Tháo gỡ rào cản pháp lý trên thị trường khí

07:00 | 24/09/2019

1,019 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau 20 năm phát triển, thị trường khí Việt Nam đang có nhiều bất cập về quản lý Nhà nước, nhiều tiêu cực xảy ra trong hoạt động kinh doanh khí. Nhóm phóng viên Báo Năng lượng Mới đã ghi lại một số ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia tại Hội thảo “Tiềm năng phát triển thị trường khí Việt Nam” được tổ chức mới đây. 

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương: Nhiều bất cập về pháp lý

thao go rao can phap ly tren thi truong khi

Khí được quy định là một trong những nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện, có 2 sản phẩm chủ yếu là khí thiên nhiên (khí thiên nhiên hóa lỏng - LNG; khí thiên nhiên nén - CNG) và khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG. Hoạt động kinh doanh khí tại Việt Nam được điều chỉnh chủ yếu bởi các nghị định.

Luật Dầu khí 1993 và Luật Dầu khí sửa đổi, bổ sung năm 2000 và năm 2008, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 16-10-2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí, quy định các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có những nội dung không phù hợp với thực tế, cụ thể: Chỉ điều chỉnh khâu thượng nguồn như tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, chưa có nội dung điều chỉnh các khâu trung nguồn và hạ nguồn. Các hoạt động trung, hạ nguồn được điều chỉnh chủ yếu bởi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Chưa có quy định rõ ràng liên quan đến vấn đề chuyển nhượng quyền lợi trong hợp đồng dầu khí. Hợp đồng dầu khí mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 33/2013/NĐ-CP gây không ít khó khăn cho nhà thầu.

Trước năm 2009 chưa có một văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý kinh doanh LPG, vì vậy, hoạt động kinh doanh LPG trên thị trường đã phát sinh nhiều tiêu cực như gian lận thương mại, san chiết nạp lậu, chiếm dụng vỏ bình trái phép, nhái nhãn hiệu, giả nhãn hiệu, nhằm kiếm lợi bất chính, gây bức xúc trong dư luận.

Hiện tại, hệ thống pháp lý về hạ tầng kỹ thuật kinh doanh khí có quá nhiều thủ tục về quản lý, đầu tư, vận hành và kinh doanh trạm khí hóa lỏng, bao gồm khoảng 70 thủ tục khác nhau, chịu sự quản lý của gần 10 bộ, ngành.

Năm 2009, Nghị định 107/2009/NĐ-CP được ban hành, hệ thống văn bản pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh LPG đã được thiết lập tương đối đầy đủ, góp phần đưa thị trường kinh doanh LPG vào nề nếp, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và xã hội, là cơ sở bước đầu hình thành và phát triển thị trường LPG theo hướng lành mạnh và bền vững.

Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15-6-2018 về kinh doanh khí đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dễ dàng tiếp cận thị trường.

thao go rao can phap ly tren thi truong khi
Nhà máy Chế biến khí Dinh Cố

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, nhiều vấn đề vướng mắc, bất hợp lý xuất hiện cần sớm xử lý. Cụ thể: Tồn tại khoảng trống pháp lý đối với loại hình thương nhân hoạt động dưới hình thức tổng đại lý, đại lý kinh doanh LPG và thương nhân phân phối khí; điều kiện kinh doanh không đồng nhất, chồng chéo, chưa gắn với bản chất hoạt động kinh doanh khí; còn có những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp (quy định lập sổ theo dõi chai LPG; cho thuê chai LPG…); thủ tục hành chính khó triển khai tại địa phương (thành phần hồ sơ cấp giấy chứng nhận xung đột pháp lý với quy định về điều kiện).

Ông Trần Trọng Hữu -Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh khí miền Bắc: Quy định không phù hợp là lực cản lớn

thao go rao can phap ly tren thi truong khi

Với các nghị định, thông tư ban hành trong 20 năm qua, gần đây nhất là Nghị định 87/2018/NĐ-CP, vẫn có những quy định chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh của thương nhân kinh doanh khí.

Cụ thể, Chương VI - Lĩnh vực kinh doanh khí tại Điều 22 của dự thảo sửa đổi khoản 2 Điều 8 Nghị định số 87/2018/NĐ-CP được sửa đổi như sau: “Đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí qua đường ống, ngoài đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, c khoản 1 Điều này quy định còn phải có đường ống vận chuyển khí và trạm cấp khí đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật”.

Điều 23 của dự thảo sửa đổi khoản 3, Điều 38, Nghị định số 87/2018/NĐ-CP được sửa đổi như sau: “Bản sao Giấy chứng nhận kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bồn chứa đối với thương nhân có bồn chứa”. Điều 24 bổ sung khoản 4 Điều 60 Nghị định số 87/2018/NĐ-CP như sau: “Đối với thương nhân phân phối khí, thương nhân là tổng đại lý đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện theo Nghị định 19/2017/NĐ-CP thực hiện quyền và nghĩa vụ như đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực”.

Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15-6-2018 về kinh doanh khí đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dễ dàng tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, nhiều vấn đề vướng mắc, bất hợp lý xuất hiện cần sớm xử lý.

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, những sửa đổi chưa xử lý được những vướng mắc mà Nghị định 87/2018/NĐ-CP quy định chưa phù hợp với thực tiễn kinh doanh khí, cụ thể như: Về thuê chai LPG, nhãn hiệu trên chai là của thương nhân cho thuê hay thương nhân thuê chai, vì liên quan đến quyền sở hữu, trách nhiệm và nghĩa vụ của thương nhân trong quá trình kinh doanh khi xảy ra cháy nổ, khi có vi phạm pháp luật? Điều 20 quy định: “Được thiết lập hệ thống phân phối kinh doanh khí theo quy định của Luật Thương mại”, nếu tổng đại lý, đại lý kinh doanh LPG không cần điều kiện gì thì khi xảy ra cháy, nổ sẽ rất khó xử lý.

Ngoài ra còn có các quy định bất cập khác như lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin phải có thông tin về sêri chai. Thực tế, quy định này rất khó thực hiện và tốn kém rất nhiều chi phí, thời gian không cần thiết. Tương tự, những quy định điều kiện trạm cấp khí phải thuộc thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật, trạm cấp khí phải được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng chưa phù hợp thực tế đối với thương nhân vừa và nhỏ, nhà hàng, khách sạn.

thao go rao can phap ly tren thi truong khi

Hiệp hội Gas Việt Nam đã có ý kiến, kiến nghị bằng văn bản với Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng chưa được tiếp thu, sửa đổi. Những quy định chưa phù hợp thực tế sẽ là lực cản rất lớn đến sự phát triển lành mạnh của thị trường khí.

Ông Kiều Dương - phụ trách Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương: Sang chiết gas trái phép ngày càng tinh vi

thao go rao can phap ly tren thi truong khi

Kinh doanh LPG đang diễn ra rất phức tạp, trước hết phải nói đến tình trạng chiếm dụng trái phép chai LPG. Hiện nay, không ít doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp và tinh vi hơn, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.

Việc trao đổi trả chai LPG, hoặc hợp đồng trao đổi chai LPG, không được một số doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc nên xảy ra tình trạng chiếm dụng chai LPG của nhau, dẫn đến khó kiểm soát hoạt động kinh doanh.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành 1.052 lượt kiểm tra, phát hiện 562 vụ việc vi phạm trong kinh doanh LPG, tịch thu 950 chai LPG, 1.086 chai LPG mini. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 615 triệu đồng.

Tình trạng các tổ chức, cá nhân kinh doanh LPG cạnh tranh không lành mạnh bằng cách chiếm giữ, trao đổi, mua bán các loại chai LPG không thuộc quyền sở hữu gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành 1.052 lượt kiểm tra, phát hiện 562 vụ việc vi phạm trong kinh doanh LPG, tịch thu 950 chai LPG, 1.086 chai LPG mini. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 615 triệu đồng.

Không chỉ chiếm dụng chai LPG, việc sang chiết gas trái phép cũng đang diễn biến phức tạp. Các đối tượng sang chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt các cơ quan chức năng như: Tận dụng bãi đỗ xe trống trải cách xa khu dân cư, các khu nhà trọ, bãi đất trống, để tiến hành sang chiết gas trực tiếp từ xe bồn chứa LPG vào bình gas loại 12kg, hoặc sang chiết gas mini trái phép. Mặt khác, việc sang chiết được thực hiện lén lút, ngoài giờ, thường xuyên thay đổi địa điểm nên rất khó phát hiện, gây khó khăn trong công tác kiểm tra và xử lý.

Theo khảo sát của chúng tôi, việc đăng ký thông tin hệ thống phân phối với Sở Công Thương của các doanh nghiệp kinh doanh LPG cũng không thực hiện đầy đủ nên khó khăn trong việc theo dõi, quản lý. Số lượng cửa hàng kinh doanh gas đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thấp hơn số lượng cửa hàng hiện đang kinh doanh LPG.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh: Năng lượng khí cần được sử dụng hiệu quả

thao go rao can phap ly tren thi truong khi

Khi nói đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chắc chắn không thể không nhắc đến an ninh năng lượng bởi sản xuất kinh doanh cần năng lượng và đây luôn là vấn đề cực kỳ quan trọng của nền kinh tế.

Phát triển thị trường khí là một vấn đề thú vị và phức tạp, ứng xử với những vấn đề tồn tại của ngành Dầu khí nói chung và công nghiệp khí nói riêng là cực kỳ nhạy cảm bởi hiện nay ngành Dầu khí đang có quá nhiều biến động. Điều này xuất phát từ 4 yếu tố là chu kỳ kinh doanh kinh tế, địa chính trị phức tạp, ý tưởng phát triển bền vững xanh sạch đẹp và cuối cùng là rủi ro về công nghệ khai thác.

Tôi có thể lấy ví dụ, trước năm 2014, giá dầu thế giới liên tục leo thang bởi thông tin chỉ đến năm 2030 sẽ cạn kiệt dầu mỏ. Nhưng cũng vào năm đó, Hoa Kỳ công bố công nghệ khai thác dầu đá phiến và nâng nguồn dầu mỏ lên cực lớn, nên giá dầu liên tục sụt giảm. Đặc biệt, cần lưu ý về sức “ngốn” năng lượng của kinh tế số khi một máy đào tiền ảo tiêu tốn năng lượng tương đương với năng lượng sử dụng của vài nghìn hộ dân.

Bởi vậy, vấn đề sử dụng năng lượng khí sao cho hiệu quả, minh bạch và an toàn là cực kỳ quan trọng.

Hội thảo “Tiềm năng phát triển thị trường khí tại Việt Nam” là cơ hội để các cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành, các nhà nghiên cứu kinh tế, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khí cùng trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong các quy định, thể chế đối với phát triển ngành công nghiệp khí, những rào cản thực tế trong quá trình hoạt động kinh doanh, từ đó từng bước hoàn thiện các quy định, các cơ chế, chính sách hướng tới phát triển ngành công nghiệp khí hiệu quả - bền vững trong tương lai, nhằm phát huy hết tiềm năng của thị trường khí của Việt Nam.

Đưa khí thiên nhiên vào danh mục bình ổn giá

Khí thiên nhiên (hiện cung cấp chủ yếu cho sản xuất điện, đạm), có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế, là đầu vào quan trọng của sản xuất điện, đạm. Vì vậy, gắn với các yêu cầu đặt ra trong quản lý tài nguyên là việc hình thành cơ chế, chính sách về thăm dò, khai thác, kinh doanh khí nói chung, giá khí nói riêng.

Về cơ chế giá khí, quan điểm của Bộ Tài chính là cần xem xét, đưa sản phẩm khí thiên nhiên vào danh mục bình ổn giá; đồng thời, cần xây dựng cơ chế giá minh bạch, cạnh tranh nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, bảo đảm khai thác hiệu quả tài nguyên và phát triển bền vững ngành công nghiệp khí.

Thành Công - Tú Anh