cũng là 4 NHTM lớn nhất, chiếm 30% vốn điều lệ của 29 NHTM, chiếm 53% tổng tiền gửi huy động, 30% giấy tờ có giá và cũng cho vay khách hàng chiếm 53% tổng cho vay.

Big4 chiếm 66% dự phòng rủi ro tín dụng. Dự phòng lớn nhưng hiệu quả của Big4 cũng cao hơn mức trung bình. Lợi nhuận 3 quý của Big4 đạt 32% tính trên vốn cổ phần, so với 27% của trung bình 29 NHTM.

Thấy gì ở các ngân hàng thương mại?
Phòng giao dịch SCB

4 NHTM không có hoặc có ít vốn nhà nước tốt nhất là VPBank, MBB, Techcombank và Á Châu. 4 NHTM này có khoản dự phòng rủi ro tín dụng rất thấp, chỉ bằng 14% lợi nhuận trước thuế so với 74% của Big4 và số trung bình 40% của 29 NHTM.

Cả 4 ngân hàng này huy động vốn thấp nhất so với vốn chủ sở hữu nên chỉ số nợ/vốn chủ sở hữu chỉ là 6,5/1 so với 16,7/1 của Big4 và 12/1 của 29 NHTM. Lợi nhuận sau thuế của 4 NHTM này bằng 2,3% tổng tài sản, 36% vốn cổ phần so với 0,8% và 32% của Big4.

Ngoài 8 NHTM có sức mạnh cả về vốn và hiệu quả nói trên, 12 NHTM tiếp theo có lợi nhuận trên vốn từ khoảng 15% trở lên đều có các chỉ số về huy động vốn, cho vay, dự phòng rủi ro ở mức bình thường. Kể cả nhóm 9 NHTM cuối cùng cũng chỉ có 3 NHTM thực sự có vấn đề về hiệu quả hoạt động. Ngân hàng Quốc dân là NHTM duy nhất bị lỗ trong 9 tháng năm 2022.

Thời gian gần đây, SCB là tâm điểm của dư luận.

Làm thế nào một NHTM chưa niêm yết lại có thể huy động một lượng lớn tiền gửi và giấy tờ có giá tới gần 700 tỉ đồng, gấp đôi các NHTM như VPBank hay Techcombank? Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của SCB là hơn 32/1, gấp 2 lần Big4.

Cho vay khách hàng của SCB chỉ bằng 65% tiền khách hàng gửi, chưa kể giá trị tiền gửi có giá. Trong khi đó tỷ lệ chung của 29 NHTM là 98%. Xem xét báo cáo tài chính thì sẽ biết rõ tiền SCB đầu tư vào đâu?

Ở góc độ của người gửi tiền hay mua giấy tờ có giá của SCB, hơn ai hết, người gửi tiền biết rõ các NHTM có vốn nhà nước chi phối hay 4 NHTM ngoài nhà nước có quy mô vốn lớn nhất đều có mạng lưới hoạt động rộng khắp. Ngoài ra, các NHTM đã niêm yết khác cũng có độ công khai, minh bạch nhất định của tiêu chuẩn niêm yết. Việc SCB thu hút được số tiền gửi lên đến 30 tỉ USD trên tổng số 475 tỉ USD của 29 NHTM phải có sức hấp dẫn đặc biệt về lãi suất. Việc người gửi tiền lựa chọn lãi suất cao chẳng lẽ lại là “dại dột” khi rất nhiều người lựa chọn gửi tiền ở các NHTM khác với lãi suất thấp hơn.

Ở góc độ dư luận, giả sử bây giờ có nguy cơ người gửi mất tiền và cho rằng NHTM lừa đảo, nhưng căn cứ vào đâu? NHTM chưa tuyên bố phá sản, chưa biết tài sản thu hồi được bao nhiêu, vì sao dư luận đã coi “tiền mồ hôi xương máu” của người gửi tiền đã bị chiếm đoạt? Đó là do thiếu hiểu biết hoặc do những động cơ xấu?

Cách duy nhất để bảo toàn tiền của người gửi là NHTM phải hoạt động bình thường. Cho đến hiện tại, kể cả các NHTM mà Nhà nước mua lại 0 đồng vẫn bảo đảm thanh toán tiền gửi của khách hàng, chưa có một NHTM nào tuyên bố phá sản. Chưa kể tiền gửi của khách hàng vẫn được các NHTM mua bảo hiểm và các khách hàng gửi dưới 100 triệu đồng hoàn toàn có thể nhận lại đầy đủ từ bảo hiểm nếu NHTM không trả được.

Ở góc độ giám sát, quản lý, chỉ cần có Internet và máy tính là trong vòng vài tiếng đồng hồ đã lập được bảng số liệu với những thông tin cơ bản nhất của toàn bộ hệ thống NHTM. Các NHTM không có thông tin thì chỉ có quy mô rất nhỏ, không ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chung. Thông tin tổng hợp này định kỳ cập nhật mỗi quý 1 lần, những biến động lớn hoàn toàn có thể nhận biết và chấn chỉnh những gì được coi là nguy cơ làm mất ổn định hệ thống.

Các cơ quan quản lý lúc này cũng dễ có xu hướng đánh giá tiêu cực đối với NHTM có vấn đề để có đường lùi nếu sau này NHTM đổ vỡ thật. Phán bệnh nặng hơn hoặc coi nhẹ nguy cơ bệnh đều không giúp gì cho người bệnh. Vì vậy, người đánh giá cần phải có năng lực và bản lĩnh, đưa ra những kết luận khách quan, chính xác.

Người nắm giữ trái phiếu cần biết

Doanh nghiệp (DN) là pháp nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật và được pháp luật bảo hộ chứ không phải là “sòng bài” bất hợp pháp. Trước khi pháp luật chỉ ra DN vi phạm gì, không ai có thể kết tội DN.

Người mua trái phiếu là người đồng hành cùng DN. DN chưa phá sản thì vốn và lãi của trái chủ vẫn được bảo đảm bởi pháp luật. DN vi phạm và chịu xử lý của pháp luật chưa chắc đã dẫn đến mất tiền nếu việc xử lý không dẫn đến hoạt động của DN bị đình trệ và phá sản.

Nếu bán rẻ trái phiếu mà có người mua thì không phải người mua dại dột mà chính họ kiếm lợi ở sự hoảng loạn của người bán. Đừng nghe lời khuyên kiểu “bán trái phiếu thu hồi tiền, thà mất một nửa còn hơn mất cả”! Hoặc đầu óc của người khuyên có vấn đề, hoặc họ chính là tác nhân làm “đục nước” để “béo cò”.

Nhà chức trách có thể xử lý DN phát hành trái phiếu sai luật, có thể xử lý DN phá sản theo luật, chứ không có trách nhiệm bảo toàn tài sản của chủ nợ cũng như cổ đông. Vì vậy, trong mọi trường hợp, ưu tiên cao nhất với lợi ích của chủ nợ và cổ đông là duy trì hoạt động của DN. Nên biết rằng, ở nước ngoài, các DN nhờ luật phá sản mà rũ được hết trách nhiệm với chủ nợ và cổ đông.

Ngô Thái Bình