Thăm Venezuela - “Hoa hậu Dầu lửa”

08:00 | 31/10/2020

411 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nói đến Venezuela, giới trẻ biết ngay đó là đất nước có nhiều hoa hậu thế giới. Những người làm nghề dầu khí chúng tôi thì lại biết đất nước Venezuela còn là xứ sở của dầu mỏ. Nói theo lãng mạn nghề nghiệp, thì Venezuela là “Hoa hậu Dầu lửa”.

Tùy bút của Bỳ Văn Tứ

Tôi may mắn được đi dự Hội nghị Dầu khí và thăm Venezuela một tuần vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2011. Lần đầu tiên đến với Venezuela - xứ sở hoa hậu, tôi phấn chấn và háo hức với những điều mới lạ. Những cảm nhận qua mỗi ngày ở miền đất xa xôi ấy, cứ dồn đến, dồn đến… thôi thúc tôi chia sẻ cùng bạn đọc.

1. Câu chuyện trên máy bay

Trên chuyến bay của hãng hàng không Pháp Air France từ Paris sang Caracas, tôi ngồi cạnh một người Tây da trắng. Ông trông có dáng trí thức hoặc doanh nhân, đã đứng tuổi. Nét mặt ông có vẻ cởi mở và dễ gần. Khi máy bay đã lên đủ tầm cao và bay ổn định, tín hiệu thắt dây an toàn đã tắt, tôi hỏi chuyện, làm quen. Được biết ông tên là Lopez Henrique, người Venezuela, đang trên đường trở về ở Caracas. Tôi cũng giới thiệu tôi từ Việt Nam sang Venezuela dự Hội nghị Dầu khí.

Chúng tôi trao đổi danh thiếp cho nhau. Đúng là ông rất cởi mở, theo tính cách của người Mỹ La Tinh, gốc Tây Ban Nha. Ông kể, trước đây ông đã từng học ngoại giao ở Thụy Sỹ, vốn là một nhà ngoại giao của Venezuela. Nay không còn làm việc trong ngành ngoại giao nữa, mà đang làm chuyên gia tư vấn về luật pháp, tài chính đầu tư cho một vài hãng dịch vụ hợp tác với nước ngoài. Ông vừa đi châu Âu có công chuyện làm ăn. Thảo nào, nhà ngoại giao có khác, ông có phong thái đàng hoàng và nói tiếng Anh rất hay.

Trong chuyến thám hiểm năm 1499, nhà vẽ bản đồ Amerigo Vespucci bắt gặp nhiều ngôi nhà lá của thổ dân da đỏ dựng trên mặt nước, làm ông liên tưởng tới thành phố Venice ở Italia. Và ông đặt tên vùng này theo tiếng Tây Ban Nha là Venezuela. Năm 1522 người Tây Ban Nha bắt đầu thiết lập thuộc địa ở Venezuela. Dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Simon Bolivar, Venezuela đã giành được độc lập với chiến thắng Carabobo vào ngày 24/6/1821. Quốc hội mới trao quyền lãnh đạo quân đội cho Bolivar và ông đã giải phóng thêm nhiều vùng đất mới, thành lập nên nước Đại Colombia. Venezuela trở thành một phần của Đại Colombia cho đến năm 1830, khi nước này tách ra để thành lập một quốc gia mới là Venezuela ngày nay.

Tôi nói với ông đây là lần đầu tiên tôi đến Venezuela. Nghe mỗi người nói một khác về đất nước Venezuela Xã hội Chủ nghĩa của Venezuela và đề nghị ông nói một chút về mô hình Chủ nghĩa Xã hội thế kỷ 21 ở đất nước này. “Thú thực, tôi cũng không hiểu! Tôi chỉ thấy Chính phủ chúng tôi quốc hữu hóa các công ty dầu lửa quốc tế, các tập đoàn tư bản và một số đất đai. Bây giờ các nhà quản lý cao cấp, các doanh nhân và kỹ sư, những trí thức và nhà giàu lần lượt di cư sang Colombia và Mỹ mở các doanh nghiệp làm ăn. Ông biết không, riêng ở Qatar, có trên 650 kỹ sư dầu khí người Venezuela sang đó làm thuê”, Lopez Henrique trả lời. Khi tôi hỏi lý do, ông nói: “Vì không hợp với hệ thống quản lý mới, vì lương ở Venezuela bây giờ thấp hơn trước, và vì tình hình an ninh bây giờ không tốt”.

Rồi ông kể cho tôi, chuyện con trai ông hai lần bị bắt cóc tống tiền. Lần đầu tiên, anh ta lái ô tô của gia đình vợ chưa cưới đi chơi, bị cướp. Lần tứ hai, chúng theo từ nhà hàng về đến tận nhà, bắt cóc ngay tại cửa. Mỗi lần như vậy, ông lại phải mang tiền đến chuộc con về. Lần thứ hai, khi anh con trai ông bị bắt, ông kêu cứu, định gọi cảnh sát đứng cách đó không xa. Tên côn đồ chỉ mặt thách thức và nói: “Vô tư đi, các chiến hữu đó cũng là người của bọn tao đấy!”. Người có tiền, có đồng hồ, điện thoại đắt tiền bị trấn lột là chuyện thường. Ai chống cự, liền bị bọn côn đồ đánh đập dã man, thậm chí chúng dùng súng bắn ngay. Nên ai bị cướp thì mặc cho chúng lấy đồ, cốt để yên thân. Ông nói, nhiều người dân trung lưu chán nản, không muốn làm ăn, chờ chính phủ thay đổi, dân nghèo thì chờ chính phủ chia tài sản. Hiện nay, chính phủ do quân đội nắm, không biết quản lý, tham nhũng tràn lan. Chính phủ đang phải xây chung cư cho dân nghèo. Giáo dục ở Venezuela tương đối tốt, trường công và trường tư nhiều…

Tôi hỏi ông về công việc làm ăn. Ông cho biết, công ty của ông có thể cung cấp các dịch vụ về pháp lý và tài chính trong các hoạt động phát triển công nghiệp, dầu khí cho các công ty nước ngoài. Ông còn hẹn tôi, trong thời gian dự hội nghị ở Venezuela, nếu xếp được lịch, thì có thể gọi điện thoại hoặc gửi email hẹn gặp nhau để nói chuyện cụ thể hơn về khả năng hợp tác…

Khi chia tay ở sân bay Caracas, tôi cám ơn ông, chào từ biệt mà trong lòng cứ băn khoăn về những điều được nghe…

2. Văn phòng đại diện của Petrovietnam

Anh Đạo, Trưởng đại diện ở Mỹ Latinh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng một số anh em trong văn phòng ra sân bay đón chúng tôi. Nhìn anh trong bộ đồ quần jean, áo thun, giày thể thao, với bộ ria đen, giống như một người Mỹ Latinh thực thụ! Ở cái tuổi ngoại lục tuần mà anh vẫn rất phong độ pha chút phong trần. Mấy năm không gặp, tôi hơi bất ngờ khi gặp anh ở đây và bất ngờ hơn, anh nói tiếng Tây Ban Nha rất khá!

Chuyến bay Caracas đi Puerto La Cruz mãi gần 10 giờ tối mới cất cánh, nên anh mời cả đoàn về Văn phòng đại diện nghỉ ngơi, ăn tối rồi sẽ ra sân bay.

Văn phòng đại diện của Petrovietnam là một ngôi biệt thự hai tầng, trong khu phố yên tĩnh, đường xá gọn gàng, có nhiều cây xanh, phần nhiều là nhà biệt thự, nhà nào cũng kín cổng, cao tường. Tầng trệt là văn phòng, nhà bếp và sinh hoạt chung, tầng trên là các phòng nghỉ của anh em. Phía đằng sau nhà, có hiên rộng kê mấy chiếc bàn để ngồi uống nước và làm nhà ăn tập thể. Ngồi đây có thể ngắm cảnh núi cao, xanh xanh về phía chân trời. Bên dưới là khu vườn nhỏ và hồ bơi. Chắc lâu rồi, hồ bơi không được sử dụng, nên thấy đồ đạc để mỗi nơi một thứ, chỉ thấy khuôn viên là đẹp. Anh Đạo nói, chủ căn nhà này là một nhà tư bản, đã di cư ra nước ngoài. Hồi các anh mua, giá khoảng sáu trăm ngàn đô la, bây giờ nếu bán đi cũng được hơn một triệu đô rồi. Khu vực này là khu của nhà giàu. Các anh còn kể, hồi mới sang, các anh chưa quen và cũng chủ quan. Có một lần, cán bộ trực, thấy người gọi cổng, tưởng bạn bè đến chơi ra mở. Cổng vừa mở, chưa kịp nhận ra ai thì bọn côn đồ ập vào. Chúng có vũ khí, trấn áp mọi người trong nhà rồi vơ vét một số máy tính, đồ dùng cá nhân rồi tẩu thoát. May mà anh em không có nhiều tiền, thiệt hại không lớn. Nhưng việc đó cũng làm một số người hoảng sợ, một số người cũng ngại sang Venezuela. Sau đó các anh lắp hệ thống camera kiểm soát 24/24 giờ, phối hợp chặt chẽ hơn với cảnh sát và cơ quan có quy chế an ninh, mọi người đã có ý thức cảnh giác, nên thấy cũng yên ổn.

Văn phòng này là đầu mối liên lạc của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với các tổ chức thực hiện công việc tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở các nước châu Mỹ Latinh, bao gồm Venezuela, Cuba, Peru, Brazil. Hoạt động hợp tác của Petrovietnam với Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) đang sôi nổi: Tham gia 40% cổ phần trong Liên doanh dầu khí Macareo ở lô Junin 2 (PDVSA nắm 60%); nghiên cứu tận thu một mỏ dầu cũ, dự án phát triển và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; hợp tác dịch vụ dầu khí…

Đêm hôm ấy, chúng tôi đi Puerto La Cruz để kịp sáng hôm sau dự Hội nghị Dầu khí…

tham-venezuela-hoa-hau-dau-lua
Hội Dầu khí Việt Nam và Hội Dầu khí Venezuela

3. Venezuela - đất nước dầu lửa đang phát triển

Đó là tiêu đề của Hội nghị Dầu khí tổng thể lần thứ nhất ở Venezuela, do Công ty Dầu lửa quốc gia Venezuela (PDVSA) và Hiệp hội Dầu khí Venezuela (CPV) phối hợp tổ chức tại thành phố cảng Puerto La Cruz từ ngày 27/9 đến 29/9/2011. Ban tổ chức cho biết, đây là lần đầu tiên chương trình nghị sự bao gồm tất cả các nội dung hoạt động của ngành công nghiệp dầu khí, từ khâu thượng nguồn tới khâu hạ nguồn, dịch vụ và cũng đề cập tới sự tham gia của cộng đồng dầu lửa quốc tế ở Venezuela. Bên cạnh hội nghị là Triển lãm lần thứ 21 Dầu khí Mỹ Latinh.

Suốt hai tiếng đồng hồ, Bộ trưởng Năng lượng và Dầu mỏ, kiêm Chủ tịch PDVSA, Rafael Ramirez Carreno trình bày bản báo cáo về hiện trạng và chiến lược phát triển ngành công nghiệp dầu khí của Venezuela. Hơn 600 đại biểu bị cuốn hút bởi phong cách hùng biện của vị bộ trưởng, và đặc biệt bởi những nội dung báo cáo rất ấn tượng. Trong buổi nghỉ giải lao, ông đại sứ Canada tại Venezuela tâm sự: “Lần đầu tiên, tôi được nghe bộ trưởng trình bày một báo cáo toàn diện, hoành tráng và thuyết phục như vậy”.

Qua ba ngày, tất cả các báo cáo đều được trình bày ở hội nghị toàn thể, trong hội trường chính. Những hình ảnh, những con số đã hình thành trong đầu tôi diện mạo của một ngành dầu khí Venezuela đang vươn lên tầm cao mới, Venezuela đang trở thành một thế lực dầu khí trên trường quốc tế.

Nước Venezuela rộng 912 nghìn cây số vuông, gần gấp 3 lần diện tích Việt Nam, mà dân số có gần 28 triệu người. Năm 2009, tổng thu nhập GDP là 326 tỉ USD, bình quân đầu người 11.509 USD/năm, xuất khẩu năm 2009 là 60,9 tỉ đô la, trong đó dầu thô chiếm 57,6 tỉ. Trong năm 2009, sản lượng dầu xuất khẩu có thời điểm đạt 2,571 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên việc dựa quá nhiều vào dầu lửa khiến cho đất nước này trở nên mất an toàn khi giá dầu tụt mạnh vào năm 2014. Từ một quốc gia được xem là giàu có nhất ở Mỹ Latinh, Venezuela phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế và lạm phát liên tục phi mã. Năm 2019, tổng GDP đạt 70.140 tỉ USD, song xuất khẩu dầu của Venezuela chỉ trong 1 năm đã giảm 32%, xuống còn 1,001 triệu thùng/ngày, do thiếu nhân viên và vốn khiến sản lượng xuống mức thấp nhất trong gần 75 năm và các lệnh trừng phạt của Mỹ đã thu hẹp thị trường xuất khẩu.

Venezuela là nước đang nắm giữ trữ lượng dầu khí khổng lồ. Trữ lượng xác minh vào năm 2010 là 296,5 tỉ thùng, đứng đầu thế giới. Trong khi thế giới đang lo lắng, nguồn dầu thô sẽ bị cạn kiệt trong vòng bốn, năm chục năm tới, thì Venezuela tự tin cho rằng dầu khí của mình có thể đủ dùng hàng trăm năm. Nhưng Venezuela không chỉ khai thác dầu cho nhu cầu nội địa của bản thân mình, mà ngành dầu khí sẽ là nguồn xuất khẩu chính để có nguồn lực giải quyết các mục tiêu chiến lược của đất nước. Từ nay (2011) đến năm 2019, Venezuela đầu tư mạnh mẽ vào khai thác, nâng cấp dầu thô để xuất khẩu, phát triển lọc dầu cả trong nước và nước ngoài mà trọng tâm là thị trường Mỹ Latinh, Caribe và châu Á, công nghiệp khí thiên nhiên cũng sẽ bùng nổ. Dầu khí sẽ là quân át chủ bài giúp Chính phủ Venezuela giải quyết các mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội, hợp tác quốc tế, giúp đỡ người nghèo.

Bộ trưởng thẳng thắn và cởi mở: “Chúng tôi không thiếu tiền, chúng tôi có nhiều tài nguyên chưa khai thác. Chúng tôi thiếu công nghệ, thiếu nhân lực và dịch vụ. Chúng tôi mời các bạn đến Venezuela hợp tác, cùng nhau làm ăn thực sự, để cùng phát triển”.

Hướng mắt về phía đại sứ Trần Thanh Huân đang ngồi ở hàng ghế khách mời, Bộ trưởng Rafael hào hứng: “Chúng tôi rất trân trọng các bạn Việt Nam. Vị Đại sứ của Việt Nam hôm nay cũng tới dự hội nghị. Petrovietnam là một công ty mới trong làng dầu khí thế giới và cũng mới nhập cuộc ở Venezuela. Nhưng họ làm việc rất nghiêm túc và đang xúc tiến được các mục tiêu đề ra…”. Hội trường vang lên tràng vỗ tay tán thưởng, theo phong cách rất Latinh.

Nhiều đối tác đang quan tâm tới Venezuela. Tôi nghe nói, Trung Quốc bỏ ra 31 tỉ đô la, Nga 15 tỉ và Nhật Bản 6 tỉ để có được sự cam kết hợp tác tầm cỡ và lâu dài. Những chàng trai giàu có đang nhiệt tình ve vãn Hoa hậu thế giới! Riêng chàng trai nghèo Việt Nam chẳng có nhiều tiền nhưng lại được Hoa hậu quan tâm, muốn có quan hệ hợp tác lâu dài và toàn diện. Đại sứ Trần Thanh Huân nói với chúng tôi: “Lập trường hợp tác chiến lược với Việt Nam của Tổng thống Chavez là kiên định, với tầm nhìn toàn cục, bao gồm cả chuỗi từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn, không tính toán thiệt hơn, không nhỏ nhặt”.

tham-venezuela-hoa-hau-dau-lua-1
Bồn chứa sản phẩm dầu

Đại sứ còn tâm sự: “Venezuela thực sự là vùng đất của nhiều cơ hội làm ăn. Bạn đang muốn hợp tác mạnh hơn với chúng ta về dầu lửa, về nông nghiệp, cả về xây dựng nhà ở cho người nghèo. Bạn muốn nhân dân Venezuela được tận mắt thấy và học tập tấm gương anh hùng của dân Việt Nam trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, trong phát triển kinh tế từ nghèo khó vươn lên, ngay trên mảnh đất quê hương của mình”.

Đại sứ cười rất tươi: “Ngành Dầu khí các bác đúng là một ngành tiên phong đến với xứ sở hoa hậu này!”.

4. Puerto La Cruz - thành phố dầu lửa

Trong tiếng Tây Ban Nha, Puerto là hải cảng. Puerto La Cruz - thành phố cảng, thành phố dầu lửa của Venezuela!

Đằng sau khách sạn chúng tôi ở là cửa biển. Dọc bờ, đậu san sát các du thuyền đủ kiểu, toàn loại nhỏ của các gia đình. Bờ bên kia cũng có nhiều du thuyền đậu phía sau dãy biệt thự liền kề. Mấy hôm đi họp, xe chạy qua những khu dân cư mới xây dựng, nằm trong vùng đất thấp bên trong vịnh, na ná như phía ngoài thị xã Bà Rịa. Ở đây, người ta quy hoạch các khu dân cư ven đô thị khá thoáng mát và rộng rãi. Những dãy nhà nằm dọc theo kênh đào, phía trước là đường, sau nhà là bến đậu du thuyền và ca nô. Mỗi chiếc du thuyền giá hàng triệu đô la. Như vậy nhà giàu ở đây đâu phải ít!

Hai buổi tối, anh Đạo mời đoàn đi ăn ở hai nhà hàng khác nhau. Anh có chủ ý để mọi người biết được phong thái ẩm thực của dân Venezuela. Đúng là nhà hàng ở Puerto La Cruz có những nét rất giống các nhà hàng ở Mexico, hay miền Nam châu Âu, như Tây Ban Nha, Italia. Đồ uống rượu vang và bia phổ biến hơn là rượu mạnh. Thức ăn dù là hải sản, thịt bò hay súp, hình như có một vị gì đó rất đặc thù mà tôi không thể miêu tả được, tạm gọi là mùi Venezuela!

tham-venezuela-hoa-hau-dau-lua-2
Khu Công nghiệp Chế biến dầu thô ở Puerto La Cruz

Sau khi kết thúc hội nghị, chúng tôi đi thăm nhà máy nâng cấp dầu thô Petrocedeno. Dầu thô Venezuela là loại dầu thô rất nặng và chứa nhiều lưu huỳnh, ở nhiệt độ bình thường nó đặc quánh không thể vận chuyển được. Vì vậy, người ta phải khử lưu huỳnh, chế biến cho nó nhẹ hơn để có thể bơm qua đường ống và xuất khẩu bằng tàu dầu cỡ lớn, gọi là nâng cấp dầu thô.

Ra khỏi thành phố Puerto La Cruz là bắt đầu thấy rừng và đồng cỏ hoang một màu xanh bát ngát. Đi được mấy chục cây số, đã thấy phía trước những ngọn đuốc, đặc trưng của các nhà máy chế biến dầu mỏ. Liên tiếp là mấy nhà máy lọc dầu. Phía ngoài biển, những con tàu chở dầu thô đậu la liệt, chờ vào bến ăn hàng. Những con tàu lớn, sáng lên trong nắng, nổi bật trên nền biển xanh. Tôi chưa từng thấy ở hải cảng nào có nhiều tàu dầu cỡ lớn như vậy. Hình ảnh của một cảng xuất khẩu dầu thô tầm cỡ thế giới thật là hoành tráng.

tham-venezuela-hoa-hau-dau-lua-3
Xưởng Coke hóa chậm

Đi sâu vào khu công nghiệp chế biến dầu thô, cũng la liệt bồn chứa dầu các loại lớn nhỏ, nào tháp chưng cất, nào thiết bị cao thấp, lớn nhỏ, đường ống chằng chịt như những khu lọc hóa dầu của các nước khác, mà tôi đã từng được qua. Nhưng ấn tượng với tôi nhất, là những đống cốc dầu lừng lững như những quả đồi một màu than đen. Các nhà máy xử lý dầu thô ở đây thực sự là các nhà máy lọc dầu có sơ đồ chế biến rất sâu, kết hợp công nghệ xúc tác và cracking nhiệt, suất đầu tư khá cao và chi phí vận hành tốn kém, để có thể chuyển dầu thô đặc quánh thành dầu thô xuất cảng được.

tham-venezuela-hoa-hau-dau-lua-4
Trong nhà máy nâng cấp dầu thô Petrocedeno

5. Ông Đại sứ ở thành Caracas

Trên chính trường hoặc trong giới ngoại giao, người ta thường gọi đại sứ các nước là “Ngài” cho trịnh trọng. Thấy ông còn trẻ, lại cởi mở và rất thân thiện, tôi gọi Đại sứ Việt Nam tại Venezuela là “ông” cho thân mật. Ông Đại sứ Trần Thanh Huân đã học tiếng Tây Ban Nha, từng trải ở các nước Mỹ Latinh hàng chục năm rồi.

Hôm đầu tiên gặp ông ở Puerto La Cruz, ông rất nhiệt tình nói chuyện với chúng tôi về dầu khí Venezuela, về quá trình hợp tác giữa nước ta và Venezuela trong lĩnh vực này và về cả Hiệp hội dầu khí Venezuela. Ông quân tâm đến hợp tác dầu khí giữa hai nước, có lẽ hơn nhiều người đang làm việc trong ngành dầu khí ở nước nhà.

Chủ nhật, chúng tôi đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Caracas. Ngôi nhà không lớn lắm, ở cổng không có lính gác hay bảo vệ. Ngoài quốc kỳ Việt Nam, trông ngôi nhà cũng giản dị như các ngôi biệt thự lớn khác. Có lẽ ông cảm nhận được câu hỏi thoáng qua trên nét mặt của chúng tôi, ông mời mọi người vào phòng khách với cử chỉ rất thân tình. Ông kể, ở nhà các đồng chí lãnh đạo cứ hỏi về chuyện bảo vệ an ninh cho sứ quán. Ông báo cáo, vẫn có bảo vệ tươm tất. Nhưng, nếu làm như các đại sứ quán của nước khác, thì phải mỗi ca trực cần 1-2 người, tổng số phải gần chục người, lại phải bố trí nơi nghỉ ngơi cho người ta, phục dịch đủ thứ. Mà nhà của đại sứ quán mình thì không lớn, kinh phí không phải dư dật lắm, làm sao giải quyết được. Còn vệ sĩ đi theo đại sứ cũng là câu chuyện ở đây. Ông Đại sứ Nhật Bản, khi ra khỏi nhà là có 4 vệ sĩ đi xung quanh, đi xe cũng có tới 3 vệ sĩ ngồi phía trước và hai bên. Trong xe, lại bố trí có hộp an toàn, khi có tình huống bất an, đe dọa tính mạng, chỉ cần ông ấn nút là ghế của ông được đưa vào hộp an toàn, tránh được tình huống bị bắt cóc. Ông Đại sứ Malaysia cũng gần như thế, đi đâu ra khỏi nhà hay đại sứ quán là có cả một đội vệ sĩ bao quanh.

Có lần, ông một mình tự lái xe “vi hành” vào khu “ổ chuột”. Chẳng may lạc đường, tìm mãi không thấy lối ra. Thấy một người đàn ông dân địa phương, ông xuống xe, chào và hỏi thăm đường. Anh bạn “thổ địa” ngạc nhiên nói:

- Anh bạn China kia, anh đến đây mà không sợ à?

Ông thản nhiên:

- Tôi không phải người Trung Quốc, tôi là người Việt Nam!

- Thảo nào! Các anh, thì đến cả bọn Mỹ cũng không sợ kia mà.

Và anh ta vui vẻ chỉ đường. Ông cảm ơn, lên xe và hai người chào nhau với thái độ thân thiết như những người bạn .

Ông nói, thực ra, bọn côn đồ trấn lột hoặc bắt cóc những người có tiền, có của. Nếu mình ăn mặc bình dân, đi xe tàng tàng, không thấy có tiền của gì thì chẳng ai động đến mình. Vả lại, dân Venezuela cũng có cảm tình với dân Việt Nam ta.

Chủ và khách hàn huyên đủ thứ chuyện. Tôi thấy một chị mang ấm trà ra rót mời mọi người, Anh Đạo và mấy cán bộ chào hỏi thân mật. Tôi đinh ninh chị là phục vụ hay nhân viên của sứ quán.

Trong bữa cơm tối ở nhà hàng do Văn phòng đại diện Petrovietnam mời đoàn và cả gia đình Đại sứ, tôi mới ngã ngửa người ra, hóa ra chị là phu nhân của ông Đại sứ, cũng là con nhà nòi trong ngành ngoại giao, nói tiếng Tây Ban Nha rất thạo. Những bà Đại sứ của ta ở một số nước mà tôi đã gặp, chưa thấy có ai có bản lĩnh như chị. Trong lúc ăn, tôi hỏi chị: “Ở đây, chị có tham gia câu lạc bộ của các phu nhân đại sứ ở ngoại giao đoàn không? Chị cười cho biết “chúng tôi hay tổ chức sinh hoạt cộng đồng ngoại giao đoàn hoặc cùng nhau đi làm từ thiện”.

Chị kể một kỷ niệm về đoàn nghệ thuật ca múa Việt Nam sang biểu diễn ở Venezuela. Chị phải đi liên hệ với Ban tổ chức của bạn, vận động “Quỹ vàng đen” cung cấp xe bus chở khán giả là quần chúng dân nghèo đi thưởng thức văn nghệ của Việt Nam. Mỗi khán giả còn được phát cho một khẩu phần nước uống và bữa ăn nhẹ khi xem văn nghệ! Khi về, già trẻ, lớn bé ai cũng tấm tắc: “Cả đời tôi, chưa bao giờ được thưởng thức văn nghệ hay đến thế”. Còn anh chị em nghệ sĩ của mình thì cũng rất phấn khởi rằng: “Chưa thấy ở nước nào mà khán giả địa phương lại nhiệt tình, hào hứng như ở đây. Chuyến công diễn thành công ngoài mong đợi”.

Từ những câu chuyện này, tôi thầm mến phục vợ chồng ông đại sứ của ta.

Ông Đại sứ tâm sự: Ở đây, cũng phải quen với phong cách giờ giấc của bạn. Những cuộc họp hay hẹn gặp, muộn một vài giờ là chuyện thường. Có khi phải hoãn đi, hoãn lại vài lần! Bạn ít quan tâm đến văn bản, giấy tờ. Nhưng được cái, đã hứa với nhau điều gì, bạn cố gắng thực hiện theo tinh thần đã thống nhất, nhiều chuyện giải quyết linh động.

Anh Đạo kể thêm: Có trường hợp, đã hẹn nhau cuối tuần gặp để giải quyết công việc. Nhưng tới ngày, gọi điện mãi mà không được. Tuần sau gặp nhau, bạn xin lỗi vì chiều thứ Sáu, hết giờ là bỏ cả máy tính và điện thoại ở văn phòng, phóng xe ra sân bay, tự lái máy bay riêng về phương nam nghỉ với vợ cuối tuần, không công việc, không liên lạc với ai. Ở Venezuela, sân bay quốc tế chỉ có mấy cái, nhưng sân bay nội địa, nghe đâu tới hơn bốn trăm cái. Máy bay riêng thì nhiều vô kể, người ta tự lái máy bay gia đình như đi xe hơi vậy. Có nhà còn có tới hai, ba chiếc! Ở đây phải kiên nhẫn, rồi công việc cũng tiến triển và rồi cũng quen đi.

Ông Đại sứ còn tâm sự về chuyện, Tổng thống Chavez muốn hợp tác với Việt Nam trong việc xây nhà cho người nghèo. Venezuela sử dụng “Quỹ vàng đen” của mình để xây dựng khoảng một triệu rưỡi căn hộ cho người nghèo. Chính phủ Venezuela quy hoạch các khu dân cư, với các dãy nhà 5 tầng trở xuống, rồi giao cho các nước bè bạn thi công. Trung Quốc, Iran, Cuba, Nga mỗi nước được nhận mấy trăm ngàn căn hộ. Mỗi khu dân cư, bạn sẽ ứng trước cho nhà thầu thi công 30% chi phí theo dự toán, sau đó sẽ thanh toán tiếp sau mỗi đợt nghiệm thu. Nghe đâu Iran đã hoàn thành đợt đầu tiên khoảng 70 ngàn căn hộ. Các đội thi công của Trung Quốc và Cuba cũng đang xúc tiến mạnh. Các quan chức và các tổng công ty ngành xây dựng Việt Nam cũng đã sang thị sát, cũng rất hăng hái, nhiệt tình hứa hẹn với bạn đủ thứ. Nhưng khi mọi người về đến nước nhà thì lại im ắng. Bạn chờ và giục giã các đội thi công của Việt Nam sang, nhưng vẫn chẳng có hồi âm.

Theo ông Đại sứ có thể lý giải được điều đó: Làm ở đây phải đảm bảo chất lượng. Nếu làm ăn nghiêm túc thì cũng có lợi nhuận đạt tỷ lệ thông thường trong ngành xây dựng trên thế giới. Nhưng so với việc kinh doanh địa ốc siêu lợi nhuận ở Việt Nam thì không hấp dẫn bằng. Bên cạnh đó lại xa xôi cách trở, rồi lại còn rủi ro. Chắc chỉ có tư nhân hay ai thực sự nghiêm túc thì mới dám sang.

Ông lại kể: Tổng thống Chavez, sau khi sang thăm Việt Nam về, rất hào hứng, muốn giao cho Việt Nam đất, Việt Nam có thể đưa nông dân sang, làm ăn phát triển nông nghiệp theo mô hình như ở nhà. Đất đai, khí hậu Venezuela giống như Đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân Việt Nam từ nghèo đói, từng phải nhập lúa gạo, nay đã thành nước xuất khẩu gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu và hải sản vào loại hàng đầu thế giới. Chỉ cần các bạn làm được giống như ở Việt Nam trên đất Venezuela, thì hai bên đều có lợi. Dân Venezuela có hơn hai chục triệu người, tiêu thụ nông sản không nhiều, nhưng có thể phát huy thế mạnh đất đai, sông biển, xuất khẩu nông sản, hải sản, có thể giúp cho mấy trăm triệu người thiếu đói trên thế giới. Trung Quốc đã nhận đất. Người ta dùng tàu thủy đưa dân sang làm ăn, định cư. Nghe nói đến năm 2015, sẽ có khoảng một triệu rưỡi Hoa kiều sinh sống ở Venezuela! Đã có đoàn cán bộ gồm bốn vụ trưởng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam sang thị sát và nghiên cứu. Bạn đã tổ chức cầu truyền hình xuống tận nông thôn, giới thiệu các bạn Việt Nam sang thực địa ở Venezuela, mang các thành tựu, hứa hẹn một tương lai xán lạn ở chốn thôn quê vùng Mỹ Latinh này. Nhưng rồi khi các cán bộ Việt Nam về đến nước nhà thì cũng im lặng, hai bên đang tiến hành thử nghiệm, không còn sôi động như ban đầu. Chắc mọi người lại ngại đi xa và không dám chấp nhận rủi ro!

6. Cảm nhận Caracas

Trên đường từ sân bay về trung tâm thành phố Caracas, một người chỉ cho chúng tôi đỉnh núi phủ kín những đám nhà xây gạch đỏ. Anh cho biết, đó là khu dân cư của những người nghèo, ở trên đó, cũng có điện, nước và hệ thống đường bộ. Chỉ có điều, nhà cửa xây lộn xộn, chật hẹp, chồng chất lên nhau, và chuyện cơi nới cũng giống hệt ở xứ ta. Người nghèo được hưởng giá ưu đãi đối với điện, nước. Các công ty cấp nước, cấp điện hầu như không đi thu tiền điện nước ở những khu vực đó, một phần vì không bõ công, phần khác vì nhân viên ngại rủi ro tới tính mạng.

Xe cộ ở Caracas khá đông đúc, cũng có hiện tượng ùn xe. Xa lộ “Một nghìn mét” là tên một tuyến đường chạy qua trung tâm thành phố có cao độ 1.000 mét so với mặt biển. Thành phố Caracas nằm trên thung lũng cao, nên quanh năm mát mẻ, khí hậu ôn hòa. Tôi liên tưởng Caracas giống như Đà Lạt, Buôn Mê Thuột hay Bảo Lộc ở ta.

Dinh Tổng thống ở sát ngay khu dân cư, lại là khu dân nghèo! Anh em kể: Năm 2002, lực lượng đối lập làm đảo chính, bắt giam Tổng thống Chavez. Quốc hội họp để chuẩn bị thành lập chính phủ mới. Chính lực lượng dân nghèo đã tràn vào nhà Quốc hội, bắt giữ các thành viên Quốc hội làm con tin, yêu cầu trả tự do cho Chavez và khôi phục Tổng thống! Tổng thống Chavez thường tự nhận là Tư lệnh của người nghèo.

tham-venezuela-hoa-hau-dau-lua-5
Khẩu hiệu viết trên bồn chứa dầu: Tổ quốc, Chủ nghĩa xã hội hay là chết!

Mọi người kể lại, trong những cuộc mít tinh lớn, Tổng thống Chavez tuyên bố công khai: Trước đây, chỉ có máy phần trăm người giàu đã cùng các công ty nước ngoài nắm trên 90 phần trăm của cải của đất nước Venezuela. Bây giờ, tài nguyên ấy phải được chia lại cho dân nghèo Venezuela. Venezuela không cần người giàu, họ có thể ra đi! Dân nghèo Venezuela sẽ làm chủ đất nước. Nghe đâu, có tới sáu triệu người nghèo Colombia nhập cư vào Venezuela. Chính sách của chính phủ là chia của cải cho người nghèo: Xây chung cư, dịch vụ y tế, giáo dục, trợ giá lương thực. Một đô la mua được mấy chục lít xăng, tiền xăng không đủ để trả lương cho nhân viên bán hàng. Người ta đã thấy sự tiêu dùng lãng phí vì giá quá rẻ và nạn buôn lậu xăng dầu ra các nước láng giềng, rút ruột tài nguyên của đất nước ngày một tăng. Lúc này nghe nói chính phủ Venezuela sẽ tăng giá xăng dầu theo một lộ trình nào đó. Cũng vì trợ cấp nhiều từ “Quỹ vàng đen”, nhiều người không muốn làm việc, chỉ trông chờ được chia tài nguyên. Phe đối lập cũng phải thừa nhận, nếu bầu cử bây giờ, Chavez vẫn nhận được số phiếu áp đảo từ người dân và vẫn trúng cử.

Mấy ngày dự hội nghị và xem Triển lãm Dầu khí ở Puerto La Cruz, rồi về thủ đô Caracas, tôi cứ thắc mắc: Venezuela có nhiều hoa hậu nhất thế giới, mà sao ít gặp người đẹp! Ở sân bay, khu vui chơi giải trí, trên đường phố hay trong khách sạn, tỉ lệ người đẹp ta được gặp chắc ít hơn nhiều so với Việt Nam hay các nước khác. Ngược lại, số phụ nữ béo phì gấp nhiều lần những cô thon thả theo như mẫu người đặc trưng của dân gốc Tây Ban Nha. Ông Đại sứ cho biết, ở đây có những lò đào tạo hoa hậu. Họ tuyển những bé gái khoảng mười tuổi về nuôi dưỡng và dạy dỗ theo chế độ đặc biệt, cách ly hẳn bên ngoài. Ta chỉ có thể gặp họ ở một số nơi, một số sự kiện mà thôi. Chúng tôi hơi tiếc vì không có thời gian đi thăm lò đào tạo hoa hậu thế giới!

Anh bạn tôi kể: Báo chí đưa tin, theo điều tra tại một khu dân cư mới xây dựng, có tới 40% chủ nhân các căn hộ là phụ nữ có con mà không chồng, thỉnh thoảng mới thấy đàn ông đến thăm! Đàn ông Venezuela ở tuổi năm sáu chục, thường đã qua bốn, năm lần ly dị và cưới vợ mới trẻ hơn! Lại có bà vợ một đại gia, trong vòng ba năm mà bị bắt cóc tới 16 lần! Ông chồng chỉ còn biết than thở và mang tiền đi chuộc vợ về!

Đến đất nước của nhiều hoa hậu thế giới mà không được gặp một hoa hậu nào, cứ thấy thế nào ấy. Hoa hậu Dầu lửa đáng quyến rũ quá mà ai cũng thấy ngài ngại! Những ý tưởng mới đầu thế kỷ 21 về sự phân chia tài sản quốc gia, về sự liên minh chống cường quyền, chống độc quyền thống trị của những thế lực quốc tế đối với các nước nghèo đang phải vật lộn trong bối cảnh vô cùng phức tạp.

Một chuyến đi với nhiều cảm xúc mới lạ…

Caracas tháng 10 năm 2011

B.V.T